Khi chị em dâu 'đại chiến'
Đều là dâu con trong gia đình, thay vì cùng nhau gánh vác trách nhiệm làm dâu thì nhiều cặp chị em dâu chỉ vì những hiềm khích riêng tư mà gây ra cho đối phương những ấm ức không thể giải tỏa khiến không khí gia đình luôn căng như dây đàn.
Vợ chồng chị Hạnh lấy nhau chưa có nhà nên vẫn phải đi thuê. Bản thân chị Hạnh là người rộng lượng. Biết mình không khá giả gì, nhưng thấy mình vẫn hơn hẳn vợ chồng chú út ở quê nên chị Hạnh chính là người đề nghị anh Quang – chồng chị gọi vợ chồng chú út về ở cùng. Song chính chị Hạnh lại phải thú nhận rằng đó chính là sai lầm lớn của chị.
“Nhiều lần bực quá mình nhắc nhở thì mới tự làm và tỏ vẻ khó chịu. Mình có phải người giúp việc của hai vợ chồng đâu. Chưa bao giờ cô ấy biết mua hoa quả về để trong tủ lạnh mời anh chị, chỉ biết lấy đồ mình mua ra mang lên phòng hai vợ chồng ăn với nhau. Mình có việc bận nhờ trông con 30 phút thì cô ấy kêu: ‘Ỉn quấy lắm, em không trông được đâu’ thật là bực không chịu nổi”.
Va chạm mà chị Hạnh gặp phải cũng chỉ là một trong số rất nhiều những mâu thuẫn nảy sinh khi chị em dâu sống chung. Thực tế dẫu rằng đôi khi việc sống chung với bố mẹ chồng dẫu có trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chị em, nhưng cũng vẫn còn “dễ thở” hơn rất nhiều so với việc phải “chung nhà” cùng chị em dâu.
Chị M.H (Gia Lâm) chia sẻ, chị và em dâu thường xuyên va chạm với nhau kể từ lúc sống chung dưới một nhà, cùng bố mẹ chồng. Nguyên nhân chủ yếu là do em dâu nhạy cảm, nghĩ mẹ bênh chị dâu hơn mình nên sinh ra tính đố kỵ. Cô ấy thường hay cạnh khóe cho rằng “mẹ chỉ quý mỗi chị dâu mà xem em không ra gì”, "đấy gia đình chị giàu có hơn nên bố mẹ trọng hơn em",...
Vì thế nhiều lúc chị M.H cũng đau đầu vì khó xử. Đôi lúc lại do cô em dâu “châm chọc” khiến chị nổi cáu, thế là hai chị em thường xuyên cãi nhau.
Còn chị Q.T thì lại khác, chị và chồng sống cùng nhà với chị dâu trong căn phòng rộng 25m2. Mùa hè chật chội bí bức dễ nổi cáu với nhau. Những va chạm về kinh tế cũng như chỗ ăn chỗ ngủ khiến anh chị em đau đầu và thường cáu kỉnh. Theo chị Q.T đôi lúc chỉ là chuyện tiền điện nước chia đôi giữa hai gia đình, chị thiệt hơn chút cũng có lời qua tiếng lại đến nhức cả óc.
Cách kiểm soát tốt mối quan hệ chị em dâu
Người xưa có câu: “Chị em dâu nấu đầu trâu lủng nồi” để nói lên rằng chị em dâu với nhau thường mâu thuẫn, xích mích, bất hòa, thậm chí lắm khi còn xảy ra xô xát.
Trong tất cả các mối quan hệ của một gia đình, chị em dâu có khoảng cách xa hơn cả. Nếu anh em rể (hay còn gọi là cột chèo, đồng hao) thường tỏ ra thân thiết thì chị em dâu chẳng mấy khi hòa thuận. Chị em dâu thường bất hòa do nhiều nguyên nhân như sự khác biệt về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái, phân công công việc trong gia đình… Trước hết, chị em dâu không có quan hệ máu mủ (trừ trường hợp chị em ruốt lấy anh em ruột), chỉ khách quan tình cờ mà sống bên cạnh nhau. Về mặt quản lý gia đình, mỗi người có cách riêng của mình; về mặt tài chính, mỗi người có ngân quỹ riêng. Vì cuộc sống ra riêng trong tương lai nên mỗi người đều cố gắng “xây dựng lực lượng” riêng, ít nghĩ đến gia đình lớn mà chỉ chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ của mình, khiến trong nhà xuất hiện khuynh hướng “ly tâm”. Ngay cả khi sống riêng thì mối quan hệ giữa chị em dâu cũng ít khi tốt đẹp, hoàn hảo. Trong gia đình, anh em ruột hòa thuận thì không khí trong nhà luôn vui vẻ, nhưng nếu mối quan hệ giữa chị em dâu không tốt thì khó tránh khỏi những chuyện khó xử, có khi trở thành những hệ lụy nặng nề.
Bởi thế, giữa chị em dâu cùng đều phải học cách kiểm soát mối quan hệ của chính mình:
Không để lòng ghen chiến thắng, không đẩy hiềm khích đi xa
Là con cái, có đóng góp cha mẹ bao nhiêu cũng không thể lấy làm đủ, với nhà chồng, chị em dâu không nên tính toán quá chi li; nếu đóng góp nhiều hơn người khác thì nên thấy thế làm vui chứ đừng cảm thấy mình bị thiệt thòi. Chị em dâu cũng đừng nên lấy bụng dạ hẹp hòi, ganh ghét mà đối xử với nhau như tình huống sau đây: thấy một người tỏ ra hiếu kính với cha mẹ chồng, những người còn lại xúm vào bới móc, mỉa mai, khiến người kia phát sợ, cuối cùng không dám thể hiện lòng hiếu kính nữa. Ngược lại, nếu có ai thuận thảo hiếu kính hơn, những người khác nên lấy đó làm gương để noi theo.
Tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau
Trong xã hội, người lạ còn phải tôn trọng lẫn nhau, huống chi chị em dâu trong một nhà. Sự tôn trọng giữa chị em dâu chủ yếu là tôn trọng nhân cách, năng lực, sở thích… của mỗi người. Trong gia đình, chị em dâu phải bình đẳng về mọi mặt, không được lấy tính chất nghề nghiệp, địa vị xã hội hoặc mức thu nhập để phân chia cao thấp; không nên ganh tị hay coi thường nhau. Chị dâu lớn không được tỏ ra kẻ cả mà phải khiêm nhường, làm gương cho các em noi theo, em dâu phải biết kính trọng chị dâu, bảo đảm tôn ti trật tự trong gia đình - đó cũng là một cách làm gương cho con cái. Nếu có nhiều con dâu trong một nhà, điều tối kỵ là chia phe nói xấu, công kích nhau. Không nịnh bợ nhau cũng không dè bỉu nhau. Không nên lúc nào cũng đề cao ưu điểm của mình và chê bai khuyết điểm người người khác. Không áp đặt sở thích của mình cho mọi người. Giúp đỡ lẫn nhau cũng là một trong những biện pháp thắt chặt, cải thiện mối quan hệ giữa chị em dâu. Tuy không có tình máu mủ, nhưng đã gả chung vào một nhà thì nên đối xử với nhau như chị em ruột, hay ít ra cũng phải quan tâm, thương mến, giúp đỡ lẫn nhau như bạn bè.
Tin tưởng và thông cảm lẫn nhau
Chị em dâu nên đối xử thành thật, không nghi kỵ nhau. Chẳng hạn, chị dâu cả thấy cô dâu hai “nói nhỏ” với mẹ chồng liền nghi ngờ cô ta nói xấu mình; cô dâu út thấy hai người kia làm việc với nhau liền nghĩ là họ có ý cô lập mình; chị dâu hai thấy cô dâu út không chuyện phiếm với mình thì cho rằng cô ta giận mình;…vv. Những nghi kỵ vô cớ như trên dần dần hình thành một dạng “dây cháy chậm” cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến bùng phát xung đột lớn. Vì thế, là con dâu trong gia đình lớn, tác phong phải chững chạc, lời ăn tiếng nói phải đàng hoàng, tránh để người khác hiểu lầm rồi nghi kỵ. Chị em dâu, khi ra ngoài không nên người này nói xấu người kia, phải biết bảo vệ danh dự cho nhau, nếu nghe được những lời không hay từ những người khác nói về chị em dâu của mình tốt nhất nên bỏ ngoài tai, không mang về thuật lại với đối tượng bị chỉ trích, cũng không nên đem chuyện đó đi ngồi lê đôi mách với người khác.
Để tránh xảy ra mâu thuẫn, điều cần thiết nhất là thông cảm, nhường nhịn lẫn nhau, tuyệt đối không bàn luận ưu khuyết điểm của nhau trước mặt người ngoài, cũng không nên kể lể nỗi ấm ức. Giả sử giữa anh em ruột nhà chồng có xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, người vợ cũng không nên một mực đứng về phía chồng để chỉ trích đối phương, vì như vậy chỉ là đổ thêm dầu vào lửa, có thể gây ra xung đột, mối quan hệ chị em dâu cũng có thể vì thế mà rạn nứt, đổ vỡ, dù trước đó vẫn khá tốt. Những lúc như thế, chị em nên lựa lời khuyên nhủ chồng nhường nhịn, dùng tình cảm để tác động, giúp anh em tháo gỡ mối bất hòa, nhanh chóng làm lành với nhau.
Ngoài ra, nếu giữa những đứa trẻ anh chị em con chú con bác xảy ra cãi vã, xô xát, người mẹ tuyệt đối không nên ra mặt bênh vực con mình, cho dù con mình có đúng đi nữa. Trẻ con cãi nhau rồi làm hòa ngay đó, không bao giờ thù dai, nhưng nếu cha mẹ đôi bên can thiệp vào thì có thể gây xích mích giữa người lớn, đặc biệt là giữa các bà mẹ. Có nhiều trường hợp, sau khi cãi nhau, đánh nhau, bọn trẻ đã chơi lại với nhau rất thân thiết, vậy mà các bà mẹ vẫn còn giận dỗi nhau trước mặt con cái, thật chẳng hay chút nào.
Tóm lại, bình đẳng, thân mật, tôn trọng, quan tâm giúp đỡ nhau, tin tưởng và thông cảm lẫn nhau là những tiêu chí vàng trong mối quan hệ chị em dâu.
Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/khi-chi-em-dau-dai-chien/20210303065922947