Khi chồng thất nghiệp
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, công ăn việc làm là nỗi lo của nhiều gia đình, nhất là những cặp vợ chồng trẻ. Có những ông chồng là trụ cột gia đình bỗng dưng thất nghiệp. Cuộc sống gia đình của họ đang yên ấm bỗng dưng phát sinh nhiều mâu thuẫn, sóng gió.
1. Thái và Hằng (quận 12, TPHCM) lấy nhau đã 3 năm nay, cả hai có một bé con kháu khỉnh. Thái làm trưởng nhóm trong một công ty may, còn Hằng là nhân viên của một ngân hàng. Dù không giàu có bằng ai nhưng cuộc sống của hai vợ chồng cũng tương đối ổn định. Họ có căn nhà nho nhỏ làm tổ ấm cho mình và còn đủ điều kiện kinh tế thuê người giúp việc, trông con.
Thế nhưng, mọi sự thay đổi từ đầu năm, khi công ty của Thái bắt đầu xuống dốc vì không xuất được hàng. Nhân viên người thì bị cho nghỉ việc, người chuyển sang bộ phận khác hay phải giảm lương. Thái cũng không ngoại lệ. Sốc vì bị chuyển sang bộ phận không phù hợp và lương giảm gần phân nửa, Thái xin nghỉ việc. Anh nghĩ với tấm bằng kỹ sư của mình thì không khó đi xin việc chỗ khác. Hằng cũng tin như vậy…
Tuy nhiên, 2 rồi 3 tháng trôi qua, nộp đơn nhiều nơi và tận dụng các mối quan hệ, nhưng thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp khiến Thái đâm nản. Thu nhập giảm khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Hằng bàn với chồng tạm thời cho chị giúp việc nghỉ; và trong khi chờ có công việc phù hợp, Thái sẽ đảm nhiệm công việc nội trợ, vừa đỡ tốn kém và cũng để đỡ buồn chán vì phải ở không. Thấy cũng có lý nên Thái đồng ý. Anh xem đó như một sự chia sẻ với vợ.
Công việc nhà chưa quen, anh thường lóng ngóng làm trước, quên sau, lại còn đi đón thằng bé ở nhà trẻ. Mọi việc cứ rối mù lên. Hằng lúc đầu còn vui vẻ chỉ bảo và còn đùa khi anh nấu cơm sống, nêm canh mặn, nhưng dần dần chị cảm thấy bực mình vì hướng dẫn mãi mà anh vẫn lơ ngơ. Công việc cơ quan bù đầu, về nhà thì thấy bề bộn, con thì nhem nhuốc, chị phải quay ra làm. Mà phụ nữ thường mỗi khi không vừa ý chuyện gì là hay cằn nhằn, khó chịu.
Mỗi lần anh làm sai ý mình, Hằng lại nổi giận, có những lời lẽ thiếu tế nhị. Thế là Thái đâm tự ái, nghĩ vợ coi thường mình, anh cảm thấy mình ngày càng “xuống giá”. Bây giờ làm chuyện nhà không phải là chia sẻ mà là bổn phận mất rồi. Đôi khi bạn bè rủ đi nhậu cũng không dám, vì ai lo nấu cơm, ai đi đón nhóc. Anh rất ngán khi phải nhìn “đôi mắt mang hình viên đạn” của vợ mỗi khi chị đi làm về mà anh chưa hoàn thành công việc nhà. Có những lúc Hằng suy nghĩ lại cũng thấy mình quá đáng, nhưng những mệt nhọc ở cơ quan, những nỗi lo cơm áo, gạo tiền khiến chị đôi khi mất bình tĩnh.
Cuộc sống đối với Thái ngày càng chán nản, mà bao nhiêu hồ sơ xin việc gửi đi đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Cuộc sống vợ chồng anh lâm vào tình trạng chiến tranh lạnh triền miên.
2. Vợ chồng Huy - Dung (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng vậy, nhưng tình hình còn gay go hơn. Từng là viên chức nhà nước, Huy xin nghỉ, chuyển sang làm cho một công ty tư nhân, thu nhập cao hơn… Nhưng công việc của Huy cũng không ổn định từ đấy. Cứ “nhảy cóc” hết chỗ này sang chỗ khác. Đến lần thứ ba thì anh đành phải nằm nhà vì công ty bị phá sản… Trong khi đó, công việc của Dung ngày càng thăng tiến. Mọi chi tiêu trong nhà giờ một mình chị lo. Ở nhà cũng buồn, anh tự nguyện làm những công việc lặt vặt. Ngày nọ, chị giúp việc xin nghỉ về quê. Trong khi chờ tìm người mới, Huy phải cáng đáng mọi chuyện và không ngờ anh phát hiện mình có “sở trường” làm nội trợ. Thế nhưng, cuộc sống vợ chồng không vì thế mà suôn sẻ.
Thỉnh thoảng Dung lại mời những đôi vợ chồng giàu có đến nhà chơi, rồi hết lời khen ngợi cuộc sống của họ. Những khi như vậy, chị làm như không nghe tiếng anh thở dài tủi nghẹn. Dần dà, thấy vợ hay về muộn, nhiều lúc còn có hơi bia rượu, anh nhắc nhẹ thì bị vợ trong cơn say quát lại: “Anh ở nhà cả ngày thì biết gì mà dạy đời. Có giỏi thì anh đi làm kiếm tiền về lo cho gia đình đi. Tôi ở nhà cho”. Là “nam nhi chi chí” nhưng anh cũng không thể không rơi nước mắt tủi hổ.
Theo các chuyên gia tâm lý, những người ở nhà làm nội trợ, dù là chồng hay vợ, cũng đều đang chấp nhận một sự hy sinh lớn. Ai cũng có nhu cầu đi làm, quan hệ và khẳng định mình, chẳng ai muốn trở thành “tỷ phú thời gian” với những công việc không tên trong nhà. Bởi vậy, hơn ai hết, những người đi làm nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của nửa còn lại mà có những hành động cho đúng, phù hợp.
Ở nhà nội trợ không có nghĩa là bất tài. Có thể những người ở nhà đang hy sinh cho gia đình, vì họ biết lựa chọn việc làm phù hợp nhất để có được một gia đình hạnh phúc.
Người chồng rơi vào cảnh thất nghiệp, mâu thuẫn vợ chồng thường không chỉ là chuyện tiền bạc, sa sút thu nhập của cả gia đình mà còn là nguy cơ đổ vỡ của hôn nhân.
Khác với phụ nữ, hầu hết đàn ông đều xem công việc là sự thể hiện bản lĩnh và giá trị bản thân. Khi thất nghiệp, cảm giác thất bại thậm chí còn lớn hơn cả nỗi lo lắng về thu nhập.
Thực tế là, lúc phụ nữ thất nghiệp, mọi việc dường như nhẹ nhàng hơn, do cả hai dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh vợ tạm thời ở nhà chăm sóc con cái và làm việc nội trợ. Nhưng khi chồng thất nghiệp, sự buồn chán, va chạm lại dễ kéo theo nhiều “kẻ thù” giết chết hôn nhân. Một khi áp lực quá lớn, anh ta rất dễ áp dụng các biện pháp tiêu cực. Người vợ nên động viên chồng, tế nhị trong cách đối xử, giúp chồng vững tâm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-chong-that-nghiep-post775342.html