Khi có thêm phi vụ 'chạy án' bị lật tẩy

Số vụ án chạy giấy bệnh tật giả bị lật tẩy đếm trên đầu ngón tay nhưng việc địa phương chịu phanh phui để những người làm sai phải trả giá vẫn gieo thêm được niềm tin vào lương tâm và lẽ công bằng.

Do có tham gia làm bậy giấy giám định bệnh tật để nhiều bị án được hoãn chấp hành án phạt tù, một cựu giám đốc trung tâm pháp y tỉnh bị xử bốn năm sáu tháng tù về tội nhận hối lộ. Cùng với đó, một cựu chánh tòa lao động bị hai năm tù về tội môi giới hối lộ; ba bị cáo khác bị từ một năm sáu tháng đến ba năm tù về tội đưa hối lộ.

Chuyện vừa xảy ra tại Quảng Ngãi lại lần nữa cho thấy việc chạy bệnh (biến từ không có bệnh thành có bệnh hoặc bệnh nhẹ thành bệnh nặng) để công nhiên tránh né trách nhiệm hình sự không còn là đồn đoán mà là hoàn toàn có thật. Nếu trước đây là chạy bệnh tâm thần (thường gắn với những trường hợp tội nặng để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay để thoát án tử hình) thì giờ là chạy bất chấp (với đủ thứ bệnh áp dụng cho nhiều tội để người bị kết án được hoãn ngày tháng bóc lịch…).

 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ làm giả giấy tờ để hoãn chấp hành án phạt tù tại Quãng Ngãi. Ảnh: HĐ

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ làm giả giấy tờ để hoãn chấp hành án phạt tù tại Quãng Ngãi. Ảnh: HĐ

Vụ án này cho thấy mức độ táo tợn của sai phạm. Đó là từ năm 2016 đến 2022, cựu giám đốc nêu trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiều lần nhận tiền qua trung gian để làm nhiều bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả.

Đơn cử, một bị án phạm tội cố ý gây thương tích đã có được hai bản kết luận “ma”, lúc đầu là lao phổi mạn tính, lúc sau là lao phổi mạn tính đa kháng thuốc, cần điều trị lâu ngày. Căn cứ vào đó, bị án được tòa tỉnh cho phép hoãn chấp hành án trong thời hạn một năm. Đến khi gần hết thời hạn được hoãn thi hành án lần đầu, bị án này lại chạy tiếp các bản kết luận giám định bị bệnh nặng để xin hoãn chấp hành án các lần hai, ba, bốn.

Tương tự, nhiều bị án khác cũng được xác định giả là suy tim độ II, độ III, suy thận độ IV… để được hoãn thi hành án tù.

Còn nhớ vào năm 2018, dân tình từng thảng thốt kêu trời khi Công an TP Hà Nội chính thức cho biết họ đã điều tra, phát hiện đường dây chạy bệnh tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của các cơ quan pháp luật.

Trong đó có một đối tượng cộm cán, cầm đầu vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ, băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Vậy mà sau khi gây án, thủ phạm lại chìa ra giấy xác nhận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”…

Hóa ra bệnh tâm thần đó là giả và 85 triệu đồng là số tiền mà thủ phạm đã lo lót cho những người ngụy tạo (!).

Kết cục, một cựu phó khoa tâm thần bị xử phạt tám năm tù về tội nhận hối lộ; một cựu kỹ thuật viên trưởng khoa dinh dưỡng bị xử phạt hai năm tù về tội môi giới hối lộ…

Ngoài vụ án cụ thể này, cơ quan công an đã không thông tin thêm về việc xử lý các đối tượng hình sự khác bị tâm thần giả cùng những người khác tiếp tay cho cái ác. Vì lẽ này, khi nghĩ đến ở đâu đó, nếu có những đường dây chưa bị lộ hay đã có những kẻ mua bán trái phép chất ma túy, giết người, tham nhũng… thoát tội nhờ “kim bài miễn trừ” là giấy xác nhận tâm thần giả, nhiều người đã rùng mình…

Đây cũng là lý do mà trong một số vụ án, khi có ý kiến đề nghị xem xét lại kết luận bệnh tâm thần do đối tượng trước giờ không có biểu hiện bất thường (đối tượng đang là chủ quán karaoke, chủ tiệm cầm đồ; trong suốt thời gian bị tạm giam, bản thân và thân nhân của đối tượng không đề cập tới bệnh tật…) nhưng tòa án lại nhanh chóng bác bỏ, dư luận cứ thấy bán tín bán nghi.

Trở lại vụ án ở Quảng Ngãi, dẫu là vụ chạy giấy bệnh tật giả bị lật tẩy đếm trên đầu ngón tay nhưng việc chịu phanh phui của địa phương để những người làm sai phải trả giá vẫn gieo thêm được niềm tin vào lương tâm và lẽ công bằng.

Luật sư NGUYỄN THỊ THU TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-co-them-phi-vu-chay-an-bi-lat-tay-post790170.html