Khi cò trắng bay về
Hiện người dân Đà Nẵng và du khách rất thích thú chứng kiến hàng nghìn con cò đậu trắng trên những tán cây ngập nước ở gò đất nổi ven sông Hàn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Đất lành chim đậu. Trong bối cảnh muôn thú trong tự nhiên hao hụt cả về chủng loài lẫn số lượng, thì đây quả là tin vui.
Cò, nhạn là loài chim di cư, nơi nào bị săn bắt, ít thức ăn, môi trường ô nhiễm thì chúng bỏ đi. Nơi nào cảnh quan thiên nhiên được chính quyền và người dân chăm sóc, bảo vệ tốt thì chúng đến. Đặc tính của cò là tìm đến nơi yên tĩnh, thoáng, đãng để trú ngụ.
3 năm trước, đến thị trấn Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), nhiều người được nghe về ông Mai Văn Quân - người tự bỏ tiền đầu tư, cải tạo khu đất rộng đến 22 ha để trồng cây, làm nơi trú ngụ cho hàng vạn con cò. Ông Quân kể, hàng ngày đàn cò đi kiếm ăn từ 5 giờ sáng đến xẩm tối thì về. Chúng bay thành từng đàn, chao liệng, trở về vườn trú ngụ sau một ngày dài kiếm ăn, làm rộn rã cả một vùng quê. Việc ông Quân xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho đàn cò trước nạn săn bắt chim trời được chính quyền và người dân trong vùng đánh giá cao, xem là một việc tử tế của một người tử tế.
Cũng chuyện đàn cò, giữa tháng 7/2014, người dân huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) rất tự hào Đảo Cò (Chi Lăng Nam) được công nhận di tích cấp quốc gia. Đảo Cò nằm giữa lòng hồ An Dương rộng trên 20ha, với khoảng 12.000 con cò và khoảng 5.020 con vạc; trong đó có 6 loài làm tổ tập đoàn là cò trắng, cò bợ, cò ruồi, cò ngàng nhỏ, cò lửa và cò vạc. Tháng 12 hàng năm là thời điểm Đảo Cò tập trung số lượng lớn nhất.
Đó là những nơi đàn cò tìm được nơi trú ngụ, sinh sôi. Nhưng còn nhiều hơn thế lại chính là nơi chúng “mất đất sống”. Ai đã từng đến vườn cò ở xã Đào Mỹ (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), nay có dịp ghé lại thì đều thấy tiếc nuối. Trước đây, trong diện tích khoảng 3 hec-ta được che phủ chủ yếu bởi bạch đàn lâu năm, có một quần thể cò tự nhiên quý giá. Có lúc đàn cò lên tới hơn 15.000 con. Nhưng rồi theo thời gian, đàn cò ở Đào Mỹ giảm rõ rệt. Ước tính chỉ còn khoảng 3.000 con.
Người dân địa phương rất tiếc vườn cò này. Nhiều nỗ lực bảo vệ, khôi phục lại đàn cò nhưng không mấy hiệu quả.
Bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ môi trường sống. Nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn bị thu hẹp; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nguồn nước bị ô nhiễm do dư lượng hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu, phân bón. Không chỉ muông thú mà cả cá trong tự nhiên cũng bị đe dọa. Đó là chưa kể đến sự săn bắt của con người. Còn nhớ, ngày 25/10/2011, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) họp báo công bố việc con tê giác bị sát hại ở Vườn quốc gia Cát Tiên (tháng 4/2010) là con tê giác cuối cùng của Việt Nam. Sau nhiều tháng tìm kiếm, các chuyên gia nước ngoài của WWF đã đi đến kết luận rất đáng lo ngại: Năm 2010 đánh dấu mốc tuyệt chủng loài tê giác Java một sừng ở Việt Nam.
Thật không thể quên được cảm xúc bao trùm cuộc họp báo hôm ấy. Đó là một cảm giác rất buồn.
Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Một vị lãnh đạo huyện Cát Tiên cho rằng, không thể đổ lỗi cho những người làm việc ở Vườn quốc gia này, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta trong việc bảo tồn. Ở những vùng đã được quy hoạch bảo tồn, mục tiêu bảo tồn phải cao nhất chứ không phải là kinh tế.
Trong khi đó, người quản lý chương trình loài ở khu vực Mekong của WWF, ông Nick Cox nói, nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa sẽ bị tuyệt chủng ở Việt Nam là điều không tránh khỏi. Các khu bảo tồn tại Việt Nam cần có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn.
Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) được ký kết năm 1973; có hiệu lực từ ngày 1/7/1975. Mục đích bảo vệ các loài động vật và thực vật hoang dã, không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên. Việt Nam tham gia Công ước CITES năm 1994. Năm 1996, lần đầu tiên chúng ta phát hành Sách đỏ, trong đó có danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm đang bị giảm sút số lượng hoặc nguy cơ EX (các loài có nguy cơ tuyệt chủng).
Từ đó đến nay, việc bảo vệ động thực vật trong tự nhiên được đẩy mạnh. Tuy nhiên, đây phải là công việc thường xuyên, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần hành động chung của cộng đồng, ý thức của từng người dân. Chính vì thế, việc cò về trú ngụ ven sông Hàn là một tín hiệu vui về môi trường, cần phải được phát huy.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-co-trang-bay-ve-10267931.html