Khi cộng đồng mạng nhân danh... công lý

'Anh hùng bàn phím', chủ đề tưởng đã cũ, nhưng vết thương của các nạn nhân thì luôn mới. Thiệt hại vật chất, tinh thần và cả thể chất đối với họ là không thể đong đếm.

Văn hóa mạng xã hội cần được thanh lọc

Mạng xã hội, đúng như tên gọi của nó, là nơi phơi bày mọi ngóc ngách của đời sống và có lẽ phần nhiều là những góc tối. Đối tượng đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ mạng xã hội chính là nghệ sĩ. Ốc Thanh Vân là một trong những nạn nhân mới đây của cộng đồng mạng. Cô từng bị một tài khoản lạ đăng status khẳng định nữ nghệ sĩ đã cố gắng tố cáo một số tài khoản mạo danh nhằm tạo chiêu trò PR cho cửa hàng vì kinh doanh ế ẩm trong mùa dịch. Tin đồn giả cùng những cú “like” và “share” thiếu trách nhiệm của cộng đồng mạng gây tổn hại nghiêm trọng danh dự khiến Ốc Thanh Vân phải tìm đến cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc.

Jack - một nghệ sĩ tài năng nhưng cũng nhiều tai tiếng, góp phần không nhỏ tạo nên tai tiếng ấy lại đến từ chính một bộ phận người hâm mộ quá khích và kém văn minh của anh. Câu chuyện lùm xùm giữa Jack và công ty quản lý cũ xảy ra cách đây chưa lâu tạo nên sự rung chuyển chưa từng có trong showbiz Việt. Đến nay, dư chấn của nó vẫn còn, nhóm người trên thường xuyên “tụ tập” trên mạng xã hội, cùng đi tấn công nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những người không tham gia showbiz. Vũ khí của nhóm người này là những thông tin vô căn cứ, những “sự thật” bị bóp méo, những lý lẽ ngang ngược, thậm chí là những bình luận “bẩn” vô cùng phản cảm. Đôi khi, nghệ sĩ nằm không cũng dính đạn là vì thế, và thật trớ trêu khi những “viên đạn” ấy xuất phát từ chính những người hâm mộ mình.

“Tin đồn ảo - hậu quả thật” không còn là chuyện lạ trong showbiz. Tại thị trường Kpop, nhóm nhạc lừng danh một thời, T-Ara, đã phải hứng chịu vô vàn “gạch đá” từ những tin đồn không được ai xác thực. Tất nhiên, sự thật cũng sáng tỏ sau nhiều năm, nhưng nhóm nhạc được yêu mến một thời đã tan rã.

Jack - một nghệ sĩ tài năng nhưng cũng nhiều tai tiếng, góp phần không nhỏ tạo nên tai tiếng ấy lại đến từ một bộ phận người hâm mộ quá khích và kém văn minh của anh.

Jack - một nghệ sĩ tài năng nhưng cũng nhiều tai tiếng, góp phần không nhỏ tạo nên tai tiếng ấy lại đến từ một bộ phận người hâm mộ quá khích và kém văn minh của anh.

Đâu rồi trách nhiệm của người cầm bút?

Những cá nhân ngông cuồng tập hợp thành nhóm lớn gây loạn mạng xã hội bằng tin giả, bình luận tục tĩu, hay hình ảnh chế xúc phạm nạn nhân, bị cho là hành động thiếu hiểu biết. Những cây viết trên fanpage thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu độc giả, hay những trang lá cải (không phải báo chính thống) đang tiếp tay cho “trò vui” của cộng đồng mạng, bị chính độc giả đặt nghi vấn: Cái tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của họ ở đâu?

Các trang lá cải lượm lặt thông tin của cộng đồng mạng để giật title câu view, cộng đồng mạng chia sẻ những bài viết mang tính giật gân của họ, cứ như vậy, từ mạng xã hội cho đến các trang tin xô bồ không khác gì một cái chợ nhớp nháp, lố lăng, ngược chiều luân thường đạo lý. Chỉ cần một vài dòng title “hững hờ” gây sốc, một vài câu chữ dễ gây hiểu nhầm nơi bạn đọc, cũng có thể là một nhát dao “chí mạng” đối với nạn nhân. Điều này rất nguy hại đối với những độc giả thiếu kỹ năng phân tích, hay thế giới quan còn hạn chế. Ngay lúc này, nếu công lý không vào cuộc, Việt Nam có lẽ không còn giữ được vị trí Top 5 nước kém văn minh internet nhất thế giới, mà sẽ nhanh chóng đoạt vị trí “quán quân”.

Sự náo loạn văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thời gian qua chính là lý do để Nghị định 15/2020/NĐ-CP ra đời. Theo Điều 101 của Nghị định này, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng. Trường hợp đối tượng tái phạm nhiều lần có thể bị xử lý hình sự.

Thiết nghĩ, một số cá nhân nên dừng ngay việc nhân danh công lý đi “kết án”, “đòi nợ” hay “đòi mạng” ai đó với những thông tin chưa được chứng thực trên mạng xã hội, đây là một hành động đáng lên án. Thay vì bịa đặt hoặc cố ý bóp méo sự thật để buộc tội, khủng bố tinh thần và tẩy chay người khác, cộng đồng mạng nên tìm câu trả lời chuẩn mực ở các cơ quan thẩm quyền, những kênh truyền thông, hay những trang báo chính thống. Đó cũng là cách chúng ta đối xử lịch thiệp với chính bản thân. Mỗi cá nhân ứng xử đẹp sẽ góp phần làm nên một xã hội lành mạnh, công bằng, văn minh.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-cong-dong-mang-nhan-danh-cong-ly-n174920.html