Khi Covid-19 'lái' thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư đã 'đua lệnh' bán bằng mọi giá mong sao thu được tài sản về một cách nhanh nhất.

Bài liên quan

Một cổ phiếu hàng không sắp chào sàn Hose

Số phận những cổ phiếu âm dòng tiền: IDI xay tiền - ướp cá tra

HBC không thể tăng vốn do giá cổ phiếu quá thấp

Trái ngược với diễn biến thị trường thế giới và châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện sự hoảng loạn bởi tâm lý lo sợ “bóng ma” Covid-19 quay trở lại khi xuất hiện lây nhiễm cộng đồng trong những ngày cuối tuần trước.

Nhà đầu tư đã "đua lệnh" bán bằng mọi giá mang sao thu được tài sản về một cách nhanh nhất.

Mở cửa, VN-Index giảm luôn 35 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, nhất là các cổ phiếu trong nhóm VN30 như VCB, MSN, BID, VIC… đều giảm từ 4 đến trên 5%.

Ngay sau đó, lực cầu bắt đáy xuất hiện nhưng cũng không đủ để kìm hãm đà giảm của thị trường. Áp lực bán càng tăng cao, số lượng cổ phiếu giảm sàn liên tục mở rộng, có thể kể đến như PNJ, CTD, DXG, HBC, GTN...

Càng về cuối phiên, VN-Index càng bị bán tháo, điển hình là các mã lớn như TCB, BVH, PNJ, SAB, CTG, MWG… Tổng cộng có hơn 150 mã giảm sàn “trắng bên mua” kéo theo 377 mã giảm đỏ đã “nhấn chìm” VN-Index hoàn toàn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, VN-Index đóng cửa ở mức 785,17 điểm, giảm mạnh 43,99 điểm (5,31%), HNX-Index giảm sâu hơn 5,93% về ngưỡng 102,85 điểm. UPCOM-Index giảm 2,17 điểm (3,89%) xuống 53,61 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức cao với gần 6.000 tỷ đồng, tương đương 374 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Nhà đầu tư đã "đua lệnh" bán bằng mọi giá mang sao thu được tài sản về một cách nhanh nhất. VN30 có tới 16 mã giảm sàn và HOSE có tới 152 mã lao dốc. Trên thị trường phái sinh cũng thể hiện một kỳ vọng “tồi tệ” cho thị trường khi các hợp đồng gần nhất cũng giảm sàn và sát sàn, một điều rất ít xảy ra đối với riêng thị trường phái sinh này. VN30F2009 giảm sàn còn VN30F2008 và VN30F2012 đều giảm sát sàn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các công ty chứng khoán đánh giá làn sóng Covid-19 lần thứ 2 này sẽ không tác động nhiều như đợt đầu diễn ra dịch bệnh. Công ty chứng khoán BSC đánh giá sự bi quan có thể chỉ kèo dài trong khoảng 2-3 tuần, tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3 vừa qua.

Cùng chung quan điểm, công ty chứng khoán MBS cũng cho rằng không nên quá bi quan, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng vùng hỗ trợ 770 điểm và nhịp chỉnh này là cơ hội cho nhịp hồi phục về cuối năm.

Điểm tích cực duy nhất hôm nay đến từ lực “bắt đáy” của khối ngoại khi họ mua ròng hơn 300 tỷ đồng trên trị trường, tập trung chủ yếu vào các Bluechips lớn như VCB, VHM, VRE… đây cũng là phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp của họ.

Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung là vậy, đó là cuộc chơi có tổng bằng 0. Tức là số tiền của người thua sẽ bằng số tiền của người được, những chiến thắng của người này lại là sự mất mát của người kia.

Đây có thể là cuộc đọ sức về “tâm lý” bởi quy luật chung của thị trường là tâm lý đám đông nên khi quyết định xuống tiền phải thực sự quyết đoán, nhanh nhạy và chính xác mới có thể tồn tại trên thị trường được.

Ở đây cảm xúc con người luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, từ bên trong mỗi nhà đầu tư đến những tác động bên ngoài như dịch Covid-19 hiện tại sẽ ảnh hưởng đến quyết định giải ngân của nhà đầu tư. Vì vậy, hãy thận trọng trước những quyết định của mình.

Bảo Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-covid-19-lai-thi-truong-chung-khoan-post88246.html