Khi cử tri không cần… chuyên nghiệp

Thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo lên ngôi, những tưởng chuyên nghiệp là thứ đâu đâu, ai ai, lĩnh vực nào cũng cần có. Nhưng có những sự chuyên nghiệp lại được nhiều lần mang ra 'mổ xẻ', phản ánh, như câu chuyện 'cử tri chuyên nghiệp'.

1. Sáng 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 24 cho ý kiến nội dung tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp, ông Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện khi trình bày báo cáo Kết quả nghiên cứu, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã cho biết: từ năm 2013 đến năm 2022, đã có hơn 27.000 cuộc được tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc tiếp xúc cử tri mới chủ yếu là tiếp xúc định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động tiếp xúc chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng...

Đặc biệt, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh: “Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Nội dung tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội còn chưa mang tính thời sự, đơn thuần chỉ là báo cáo về kết quả kỳ họp, dễ gây nhàm chán”.

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, hoạt động tiếp xúc cử tri hiện có nhiều tồn tại, ở một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội chưa thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân.

“Cử tri tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp, những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”, “đại biểu cử tri” còn phổ biến…”, Trưởng ban Dân nguyện khẳng định.

Từ thực tế đó, Trưởng ban Dân nguyện cho biết một số đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nên xem xét lại hình thức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cho phù hợp thực tế, hoặc không nên quy định cứng phải tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Một số đoàn đại biểu Quốc hội khác kiến nghị nghiên cứu chỉ tiến hành tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, không tiếp xúc sau kỳ họp.

 Cử tri xã Chiềng Khương tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tháng 6/2023.

Cử tri xã Chiềng Khương tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tháng 6/2023.

Cũng tại phiên họp, góp ý thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá số lượng và chất lượng tiếp xúc cử tri còn rất khác biệt giữa các địa phương, có nơi vài chục, có nơi lên đến hàng nghìn cuộc trong 10 năm qua. “Liệu có phải do tiêu chí thống kê khác nhau hay không? Thực tiễn tiếp xúc cử tri cũng rất khác nhau, có tỉnh đi theo nhóm, có tỉnh đi khắp các huyện luân phiên. Đại biểu vị trí công tác thấp có khi chỉ ngồi nghe suốt lượt”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

2.“Bác ơi bác! Bác vào đây em bảo.

Tôi vội vào, chị Bùi Thị Lợi, tổ trưởng dân phố tổ 53, phường Trương Định, chỉ tay lên màn hình ti-vi nói với tôi:

- Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố đi tiếp xúc cử tri, mà lại ở hội trường UBND quận, rồi quận mời cử tri các phường lên. Nhưng em thấy toàn là cử tri quen biết, lần nào cũng đi dự cả. Ví dụ như phường ta một đoàn gồm các chủ tịch: MTTQ, UBND, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, rồi cô bí thư Đoàn phường. Tính sơ sơ một phường, một xã cũng ngót nghét gần 10 vị chủ tịch, toàn các vị có chức sắc cả, chứ có thấy ai là dân thường đâu?

Một người khác cũng đang xem ti-vi, đột nhiên hỏi tôi:

- Hay đó là các vị cử tri được bầu chuyên nghiệp để đi dự các cuộc cấp trên về tiếp xúc với dân, có phải không bác? Vì lần tiếp xúc cử tri nào em cũng thấy các vị này đi họp, quen mặt lắm.

Tôi trả lời:

- Làm gì có chuyện đó. Nhưng mà ý kiến của chị, tôi sẽ phản ảnh lên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng bàn bạc xem Đại biểu Quốc hội nên tiếp xúc với cử tri như thế nào cho có hiệu quả”.

Đoạn đối đáp trên được rút từ bài báo mang tên “Cử tri chuyên nghiệp”, được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 18/9/2006 (https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/cu-tri-chuyen-nghiep-455513).

Một ví dụ nữa, trong bài báo với tựa đề “Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”, đăng trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=915&CategoryId=0) ngày 1/3/2007, trong đó thông tin cho biết: Trong buổi tiếp xúc giữa đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Hưng Yên với cử tri tại địa phương ngày 27/2, đã có một số ý kiến thẳng thắn đề nghị Quốc hội nên xem xét lại một số vấn đề mà nhân dân thấy chưa thỏa đáng. Cụ thể, cùng với bày tỏ cảm nhận về những kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua, một số ý kiến phàn nàn rằng: trên nghị trường suốt 5 năm qua đa phần là các đại biểu “chuyên nghiệp” phát biểu ý kiến và chất vấn các thành viên Chính phủ; qua tất cả các kỳ họp có đại biểu chỉ “ngồi im” chưa hề phát biểu gì để truyền đạt những vấn đề cử tri quan tâm lên QH.

Một vấn đề cũng làm nhiều người “băn khoăn”, đó là: Trong các hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri lần nào, ở đâu cũng vẫn những gương mặt “quen thuộc” của lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện, cán bộ chủ chốt xã, phường và các đoàn thể cơ sở, ngoài ra có thêm một số cán bộ nghỉ hưu... Tất cả đều là những “đại cử tri chuyên nghiệp”. Còn bà con nông dân và các thành phần khác luôn “vắng mặt”.

Dẫn lại hai bài báo trên để thấy, câu chuyện “cử tri chuyên nghiệp” không phải bây giờ mới nói tới mà đã được nhắc tới cách đây gần hai mươi năm.

Hai mươi năm qua, cử tri, đồng bào cả nước đã liên tục khẳng định, Quốc hội nước ta đã luôn trăn trở, chủ động, tìm tòi, linh hoạt trong việc đổi mới hoạt động, bám sát hơi thở của cuộc sống để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, quyết liệt hành động vì lợi ích của Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân,… Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau... Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với đại biểu Quốc hội, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng trong Báo cáo được ông Dương Thanh Bình - trình bày tại phiên họp, tình trạng đại cử tri, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”… không những chưa bị loại bỏ mà còn phổ biến.

Cụ thể, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị. Tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đến cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng.

3. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết toàn quốc công tác HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, chiều 21/2/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đổi mới chính là thể hiện ý đảng lòng dân, năm nay, khẳng định đó ngày càng được thể hiện rõ nét. Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh/thành tiếp tục phấn đấu để trở thành những cơ quan đại biểu thực sự gần dân, công khai, minh bạch, dân chủ và là những cơ quan quyền lực nhà nước thực sự pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Rõ ràng, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng, đổi mới, gần dân, nắm bắt rõ hơn, sát hơn những mong muốn, kỳ vọng của cử tri, nhân dân là mệnh lệnh, là nhiệm vụ tối thượng của những người đã vinh dự được lãnh trên vai trách nhiệm “đại biểu của dân”.

Muốn làm được như vậy, rõ ràng là cần phải tiếp tục đổi mới, thậm chí là đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa việc tổ chức tiếp xúc cử tri.

Vậy đổi mới phải như thế nào. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần nghiên cứu để quy định hình thức tổ chức phù hợp, thực chất nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 24 của UBTVQH cũng yêu cầu bám sát quy định pháp luật để có đánh giá tổng kết. Đồng thời có hướng sửa đổi, bổ sung nghị quyết nhằm bảo đảm đạt yêu cầu sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả; vừa bảo đảm linh hoạt, thích ứng, sáng tạo của từng địa phương; vừa bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng nên cần có quy định khung. Sau khi có báo cáo tổng kết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên tổ chức hội nghị chuyên đề về nội dung này phối hợp giữa các cơ quan. Qua đó nghe và lấy thêm ý kiến để có tư liệu sửa đổi bổ sung phù hợp. Theo Chủ tịch Quốc hội, nên có 2 nghị quyết riêng về tiếp xúc cử tri của ĐBQH và tiếp xúc cử tri của HĐND.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV tháng 7/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua mỗi một Kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội có thêm bài học quý để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Và câu chuyện đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri cũng chính là vì sự đổi mới ấy.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-cu-tri-khong-can-chuyen-nghiep-post255962.html