Khi cuộc sống có mã QR
Mùa cưới cuối năm trở thành đề tài trên những diễn đàn trực tuyến. Tấm thiệp mời ngày càng độc lạ, có sẵn mã QR để khách mời tùy ý gửi quà… trở thành câu chuyện vừa cười vừa ngẫm với nhiều bạn trẻ hiện đại tại TPHCM. Trong cái thuận tiện, công nghệ tích hợp, liệu người ta còn lại cảm xúc gì sau vòng xoay bất tật của chuyển đổi số?
Thực tế hay thực dụng
Đám cưới vào cuối tháng 10-2022, vợ chồng Phạm Thị Hồng Đào (27 tuổi, ngụ quận 8) quyết định in mã QR tài khoản ngân hàng và mã QR ví điện tử lên thiệp cưới, để khách mời tùy ý chuyển quà mừng vợ chồng trẻ. Đem câu chuyện chuẩn bị đám cưới chia sẻ với những cặp đôi giống mình trong các nhóm trên mạng xã hội, vợ chồng Hồng Đào nhận 2 luồng ý kiến.
“Nói chung cũng tùy ý mỗi người, có bạn nói tụi mình có vẻ thực dụng quá, để mã QR như vậy khác nào buộc khách mời không đi cũng chuyển khoản. Còn tụi mình khi tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp, đa phần mọi người rất ủng hộ. Bây giờ, hầu như ai cũng giao dịch qua việc chuyển khoản, ví điện tử, nên ít để tiền mặt lắm, mã QR sẽ tiện hơn để mọi người gửi quà mừng và nếu có việc không dự được cũng không mất công phải nhờ người khác gửi phong bì giúp”, Hồng Đào chia sẻ.
Cũng câu chuyện in hay không in mã QR tài khoản ngân hàng lên thiệp cưới, mà Trần Hoàng Khải (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tranh luận cả tuần với bạn gái. Hoàng Khải kể: “Mỗi lần tính tới thiệp cưới là tụi mình cãi nhau. Mình thoải mái vui là chính, nên nghĩ không nên in mã QR. Vợ mình lại phân tích, tụi mình cũng dự nhiều đám cưới của bạn bè, giờ bạn bè gửi quà mừng lại là chuyện bình thường và mã QR cũng phổ biến trong giao dịch hàng ngày, không có gì là thực dụng hết. Cuộc sống 4.0 cũng phải tiện lợi hơn chứ. Cãi qua cãi lại, cuối cùng tụi mình thống nhất vẫn in mã QR, nhưng in vừa phải ở một góc phía sau thiệp, cũng là một cách lịch sự, không quá phô”.
Chị Đặng Thị Thu Trang (quản lý một nhà hàng tiệc cưới tại quận 10) chia sẻ: “Có đám cưới, mã QR để trên bàn chào khách bên ngoài. Có người quét mã, gửi tiền mừng cưới xong thì chụp hình kỷ niệm; có người chuyển khoản xong chụp lại màn hình giao dịch rồi đưa ra: “qua rồi nha”. Nhiều tình huống cũng làm cô dâu, chú rể ngượng ngùng. Nhưng tôi nghĩ cái này thực tế thôi, vì người ta tổ chức tiệc cưới, ít nhiều cũng tốn kém, mình gửi tiền mừng cũng như một lời chúc hạnh phúc và chia sẻ một phần phí tổ chức đám cưới”.
Còn gì sau những cái chạm?
Mã QR ngày càng phổ biến, quét mã qua màn hình điện thoại để có thêm thông tin chi tiết về các điểm du lịch nổi tiếng, chỉ đường qua bản đồ trực truyến và quét mã QR để gửi tiền mừng cưới, mừng sinh nhật… hẳn cũng là chuyện bình thường của nhịp sống số, khi mọi giao dịch trực tuyến thỏa mãn nhu cầu nhanh - gọn - nhẹ của người dùng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nhìn từ phía tiện ích, chuyện tiền bạc vốn nhạy cảm và ngày vui, người ta ưu tiên những cái bắt tay, chạm mặt hơn là quét mã QR, gửi quà mừng từ xa. Câu chuyện này vốn dĩ không lạ, khi mạng xã hội trở nên phổ biến nhiều năm liền, người ta ngao ngán mỗi khi sinh nhật ai đó, hay có một người nào mất, những dòng chữ buồn đến mức không cảm xúc cứ nhan nhản như: “H.P.B.D”, “C.M.S.N”, “R.I.P”, “Chia buồn”… Hay lời chúc mừng từ những tin nhắn tự động, mà chỉ cần một cái chạm là gửi đi hàng loạt. Đôi khi người nhận cũng ngỡ ngàng, chẳng biết quen thân đến mấy mà tự nhiên gửi icon (biểu tượng cảm xúc) mừng ngày 8-3 hay 20-10.
Chị Nguyễn Thị Thanh (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân) có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia các nhóm thiện nguyện, vận động quyên góp áo quần, sách vở, hay hiện kim, nhưng khi bắt đầu gây quỹ thông qua ví điện tử cho hoạt động thiện nguyện của nhóm, chị phân vân: “Có bạn chưa quen, thấy nhóm bắt đầu chuyển sang đóng góp qua ví điện tử thì mất thiện cảm. Điều này, tôi cũng giải thích để mọi người hiểu, quét mã QR tiện cho mọi người hay giao dịch điện tử, nếu không thích mọi người cứ đóng góp trực tiếp, nhóm đều nhận… Còn những người quen giao dịch qua mã QR rồi thì họ ủng hộ, không mất công người ta phải đi rút tiền mặt, hay đến tận nơi để đóng góp. Dù nhận trực tuyến, nhưng tôi đều in lại danh sách, gọi điện thoại cảm ơn từng người một, vì cứ làm việc trực tuyến lâu ngày cũng chai dần cảm xúc, bên chuyển tiền - bên nhận mà không nói với nhau câu nào cũng khô khan quá”.
Nói về xu hướng tiêu dùng trực tuyến, Lê Thủy Tiên (27 tuổi, chuyên viên truyền thông và thương mại quốc tế) phân tích: “Việc mừng cưới, đóng góp từ thiện trực tuyến cũng là một phần của đời sống số vì mọi người, nhất là giới trẻ hiện đại nhanh nhạy công nghệ. Nhưng không phải chạm màn hình chuyển khoản là xong, nên kèm theo một dòng tin nhắn chúc mừng hạnh phúc, hay một cuộc gọi cảm ơn sẽ làm việc giao dịch trực tuyến giá trị hơn rất nhiều. Dù một cái chạm trên màn hình điện thoại, chúng ta vẫn đủ tử tế, cảm xúc yêu thương dành cho nhau, điều đó mới ý nghĩa”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//khi-cuoc-song-co-ma-qr-861862.html