Khi đại biểu Quốc hội đóng hai vai
Câu chuyện tăng số lượng ĐBQH chuyên trách là vấn đề đã được bàn từ lâu, câu chuyện bất cập của đại biểu kiêm nhiệm cũng đã từng được nhắc đến.
Phát biểu về dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh không nhất thiết phải làm ĐBQH, nên “nhường ghế” này để Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách mà không làm “phình” bộ máy.
Câu chuyện tăng số lượng ĐBQH chuyên trách là vấn đề đã được bàn từ lâu, câu chuyện bất cập của đại biểu kiêm nhiệm cũng đã từng được nhắc đến. Nhưng việc một đương kim Bộ trưởng mạnh dạn đề xuất “nhường ghế”, thẳng thắn nói về thực trạng của những người “một gánh hai vai” thì có lẽ đây là lần đầu tiên.
Quốc hội khóa XIV có 496 đại biểu, trong đó có 85 người là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh (22 Bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan ngang bộ, 63 Chủ tịch UBND tỉnh). Là những tư lệnh ngành, người đứng đầu địa phương, với trọng trách và khối lượng công việc rất lớn, nên khi kiêm nhiệm thêm công việc ĐBQH, thì nói như cách ví von của một số đại biểu là “vừa xay lúa vừa ẵm em”, nguyên thời gian để cân đối hai công việc đã rất khó khăn.
Một năm, Quốc hội họp hai kỳ, thường mỗi kỳ phải kéo dài cả tháng. Với một kỳ họp dài 6 tuần như kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, thật khó khăn để các đại biểu kiêm nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Giàu từng đưa ra thống kê: “Không ngày nào vắng dưới 30 người, có ngày vắng 100 người, có đoàn vắng 50% số đại biểu, 7 người vắng 4, vắng ngay cả trong ngày biểu quyết”. Trong số các ĐBQH vắng họp, tỷ lệ đại biểu là các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố là nhiều nhất.
Một ĐBQH ngồi cạnh một đại biểu là Chủ tịch UBND một tỉnh xa kể, ngày nào cũng thấy vị đồng nghiệp ngồi ghế kế bên lên hội trường họp cùng cả lô tài liệu, giấy tờ, công văn để đọc, duyệt, cho ý kiến, ký. Có nhiều việc gấp, thì cán bộ văn phòng lại phải đi mấy trăm cây số mang văn bản ra Hà Nội để Chủ tịch ký.
Có đại biểu là tư lệnh một ngành tâm sự, trong kỳ họp Quốc hội, có ngày phải đi về giữa cơ quan và tòa nhà Quốc hội 4-5 lần để giải quyết công việc cơ quan.
Ngoài vấn đề thời gian, chuyện chồng chéo, lấn vai giữa khối hành pháp và cơ quan giám sát của một ĐBQH kiêm nhiệm là điều dễ xảy ra. Bởi Hiến pháp đã quy định, Quốc hội có chức năng giám sát mọi hoạt động của Chính phủ và Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Các thành viên Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đồng thời là cơ quan hành pháp cao nhất.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phân tích, khi một vị Bộ trưởng đồng thời là đại biểu dân cử, trong người vị đó đã có xung đột lợi ích. Bởi với vai là thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đang là những người bị giám sát. Nhưng trong vai là ĐBQH, họ lại trở thành người thực hiện quyền giám sát.
Điều này khiến nguyên tắc kiểm soát quyền lực rất khó đảm bảo, nhất là khi bị chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, thì các thành viên Chính phủ không biết mình sẽ đóng vai nào, là người bị giám sát hay người giám sát. Là ĐBQH, họ có quyền chất vấn lại Chính phủ, Thủ tướng. Nhưng với đại biểu kiêm nhiệm, họ cũng là thành viên Chính phủ, họ có dám chất vấn lại chính mình hay chất vấn lại Chính phủ, Thủ tướng? Và trong công tác xây dựng pháp luật, liệu Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có không nghĩ tới cơ chế chính sách có lợi cho ngành, cho địa phương của mình?
Bởi thế, những chia sẻ của ông Trần Hồng Hà như đã đề cập ở trên, không chỉ nêu ra thực trạng, mà còn giúp gợi mở một vấn đề khiến nhiều người phải lưu tâm.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-dai-bieu-quoc-hoi-dong-hai-vai-d440587.html