Khi 'đại gia' ở Qatar mất đi ý niệm về... tiền
Dầu mỏ đã biến Qatar từ một đất nước nghèo nàn, khô cằn trở thành quốc gia giàu có bậc nhất thế giới như thế nào? Câu chuyện của Mohammad Murad sẽ phác họa phần nào thế giới của công dân bản địa Qatar, một doanh nhân tại Al-Shahaniya sở hữu 3 biệt thự, 5 bể bơi và 2 chuồng ngựa đua nhưng vẫn chưa được xem là người giàu tại Qatar.
1. Mỗi buổi chiều, Mohammad Murad rời văn phòng của ông ở thủ đô Doha lên chiếc SUV 7 chỗ màu trắng và lái đến biệt thự thứ hai của mình trên sa mạc. Ở đó, đằng sau mặt tiền giống như lâu đài với con đường riêng dài gần 1km vào cổng, là gia sản của ông: 3 bể bơi, 2 sân bóng đá, sân chơi bowling, chuồng ngựa, sân bóng chuyền và mê cung hàng rào được cắt tỉa cẩn thận, cùng những thứ xa xỉ khác. Diện tích đâu đó vài hecta.
Murad nói với tôi rằng, chuyến đi hằng ngày đến dinh thự ở phía Bắc Al[1]Shahaniya mang đến cho ông thời gian nghỉ ngơi cần thiết kể từ khi World Cup 2022 biến Qatar thành một lễ hội thâu đêm suốt sáng. Sau khi giải đấu kết thúc, Murad dự định sẽ hồi phục sức khỏe ở London, nơi ông sẽ thuê một huấn luyện viên cá nhân để tập thể dục và ăn uống đúng bữa, ngủ nghỉ đúng giờ trong vòng 1 tháng. Murad sẽ tận hưởng kỳ nghỉ đón năm mới 2023 tại châu Âu trước khi trở về với công việc thường nhật. Đây là hoạt động thường niên của người đàn ông 50 tuổi này trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thông thường, ông sẽ dành trọn vẹn tháng 12 để tận hưởng cuộc sống bên ngoài Qatar. Năm nay, lịch trình của Murad được lùi lại, bởi lẽ ông không muốn bỏ lỡ thời khắc lịch sử của Lionel Messi.
Giống như hầu hết người Qatar khác, Murad ủng hộ Argentina vô địch World Cup 2022 vì Messi. Nhưng, khác với số đông, Murad có thể ung dung bỏ ra khoảng 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VND) để mua vé chợ đen xem trận chung kết giữa La Albiceleste và tuyển Pháp tại Lusail Stadium. Cho đến hôm nay, Murad vẫn lâng lâng trong niềm vui chiến thắng của Messi. Ông quyết định lùi cuộc dạo chơi ở London thêm vài ngày để tận hưởng không khí ăn mừng cùng người Argentina tại Qatar. Cả biển người đã chào đón xe buýt diễu hành của đội tuyển Nam Mỹ trên đường phố Doha sau trận đấu, giống như thể đây vốn là đội bóng của họ.
Việc tránh cập rập tưởng như nhẹ nhàng đó cũng “đốt” ngay vài nghìn USD của Murad. Tất nhiên, số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Murad chắc chắn được xem là “đại gia”. Chỉ là, chuyện ở Qatar lại hoàn toàn khác. Murad thậm chí chưa đạt đến “đẳng cấp người giàu” tại quốc gia này theo quan niệm và định nghĩa của xã hội Qatar.
“Tôi không phải người giàu có”, Murad khẳng định. Ông nói với vẻ rất bình thản pha chút kiên định. Đó không giống gì một lời nói đùa hay cố gắng đánh trống lảng. Murad quả thực không cảm thấy mình giàu có, giống như nhiều doanh nhân thành đạt khác tại Qatar.
2. Thế hệ cha ông của Murad không thể tưởng tượng ra con cháu mình lại “lên hương” nhanh đến vậy. Trong phần lớn thế kỷ 20, đất nước này chẳng khác gì một sa mạc cằn cỗi của những ngư dân và thợ lặn ngọc trai kiếm sống nhờ nước mặn của vịnh Ba Tư. Nhưng, việc phát hiện ra các mỏ khí đốt ngoài khơi bờ biển phía Bắc vào những năm 1970 và kết quả là sự bùng nổ năng lượng đã đảo ngược vận mệnh của Qatar. Người dân Qatar hiện được hưởng thu nhập trung bình cao nhất thế giới cùng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục đại học miễn phí, hỗ trợ nhà ở, công việc nhẹ nhàng của chính phủ, hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng mới cưới và vô số khoản trợ cấp hào phóng khác. Tất nhiên, sự giàu có của Qatar không chia đều cho tất cả. Đất nước này có sự phân tầng rất rõ ràng, với khoảng 2 triệu lao động nhập cư làm việc phục vụ cho lối sống sang trọng của khoảng 380.000 công dân Qatar.
Bất chấp việc sở hữu tổng cộng 3 biệt thự, với cơ ngơi to nhất ở Al[1]Shahaniya, 2 siêu xe cùng rất nhiều xa xỉ phẩm và tài khoản triệu USD, Murad vẫn khẳng định ông không phải người giàu theo tiêu chuẩn của Qatar. Murad lớn lên ở Al-Shahaniya, trong căn nhà đắp bằng bùn lụp xụp. Bố ông chỉ là thợ xây, trong khi mẹ ông làm đủ thứ việc ở chợ cá. Không ai tin rằng Murad có thể thoát nghèo chóng vánh, chưa nói đến việc sở hữu những tài sản khổng lồ.
Nhưng rồi, thời điểm ông bước vào cấp 3 cũng là lúc Qatar bắt đầu “đổi đời”. Các sinh viên sáng giá được chính phủ tài trợ tiền du học. Chính sách này không nhằm đến mục tiêu tạo ra nhiều nhà khoa học cho Qatar, mà đơn giản hơn: Tạo ra một thế hệ người trẻ thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Từ đó giúp Qatar dễ dàng đàm phán và hợp tác với các nhà đầu tư phương Tây. Murad theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Imperial College London, một trong những trường nổi tiếng nhất nước Anh và châu Âu. Hiện tại, Murad đang sở hữu một công ty tư vấn của riêng ông, với các khoản đầu tư vào các dự án xây dựng trên khắp Qatar, Anh và Mỹ.
Biệt thự rộng lớn của Murad cách Doha chỉ khoảng 40 phút lái xe trên những con đường cao tốc hun hút không một bóng người. Trái ngược với khung cảnh xám xịt và có phần hoang vắng bên ngoài, bên trong cánh cửa vào biệt thự của Murad là một màu xanh tươi của cỏ cây, với hệ thống đường đan xen đẹp mắt. Nếu không biết trước, tôicó lẽ sẽ lầm tưởng mình đang đi vào một công viên.
Murad ra tận nơi chào đón tôi và cộng sự. Ông dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà nhỏ ven đường - một nơi giống như trạm nghỉ để tiếp khách, uống nước và trò chuyện. Một người phục vụ khiến tôi lóa mắt khi mang ra chiếc bình cà phê bằng vàng, thiết kế theo kiểu truyền thống với vòi cong như vầng trăng khuyết. Cà phê được rót vào chén thủy tinh trong suốt như pha lê, với đế gắn vỏ chai đặc biệt. Tôi ái ngại không dám hỏi Murad chiếc chén này làm bằng gì và giá bao nhiêu, nhưng nó quả thực không giống vật tầm thường. Sau đó, một xe điện xuất hiện và bắt đầu đưa chúng tôi đi tham quan “ngôi nhà” - theo cách gọi của Murad. Một lần nữa, tôi tưởng mình đi lạc vào vườn thú. Trải rộng khắp khu vườn của Murad là 1.000 con cừu, 8 con linh dương sừng tấm Ả rập, 6 con ngựa đua, 2 con lạc đà và 1 con chim ưng. Còn khá nhiều thú nuôi khác mà tôi không bắt gặp. Murad đã thiết kế trang trại riêng từ 10 năm trước để phục vụ nhu cầu ăn uống sạch sẽ và tươi sống của mình. Cứ đi một đoạn, tôi lại bắt gặp 2-3 người làm công. Tôi không thể đếm Murad đã thuê tổng cộng bao nhiêu người để vận hành trang trại cũng như toàn thể căn biệt thự của ông, nhưng con số dao động từ 50 đến 70 người.
“Giấc mơ khi còn trẻ của tôi là xây dựng một khách sạn với trang trại kế bên. Ngay khi kiếm được tiền, tôi đã làm điều này. Vì vậy, khi cậu đến đây, cậu sẽ thấy ngôi nhà của tôi giống như một khách sạn hoang dã”, Murad hào hứng nói.
Đi qua chuồng ngựa và phòng tập thể dục, Murad chỉ cho chúng tôi một dãy nhà nhỏ. Đây là dãy nhà dành riêng cho những người giúp việc ở nội trú hoặc đơn giản chỉ để nghỉ trưa. “Gặp những người này, cậu chỉ cần nói “Salaam alaikum” (xin chào) là đủ khiến họ vui vẻ. Lời chào đó giúp họ cảm thấy được tôn trọng”, Murad giải thích việc ông liên tục lặp đi lặp lại một câu với những công nhân.
Trong biệt thự của Murad còn có một “nhà thi đấu” mới xây dựng để phục vụ World Cup 2022. Đây là nơi vợ ông, con gái ông và những người giúp việc nữ tập trung xem bóng đá. Theo phong tục của Qatar, những người đàn ông sẽ phải tránh xa khu vực này. Hết trận đấu, những người phụ nữ đổ ra ngoài và dạo chơi trên những chiếc xe golf. Họ thậm chí có tài xế riêng để sai bảo.
Cuối cùng, Murad đưa tôi đến một ngôi nhà đặc biệt chỉ thấy cửa và cửa. Đây là nơi ông và gia đình cùng những người giúp việc cầu nguyện mỗi ngày. Họ quỳ gối trên thảm và hướng mặt ra ngoài khoảng sân rộng lớn khi làm nghi lễ. Đó là lắt cắt nhỏ trong cuộc sống được xem là bình thường của một người “không dám nhận mình giàu có tại Qatar”.
Người Qatar thích sự riêng tư
Ngoài tính cách khiêm tốn khi nói về tài sản và tiền bạc, người Qatar còn đặc biệt thích sự riêng tư. Có vẻ như việc sống trong nhung lụa và bạc vàng khiến họ chẳng còn thú vui nào đáng kể khác và ngại chỗ đông người. Một người phụ nữ giấu tên (cô yêu cầu tôi không tiết lộ tên tuổi để tránh bị làm phiền) cho biết cô và gia đình đã tham dự trận khai mạc World Cup, khi Qatar thi đấu với Ecuador. Tuy nhiên, cô đã rời sân chỉ sau hiệp 1 vì thất vọng với màn trình diễn của đội nhà cũng như các cổ động viên bên cạnh. Những người đàn ông mặc trang phục truyền thống của Qatar đến sân xem bóng đá một cách trầm lặng. Họ không hò hét, không khua tay và tẻ nhạt một cách khó tin.
Cô con gái trẻ của người phụ nữ này giải thích: “Người Qatar đều biết mặt nhau và họ không muốn xuất hiện với hình ảnh xấu xí trên báo đài”. Người phụ nữ này cũng cho biết cô chủ yếu ở nhà trong khi World Cup 2022 diễn ra. Cô tránh xa các khu mua sắm sầm uất và các lễ hội mà Qatar tổ chức chào đón du khách vì sợ gặp... phóng viên.
“Tôi thích sự riêng tư, tôi sợ mình sẽ bị chụp ảnh hoặc lôi kéo vào các cuộc phỏng vấn nếu ra ngoài”, cô thừa nhận.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/khi-dai-gia-o-qatar-mat-di-y-niem-ve-tien-i678348/