Khi đại hội cổ đông không còn là 'thủ tục'

Nếu như trước đây, hình ảnh nhà đầu tư nhỏ lẻ thường gắn với sự thụ động và ngắn hạn, thì nay họ ngày càng thể hiện vai trò chủ động, đặc biệt là qua các kỳ họp đại hội cổ đông hàng năm của doanh nghiệp.

Những công ty có nền tảng quản trị tốt thường chuẩn bị tài liệu kỹ càng, dành thời gian hỏi đáp dài, trả lời rõ ràng các chất vấn…

Những công ty có nền tảng quản trị tốt thường chuẩn bị tài liệu kỹ càng, dành thời gian hỏi đáp dài, trả lời rõ ràng các chất vấn…

Chuyển biến trong nhận thức và hành xử của nhà đầu tư cá nhân

Trong những giai đoạn trước, việc tham gia đại hội đồng cổ đông với nhiều cổ đông nhỏ lẻ chủ yếu mang tính hình thức: nhận quà, nghe báo cáo, rồi ra về. Sự quan tâm thường chỉ dừng lại ở kế hoạch chia cổ tức hoặc tình hình kinh doanh năm trước. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt sau cú sốc dịch Covid-19, tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi đáng kể.

Tại nhiều đại hội, nhất là ở các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, lượng nhà đầu tư cá nhân tham dự ngày càng đông, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn từ địa phương khác, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Nhiều người mang theo sổ tay, tài liệu, câu hỏi cụ thể liên quan đến kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển, tình hình tài chính, hiệu quả đầu tư và cả đạo đức quản trị doanh nghiệp.

Đây là bước chuyển tích cực cho thấy nhà đầu tư cá nhân đang trưởng thành, nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là cổ đông thực sự, chứ không chỉ là người “lướt sóng” theo giá cổ phiếu.

Ông Hoàng Phúc Thịnh, Doanh nhân, nhà đầu tư, nguyên Giám đốc kinh doanh kênh iWealth Partner, Chứng khoán Techcombank

Ông Hoàng Phúc Thịnh, Doanh nhân, nhà đầu tư, nguyên Giám đốc kinh doanh kênh iWealth Partner, Chứng khoán Techcombank

Minh bạch và đối thoại - điều cổ đông nhỏ lẻ mong đợi nhất

Qua nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông, có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các doanh nghiệp trong cách tổ chức và tiếp cận cổ đông. Những công ty có nền tảng quản trị tốt như FPT, MWG, VNM, PNJ thường chuẩn bị tài liệu kỹ càng, minh bạch thông tin trước đại hội, livestream phiên họp, dành thời gian hỏi đáp dài và trả lời rõ ràng các chất vấn, kể cả từ cổ đông nhỏ.

Ngược lại, vẫn còn không ít doanh nghiệp tổ chức đại hội theo kiểu “thủ tục hành chính”, tờ trình được thông qua chóng vánh, cổ đông đặt câu hỏi thì bị né tránh hoặc trả lời vòng vo. Đáng buồn hơn, có trường hợp doanh nghiệp hạn chế phát biểu, chỉ trả lời các câu hỏi “được chọn trước” và lờ đi những vấn đề nóng như: biến động tài sản lớn, kế hoạch M&A mập mờ, thay đổi ban điều hành không minh bạch...

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cá nhân mong muốn có một cơ chế bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin và quyền được lắng nghe. Họ không yêu cầu mọi thứ phải “đẹp đẽ”, nhưng cần sự minh bạch và thẳng thắn từ ban lãnh đạo - dù kết quả kinh doanh tốt hay chưa tốt.

Vấn đề quyền lực và tiếng nói của cổ đông nhỏ

Nhà đầu tư cá nhân đang trưởng thành, nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là cổ đông thực sự, chứ không chỉ là người “lướt sóng” theo giá cổ phiếu.

Một trong những trăn trở lớn nhất của nhà đầu tư cá nhân là việc thiếu tiếng nói trong các quyết sách trọng yếu của doanh nghiệp. Dù cùng là cổ đông, nhưng nhóm sở hữu dưới 1 - 2% thường không đủ sức ảnh hưởng đến định hướng phát triển, nhân sự hội đồng quản trị hay kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Thực tế, tại nhiều đại hội, cổ đông nhỏ có thể đặt câu hỏi, nhưng rất khó để đưa ra đề xuất, hoặc đề cử ứng viên vào hội đồng quản trị nếu không liên kết với một nhóm cổ đông lớn. Các tờ trình thường được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối, do nhóm cổ đông chi phối đã định sẵn.

Một số nhà đầu tư tích cực đã tìm cách liên kết, tạo lập nhóm cổ đông thiểu số để lên tiếng và gây áp lực minh bạch. Tuy nhiên, các nỗ lực này vẫn còn manh mún, thiếu cơ chế hỗ trợ từ pháp luật và các tổ chức trung gian như hiệp hội cổ đông, công ty chứng khoán hay truyền thông.

Vai trò mới: Từ người theo dõi sang người đồng hành

Điều đáng mừng là xu hướng “đồng hành lâu dài” với doanh nghiệp đang lan rộng trong cộng đồng nhà đầu tư cá nhân. Không còn là người đầu cơ ngắn hạn, nhiều cổ đông nhỏ đã xác định mục tiêu đầu tư dài hạn, đồng thời theo sát các kỳ đại hội để đánh giá chiến lược và năng lực điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong năm 2024 - 2025, những doanh nghiệp như DGC, FPT, GEX, VHC, NTC, VIB... đã ghi nhận sự góp mặt tích cực của các cổ đông cá nhân, với loạt câu hỏi mang tính chiến lược: vấn đề tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số, đầu tư mở rộng, kế hoạch huy động vốn, quản trị rủi ro và cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Những câu hỏi này cho thấy, nhà đầu tư nhỏ không chỉ quan tâm đến cổ tức, mà còn dõi theo cả “hành trình phát triển” của doanh nghiệp. Với họ, lợi nhuận không phải là tất cả, mà còn là sự tin tưởng vào một chiến lược dài hạn có trách nhiệm và minh bạch.

Một số kiến nghị từ góc nhìn nhà đầu tư cá nhân

Để các đại hội đồng cổ đông trở thành diễn đàn thực sự, chứ không phải hình thức đối phó, cần sự cải thiện từ cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý và tổ chức trung gian.

Cụ thể, doanh nghiệp cần công bố đầy đủ, sớm các tài liệu đại hội, dành thời gian chất vấn nhiều hơn, minh bạch trả lời tất cả câu hỏi gửi trước và tại chỗ, livestream hoặc tổ chức đại hội trực tuyến song song.

Cơ quan quản lý nên ban hành khuyến nghị hoặc quy chuẩn tối thiểu cho hoạt động đại hội đồng cổ đông, tăng cường giám sát các doanh nghiệp có dấu hiệu che giấu thông tin, xây dựng cơ chế pháp lý để nhóm cổ đông nhỏ dễ dàng liên kết, đề cử nhân sự, kiến nghị kiểm toán độc lập hoặc chất vấn hội đồng quản trị.

Tổ chức trung gian có thể hỗ trợ kỹ thuật tổ chức họp trực tuyến, hệ thống bỏ phiếu điện tử, cung cấp thông tin khách quan, hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị nội dung chất vấn, tạo các cộng đồng đầu tư theo ngành nghề để tăng cường tiếng nói tập thể.

Cổ đông nhỏ - giá trị lớn nếu được lắng nghe

Nhà đầu tư cá nhân tuy nhỏ về tỷ lệ sở hữu nhưng không nhỏ về vai trò đối với thị trường. Họ là lực lượng tạo thanh khoản, lan tỏa thông tin và góp phần kiểm soát hoạt động quản trị doanh nghiệp. Nếu được lắng nghe và tạo điều kiện, họ có thể trở thành những người đồng hành tin cậy cùng doanh nghiệp, thậm chí là đối tác chiến lược dài hạn.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến tới nâng hạng và thu hút thêm vốn quốc tế, việc nâng cao chất lượng đại hội đồng cổ đông và tôn trọng cổ đông nhỏ sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng một thị trường phát triển bền vững, minh bạch và văn minh hơn.

Hoàng Phúc Thịnh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-dai-hoi-co-dong-khong-con-la-thu-tuc-post368316.html