Khi đam mê được chắp cánh tại nơi làm việc

Làm việc, cống hiến và dành phần lớn thời gian cho công ty đó là cách mà những người trưởng thành đang lựa chọn. Đối với nhiều người, thời gian cho bản thân hay theo đuổi đam mê của mình là một điều xa xỉ. Nhưng điều này lại hoàn toàn có thể hiện thực hóa được tại một doanh nghiệp vốn được coi là nơi kỷ luật, nhân viên có phương châm 'hết việc chứ không hết giờ'. Với thị trường kinh doanh tại 11 quốc gia, 3 châu lục, Tập đoàn Viettel đã nỗ lực mang lại sân chơi thể thao cho CBCNV trên toàn cầu với Viettel World Cup. Hơn cả những trận bóng để thỏa đam mê, giải đấu cho thấy những nỗ lực mang đến một môi trường gắn kết của các nền văn hóa cho một tập thể mang tên 'Viettel'.

Ước mơ được gọi tên tại Tập đoàn toàn cầu

Giải bóng đá Viettel’s World Cup quy tụ gần 350 cầu thủ đều là kỹ sư IT, kỹ sư mạng lưới, chuyên viên kinh doanh… thậm chí là những cán bộ quản lý các cấp. Rất nhiều trong số đó là những cựu tuyển thủ từng thi đấu chuyên nghiệp tại các quốc gia, mang đến một giải đấu cạnh tranh và chất lượng.

Marcos là Đội trưởng của đội bóng Telemor (thương hiệu của Viettel tại Đông Timor). Trước khi vào làm việc cho Telemor năm 2017, Marcos từng là tuyển thủ của đội tuyển quốc gia. Trong thời gian 7 năm làm việc tại Telemor, Marcos cũng đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đông Timor, hiện anh là nhân sự chính vận hành hệ thống điện thoại di động của Công ty. Anh kể: “Ngày mới vào Telemor, tôi mới chỉ biết đi trèo cột, kéo cáp. Sau một gian được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành, giờ tôi đã là một nhân sự cứng với vai trò trưởng nhóm, công việc của tôi là quy hoạch định cỡ, tính toán vùng phủ, những việc quan trọng của hệ thống mạng lưới di động. Đó là những điều tôi chưa hình dung một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sau này có thể làm và làm tốt”.

Tuyển thủ Marcos (quỳ gối) và chuyên viên kinh doanh kiêm tuyển thủ Nelson (giữa).

Tuyển thủ Marcos (quỳ gối) và chuyên viên kinh doanh kiêm tuyển thủ Nelson (giữa).

Khi giải nghệ, Marcos nghĩ niềm đam mê bóng đá có thể cũng sẽ lụi dần, tài năng của anh có thể vì thế mà mai một. Nhưng sự thật thì ngược lại, Marcos nói: “Ở Telemor, tôi được tham gia đội bóng để đi giao lưu với rất nhiều đối tác chiến lược của Công ty. Một trong những giải đấu hoành tráng nhất của tôi chính là Viettel’s World Cup. Đây đã là lần thứ 2 tôi tham gia giải đấu này, tôi được thăm trụ sở chính của Tập đoàn và có cơ hội chạm tay vào chiếc cúp đầy mơ ước của những người Viettel yêu bóng đá toàn cầu”.

Trong đội bóng của Telemor còn có một tuyển thủ nữa là Nelson Jose Antonio. Chàng hậu vệ cánh trái này mới thi tuyển vào Công ty gần 1 năm, nhưng đã được giao nhiệm vụ điều hành kinh doanh di động. Anh chàng từng là tuyển thủ footsal của Đông Timor quản lý kênh cộng tác viên bán hàng trực tiếp và từng được vinh danh là nhân viên xuất sắc của Telemor. Nelson nói: “Thi đỗ vào Telemor là niềm tự hào của tôi vì đây là công việc đáng mơ ước. Nhưng điều đặc biệt hơn là tôi vẫn được chơi bóng. Như giải đấu Viettel’s World Cup này là điều choáng ngợp nhất của tôi”.

Về Việt Nam tham dự Viettel’s World Cup là cơ hội lớn của Marcos, Nelson hay bất cứ người Viettel trên toàn toàn cầu có thể giao lưu, học hỏi và hiểu hơn về Tập đoàn mà họ đang làm việc. Và đặc biệt hơn là cơ hội kết nối giữa những người đồng nghiệp cách xa nhau nửa vòng trái đất, không phân biệt quốc tịch, màu da, cùng có mặt tranh tài và chinh phục ngôi vị cao nhất của giải đấu.

Đặt mục tiêu cao để nỗ lực hết sức

Không chỉ là một giải thi đấu bóng đá thông thường, tinh thần “làm hết sức, chơi hết mình” cũng được thể hiện rõ qua những mục tiêu mà mỗi cá nhân khi tham gia được truyền cảm hứng. Rất nhiều kỹ sư trẻ đến từ các đơn vị trong Tập đoàn Viettel khao khát có được danh hiệu “Đôi giày vàng” như một lời khẳng định về sự quyết tâm đối với bất cứ nhiệm vụ nào được giao.

Phạm Viết Quân là một trong những kỹ sư trẻ như thế. Quân là 1 trong 3 người có kết quả tốt nghiệp cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện đang là kỹ sư thiết kế triển khai cơ điện của Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu thuộc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel. Quân chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi đọc ở Việt Nam hay khu vực có một doanh nghiệp mà tổ chức giải bóng đá có đến 3 châu lục như thế, có cả các đội từ Châu Phi, Châu Mỹ đều được Tập đoàn chi trả vé máy bay và ăn ở để tham gia vòng chung kết hơn 20 ngày. Tôi vinh dự khi là một cầu thủ của giải đấu này”.

Phạm Viết Quân (áo vàng) - chàng thủ khoa hướng đến mục tiêu “Đôi giày vàng”.

Phạm Viết Quân (áo vàng) - chàng thủ khoa hướng đến mục tiêu “Đôi giày vàng”.

Khi còn là sinh viên, anh chàng thủ khoa này cũng tham gia đội bóng của trường và cũng không ngờ, khi đi làm, niềm đam mê ấy vẫn được tiếp nối. Quân cho biết: “Tôi đều thấy các cầu thủ có profile rất khủng. Họ thậm chí là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình”.

Mong muốn lớn nhất của chàng tiền vệ trái Viết Quân là đạt được “Đôi giày vàng” của giải đấu đặc biệt này. “Đặt mục tiêu cao để nỗ lực hết sức, tìm ra cách làm đột phá là một nét văn hóa của Viettel” - Quân thổ lộ.

Nguyễn Quang Sang, chuyên gia IT, tài năng cả ở mảng lập trình và bóng đá.

Nguyễn Quang Sang, chuyên gia IT, tài năng cả ở mảng lập trình và bóng đá.

Một trong những chuyên gia IT, nhưng cũng là tiền đạo cừ khôi của Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đó là Nguyễn Quang Sang. Quang Sang là mẫu tiền đạo “gì cũng giỏi”. Sang hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Vòng Chung kết Viettel’s World Cup và đây sẽ là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Chúng tôi cùng ăn uống, tập luyện với nhau trong 3 tháng. Những người đồng đội cũng vì thế mà hiểu nhau hơn và hơn hết chúng tôi cùng có một mục tiêu giống nhau là giành chiến thắng”. Sang hiện là nhân sự quan trọng của nhiều dự án tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm nền tảng của Viettel Solution. Trong đó phải kể đến dự án đo điện từ xa dành cho ngành điện (nghĩa là thay vì phải trèo lên cột để lấy dữ liệu từng công-tơ điện thì hệ thống này giúp đơn vị thu thập dữ liệu từ xa). Dự án khác quan trọng không kém là VMS - phần mềm quản lý video, dữ liệu của hàng nghìn camera sẽ được đẩy về hệ thống tập trung.

Từ Viettel’s World Cup đến giá trị tinh thần của một tổ chức có thị trường tại 3 châu lục, đó không chỉ là nơi người lao động được tham gia thi đấu, đó còn là cách để khơi gợi tinh thần tập thể, ý chí chiến đấu không quản khó khăn mà những Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn mong muốn truyền đạt. Trên sân, các cầu thủ là những chiến binh chiến đấu vì thành tích cho đơn vị mình, nhưng khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, họ là những người đồng nghiệp cùng làm việc tại Tập đoàn Viettel, nơi luôn đề cao giá trị “vì con người” lên hàng đầu.

Về Viettel's World Cup:

Đây là một trong những sự kiện thể thao lớn, quan trọng của Viettel, được coi là Giải bóng đá không chuyên đầu tiên và duy nhất tại khu vực có sự tham dự có nhiều quốc gia nhất trên thế giới. Năm 2023 là lần thứ 3 Viettel tổ chức Giải bóng đá (hai giải trước đó là năm 2015 và 2016). Giải bóng quy tụ 350 cầu thủ đến từ 16 đội bóng, trong đó 30% là cầu thủ quốc tế đến từ các công ty thị trường của Viettel bao gồm: Metfone (Cambodia), Unitel (Lào), Telemor (Timor Leste), Mytel (Myanmar), Bitel (Peru), Movitel (Mozambique), Halotel (Tanzania) và Lumitel (Burundi).

100% các đội bóng tham dự đều có giải thưởng, trong đó giải thưởng dành cho Đội vô địch là cúp, tiền thưởng và huy chương. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 3 giải cá nhân dành cho các danh hiệu: Cầu thủ xuất sắc nhất, Vua phá lưới và Thủ môn xuất sắc nhất. Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 800 triệu đồng.

Lâm Anh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/khi-dam-me-duoc-chap-canh-tai-noi-lam-viec-54005.html