Khi dân có Đảng 'sát cánh'

Một trong những nhiệm vụ cấp bách trong việc triển khai thực hiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu của Bình Thuận đó là sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn 1) vừa hoàn thành là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.

Bài dự thi Giải Cờ đỏ

Bài dự thi Giải Cờ đỏ:

Bài 1: Những tổn thất do thiên tai

Bài 2: “Điểm tựa” của ngư dân

 Công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn 1)

Công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn 1)

Niềm vui với công trình mới

Những ngày cuối tháng 9/2020, ngay trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất chọn 3 công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó có công trình mở rộng đường từ đá Ông Địa đến khu du lịch Hoàng Ngọc với tổng chiều dài khoảng 6.006 m; Công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền huyện Phú Quý (giai đoạn 1)... Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, đây là các công trình mang ý nghĩa quan trọng, phải hoàn thành trước ngày khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong không khí tươi vui, chuẩn bị cho lễ gắn biển công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền huyện Phú Quý (giai đoạn 1) vào ngày đầu tháng 10/2020, tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Chá, lão ngư ở xã Ngũ Phụng (huyện Phú Quý) đã được nhắc đến với thâm niên hơn 30 năm làm nghề biển. Hơn ai hết, ông là người vui mừng khi huyện đảo đã có công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Ông Chá chia sẻ, những năm trước đây, mỗi lần lênh đênh ngoài biển khơi gặp thiên tai, bão tố, thuyền của ông và nhiều ngư dân khác phải khẩn trương chạy vào đất liền trú bão. Không ít lần, thuyền vào bờ không kịp, đành quay lại trú ẩn ở các luồng lạch ở đảo, phó mặc tài sản cho “ông trời”. Vượt qua biết bao khó khăn, nay Đảng và Nhà nước đã cùng sát cánh với dân, đầu tư công trình này, chắc chắn sẽ là “điểm tựa” cho tàu thuyền tránh trú mỗi khi thiên tai ập đến. Cùng tâm trạng với ông Chá, anh Nguyễn Văn Vẻ ở cùng thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng cũng không giấu được niềm vui. Anh Vẻ chia sẻ, hiện nay anh đang là lao động biển làm nghề lưới rút ở khơi xa. Suốt chặng đường vươn khơi bám biển, nay có công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, ngư dân sẽ có thêm tự tin để vươn khơi…Từ nay, người dân sẽ có điểm tựa vững chắc, bảo vệ họ và tàu thuyền những lúc gặp thiên tai, sự cố.

Đáp ứng 1.000 tàu cá neo đậu

Công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý xuất phát từ nhu cầu thực tế, định hướng phát triển kinh tế thủy sản trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Qua đó, phát huy tối đa mục tiêu của dự án là đáp ứng cho 1.000 tàu có công suất đến 600CV của Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa, DK1 vào neo đậu tránh trú bão.Mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và phương tiện hoạt động nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.Do vậy, trong những năm qua, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về quy hoạch và xây dựng hệ thống cảng cá, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tranh thủ các nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, hỗ trợ từ trung ương, tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai xây dựng, nâng cấp một số công trình hạ tầng kỹ thuật cảng cá, Khu neo đậu kết hợp cảng cá quan trọng đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Riêng công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2326/QĐ-BNN-TCTS ngày 6/10/2011 bao gồm các hạng mục như đê chắn sóng, nạo vét luồng và khu nước, bến cập tàu, kè bờ, phao neo tàu, hệ thống phao tiêu báo hiệu luồng và một số hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu với tổng mức đầu tư 901 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương do Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện công trình từ năm 2012 đến năm 2017. Tuy nhiên, do dự án chưa cân đối được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện đúng thời gian.

Xác định mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình này và đặc biệt là sự quan tâm của Trung ương về chính sách đầu tư phát triển thủy sản, ngày 17/3/2016 Bộ NN&PTNT có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 1) bao gồm 2 hạng mục xây lắp là thi công đê chắn sóng và thi công hệ thống phao neo tàu, với giá trị là 542,2 tỷ đồng. Trong đó,vốn ngân sách Trung ương 540 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2,2 tỷ đồng để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện 2016-2020. Công trình được khởi công vào ngày 26/12/2016 đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Ông Thái Đức Hùng Anh- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: Diện tích mặt nước khu neo đậu 55,9 ha, đáp ứng cho 1.000 tàu có công suất đến 600 CV vào neo đậu. Công trình (giai đoạn 1) chỉ thực hiện đầu tư hạng mục xây lắp đê chắn sóng phía Đông, đê chắn sóng phía Tây và hệ thống phao neo tàu được chia làm 2 gói thầu xây lắp. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp tỉnh đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án (giai đoạn 2) làm cơ sở trình Bộ NN&PTNT quyết định phê duyệt và đề nghị Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện theo quy định.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/bai-du-thi-giai-co-do-khi-dan-co-dang-sat-canh-bai-2-131524.html