Khi đảng viên tiên phong 'hồi sinh' bản nghèo người Mảng

Đồng bào dân tộc Mảng ở huyện biên giới Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu trước đây được biết đến như 'điển hình' là đói nghèo lạc hậu. Thế nhưng, những năm gần đây, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay.

Có được kết quả này là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã "gửi" đảng viên về cơ sở; mỗi đảng viên này đã phát huy vai trò tiên phong, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Một buổi tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật của đảng viên "gửi" tại bản người Mảng ở Nhậm Nhùn

Một buổi tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật của đảng viên "gửi" tại bản người Mảng ở Nhậm Nhùn

2 năm trước đây, vào sáng sớm mỗi ngày, khi ánh bình minh ló rạng nơi sườn núi phía Đông là cả gia đình chị Lờ Thị Toàn, dân tộc Mảng, ở bản Nậm Pì, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu lại dắt díu nhau vào rừng. Luồn rừng, lội suối cả ngày, với bao hiểm nguy dình dập, mỗi người cũng chỉ kiếm được vài cái măng, ít rau rừng và may mắn lắm mới có được tổ ong mật mang về bán, hoặc đổi gạo, sinh sống qua ngày. Đói nghèo, lạc hậu đeo bám mãi, cho đến một ngày, cán bộ xã về bản tuyên truyền, vận động cho con nhỏ đi học, người lớn lên nương trồng cây để phát triển kinh tế, gia đình chị mới nghe và làm theo.

Chị Lờ Thị Toàn cho biết: Cán bộ giúp gia đình chị là đảng viên chi bộ của bản, khi đến mang theo cây giống gì đó cao chừng một gang tay, rồi bảo cả nhà cùng lên nương làm đất để trồng. Khi trồng xong, cán bộ mới bảo đó là cây chanh leo. Cán bộ còn dặn dò gia đình phải bảo vệ, không cho trâu, bò phá thì 3 tháng sau sẽ có quả. Thế là gia đình chị đã trở thành hộ đầu tiên trong bản có thu nhập từ chanh leo. Với diện tích 1.000 mét vuông chanh leo của gia đình năm vừa qua đã cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Thu nhập từ chanh leo và chăn nuôi đã giúp gia đình thoát nghèo.

Hướng dẫn bà con trồng cây chanh leo, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hướng dẫn bà con trồng cây chanh leo, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Vừa hướng dẫn người dân cách làm ăn phát triển kinh tế, vận động học sinh tới lớp, đưa người ốm đến trạm y tế xã chữa bệnh.... các cán bộ là đảng viên được "gửi" còn tìm nguồn là người dân tộc Mảng để kết nạp đảng viên mới. Sau khi kết nạp, các đảng viên mới đều tiên phong làm các mô hình kinh tế gia đình cho bà con học tập, làm theo. Họ cũng là người trực tiếp tìm ra những quần chúng ưu tú để tiếp tục xét kết nạp đảng. Cứ như vậy, từ một, hai đảng viên ban đầu, đến nay xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn đã kết nạp được hàng chục đảng viên trong đồng bào dân tộc Mảng ở địa phương.

Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn cho biết: "Thời gian qua, Đảng ủy đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành xuống dự sinh hoạt chi bộ tại các bản; tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân và giúp đỡ bà con phát triển kinh tế - xã hội, nhất là triển khai các mô hình trồng chanh leo, triển khai chăn nuôi gia súc có chuồng trại mang lại hiệu quả tốt".

Cách làm dựa vào quần chúng nhân dân, lấy nhân tố người địa phương là hạt nhân xét kết nạp đảng tại cơ sở sau đó được huyện Nậm Nhùn nhân rộng đối với nhiều vùng đồng bào dân tộc khác trên địa bàn. Sau một nhiệm kỳ nỗ lực, Đảng bộ huyện đã phát triển được hơn 1.800 đảng viên, không còn bản "trắng" đảng viên.

Nhiều mô hình chăn nuôi nhốt tập trung đã phát huy hiệu quả và đây là điều chưa từng có trong đồng bào Mảng trước đây.

Nhiều mô hình chăn nuôi nhốt tập trung đã phát huy hiệu quả và đây là điều chưa từng có trong đồng bào Mảng trước đây.

Theo ông Trần Quốc Khanh, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Nhùn, việc "gửi" đảng viên về cơ sở thành lập chi bộ để tìm nguồn đảng viên mới người địa phương là quyết định đúng đắn của Đảng bộ huyện. Từ những đảng viên "gửi" ban đầu, sau một nhiệm kỳ, đến nay 100% chi bộ bản đã có đảng viên người địa phương, 62/69 chi bộ bản có người địa phương làm bí thư chi bộ. Ông Trần Quốc Khanh nói:

Ông Trần Quốc Khanh nhấn mạnh: "Đảng viên trưởng thành từ quần chúng ưu tú trong đồng bào dân tộc Mảng cũng đã phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng các phong trào ở địa phương. Như ở Nậm Nhùn, cụ thể là xã Nậm Pì thì người Mảng đã biết làm mô hình kinh tế, biết đưa cây trồng mới vào sản xuất và tổ chức thành công mô hình trồng cây chanh leo. Một số đồng chí đảng viên là người dân tộc Mảng cũng rất tích cực trong công tác xã hội ở địa phương".

Cũng theo ông Khanh, các đảng viên là người địa phương đã thực sự phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị của mình trong mọi hoạt động của xã, bản. Trong đó, từ chuyển đổi nhận thức, đảng viên người Mảng - dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, sinh sống duy nhất ở Lai Châu đã trở thành những hạt nhân gương mẫu, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo bản làng quê hương./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/khi-dang-vien-tien-phong-hoi-sinh-ban-ngheo-nguoi-mang-847738.vov