Khi 'đất nước là quê hương'

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong sáp nhập tỉnh cần hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn.

Tổng Bí thư khẳng định cần phải thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. “Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài; Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng sắp xếp cấp xã” - Tổng Bí thư nói, đồng thời bày tỏ, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tâm tư và tình cảm mà Tổng Bí thư nhắc đến chính là những miền ký ức từ thuở bé thơ về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người.

Thực ra, đây là điều dễ hiểu bởi trong con tim mỗi người Việt Nam đều in sâu những ký ức tốt đẹp, gắn bó về nơi cội nguồn của mình. Nhưng bao trùm lên tất cả, có lẽ, chúng ta đều có một quê hương - nơi ta vẫn gọi bằng hai tiếng Việt Nam; nơi ta vẫn tự hào khai trong mỗi cuốn hộ chiếu ở mục quốc tịch: Việt Nam. Quê hương ấy là nơi mà nhà thơ Nguyễn Bính từng viết: “Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu/Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung”. Hay như: “Quê hương tôi có múa xòe, hát đúm/Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo. Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”/Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

Một quê hương rộng lớn “trải nghìn dặm trời mây” và khi mà trong các cuộc họp của Ủy ban di sản của UNESCO các địa danh, các di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta được xướng tên bao giờ cũng được kèm với hai chữ Việt Nam. Chính vì thế, trong góc trời thương nhớ của mỗi người, ngoài quê hương nhỏ lại có một quê hương lớn - Tổ quốc Việt Nam bao trùm lên tất thảy.

Trở lại với câu chuyện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Việc tổ chức lại từ 63 tỉnh, thành phố sẽ chỉ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương tức là sẽ thu hẹp đầu mối giảm cấp trung gian, nhiều tỉnh và thành phố (trực thuộc tỉnh) có thể không còn xuất hiện. Điều này có thể tạo nên sự nuối tiếc, nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".

Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sáng 17/4 thì, mục tiêu của việc sáp nhập tỉnh, xã là mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng một chính quyền địa phương hiện đại, tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt nhất. Nhưng "Hiệu quả của chủ trương này không chỉ đo lường bằng số lượng đơn vị hành chính giảm đi hay khoản ngân sách tiết kiệm được, mà còn là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy, từng bước nâng tầm quản trị quốc gia với một mô hình chính quyền địa phương hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới" - Phó Thủ tướng nói.

Chắc chắn, nhân dân sẽ hiểu và đồng tình với chủ trương quan trọng này; bởi mục tiêu quan trọng nhất của Đảng ta khi thực hiện chủ trương chính là hướng về cơ sở, về nhân dân và mục tiêu cao nhất là đưa kinh tế từng địa phương đi lên, kinh tế đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-dat-nuoc-la-que-huong-10303929.html