Khi đầu tư công được đẩy mạnh, cổ phiếu nhóm nào được hưởng lợi?

Trong bối cảnh toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong nước đầu tư công luôn lựa chọn hàng đầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, những chính sách này sẽ thúc đẩy một số ngành nghề có cơ hội phát triển. Ngành cụ thể được hưởng lợi rõ nhất là ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.

 Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm vẫn còn khoảng 67%, tương đương với khoảng 470 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Kỳ Phương

Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm vẫn còn khoảng 67%, tương đương với khoảng 470 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Kỳ Phương

Đầu tư công trong tổng thể bức tranh vĩ mô

Các chuyên gia của SSI nhận định, đầu tư công luôn là lựa chọn chính sách hàng đầu để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Không có nhiều bất ngờ khi chính sách này được đẩy mạnh hơn sau những số liệu kinh tế không quá tích cực được công bố trong nửa đầu năm 2023.

Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đã được thông qua trong quý IV/2022, với mức kỳ vọng tăng 25% so với năm 2022, hoặc là hơn 700 nghìn tỷ đồng, một con số tương đối lớn trong khoảng thời gian là một năm (kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm 2021 - 2025 chỉ vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng).

Theo uớc tính, nhu cầu đầu tư vào hệ thống đường bộ - đường cao tốc cho giai đoạn 2021 - 2030 gần 50 tỷ USD và kỳ vọng sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ USD trong giai đoạn này.

Trong đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng hơn 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và trên thực tế, tính đến năm 2021, cả nước có khoảng 1.163 km và tăng thêm 566 km từ năm 2021 đến giữa năm 2023. Việc này kéo theo hàng loạt các dự án đã được khởi công, hay đẩy mạnh triển khai trong nửa đầu năm 2023.

Dự án ước tính tổng chi phí 58.71 tỷ USD (1.98 tỷ USD giải phóng mặt bằng, 31.58 tỷ USD cho xây dựng và 15 tỷ USD cho thiết bị), để kết nối ga Ngọc Hồi ở Hà Nội với ga Thủ Thiêm ở TP. Hồ Chí Minh, tổng chiều dài là 1.545 km.

Bên cạnh hệ thống đường bộ, việc phát triển hệ thống đường sắt cũng đã được nhắc đến tương đối nhiều trong thời gian gần đây. Dự án tham vọng nhất là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị phê duyệt và có kế hoạch khởi công trước năm 2030.

Dù được đẩy mạnh là thế, nhưng để chính sách có thể đi vào cuộc sống thì luôn cần nhiều thời gian, nhất là khi thủ tục đầu tư với các dự án cơ sở hạ tầng lớn luôn như một thách thức cho công tác giải ngân vốn trong nhiều năm qua.

Điều này đến từ các nguyên nhân chính. Thứ nhất, trước mắt trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đang nghiêng nhiều về hướng sử dụng chính sách tiền tệ, một phần là do chính sách tiền tệ có độ trễ thấp hơn.

Thứ hai, yếu tố mang tính mùa vụ cho thấy các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường tập trung giải ngân trong nửa sau của năm.

Thứ ba, rủi ro liên quan đến pháp lý, trong đó bao gồm các rủi ro liên quan đến việc định giá đất và giải phóng mặt bằng, hay việc giám sát tuân thủ các kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ tư, công tác chuẩn bị dự án đầu tư công thường khó đáp ứng được các nhu cầu thực tế phát sinh trong lúc triển khai.

“Việc chuẩn bị dự án là một quá trình kéo dài (18 - 24 tháng đối với các dự án lớn và có thể rút ngắn xuống còn 12 tháng nếu sử dụng chỉ định thầu trực tiếp), nên luôn có sự chênh lệch giữa kế hoạch và thực tiễn triển khai. Cuối cùng là thiếu hụt về nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông lớn” - chuyên gia của SSI chỉ ra.

 Hai công trình trọng điểm có nhu cần rất lớn sử dụng đá khu vực phía Nam là Sân bay Long Thành (2,04 triệu m3) và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (5,2 triệu m3). Ảnh: Kỳ Phương

Hai công trình trọng điểm có nhu cần rất lớn sử dụng đá khu vực phía Nam là Sân bay Long Thành (2,04 triệu m3) và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (5,2 triệu m3). Ảnh: Kỳ Phương

Cổ phiếu ngành liên quan sẽ ăn theo

Với bức tranh vĩ mô đầu tư công nói trên, SSI cho rằng, các ngành cụ thể được hưởng lợi từ chủ điểm đẩy mạnh đầu tư công rõ nhất là ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng. Ở khía cạnh doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang có doanh thu tăng trưởng bắt đầu từ năm 2021 - 2022.

Đồng thời, doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023 - 2025 theo chu kỳ đầu tư công.

Thế nhưng, với đặc thù ngành xây dựng hạ tầng với biên mỏng và các khoản phải thu cao, đa số sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao. Điều này khiến mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu sẽ chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Ngoài ra, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm vẫn còn khoảng 67%, tương đương với khoảng 470 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam đặt mục tiêu có khoảng hơn 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, tăng lên từ mức 1.729km vào giữa năm 2023. Với giả thiết suất đầu tư 1km đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 14 triệu USD/km (ước tính của Bộ Giao thông vận tải, chưa tính trượt giá), tổng số vốn đầu tư hơn 1.200 km đường cao tốc này sẽ là hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia SSI, nhu cầu nhựa đường từ riêng các dự án cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025 có thể đạt gần 700 nghìn tấn nhự đường chất lượng cao.

Nhu cầu nhựa đường của Việt Nam thay đổi theo năm và phụ thuộc vào tốc độ đầu tư công, tuy nhiên, trung bình đạt mức 600 nghìn đến gần 1 triệu tấn/năm.

Nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3 (+38% giai đoạn 2016 - 2021).

Nguồn cung đá xây dựng có cơ chế riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam. Hầu hết các mỏ đá xây dựng được phân bố trên khắp cả nước, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Do đó, hầu hết các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án.

Bên cạnh đó, các địa phương có dự án cao tốc Bắc Nam cũng có những cơ chế riêng như: được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc (không cần thực hiện đấu giá quyền khai thác)./.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khi-dau-tu-cong-duoc-day-manh-co-phieu-nhom-nao-duoc-huong-loi-132132.html