Khi dệt may xác định 'ranh giới đỏ'

Viễn cảnh giảm, hủy đơn đặt hàng do dịch Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong năm 2021. Ngành dệt may cũng xác định 'ranh giới đỏ' trước mối lo mất cân bằng về quyền lực giữa một bên là nhãn hàng, người mua hàng, và một bên là các nhà sản xuất.

Theo nhận định gần đây của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey kết hợp với Công ty tư vấn Oxford Economics thực hiện cho thấy, doanh số thời trang toàn cầu khó có thể trở lại mức năm 2019 trước quý 3 năm 2022 hoặc có thể là quý 4 năm 2023.

Lo chuyện hủy đơn hàng

Ở thị trường châu Âu, doanh số thời trang được cho là sẽ chỉ khả quan trở lại bằng mức năm 2019 vào cuối năm 2022. Còn ở thị trường Mỹ, sự phục hồi trong dài hạn có thể vẫn sẽ diễn ra chậm hơn châu Âu, với khung thời gian phục hồi cho công nghiệp thời trang theo kịch bản dự kiến sẽ không sớm hơn quý đầu tiên năm 2023.

Dịch Covid-19 càng thể hiện rõ sự mất cân bằng về quyền lực giữa một bên là nhãn hàng và người mua hàng, một bên là các nhà sản xuất dệt may.

Dịch Covid-19 càng thể hiện rõ sự mất cân bằng về quyền lực giữa một bên là nhãn hàng và người mua hàng, một bên là các nhà sản xuất dệt may.

Theo Ts. Achim Berg, lãnh đạo toàn cầu của Tập đoàn May mặc, Thời trang và Cao cấp (Apparel, Fashion and Luxury Group) tại McKinsey, sự gián đoạn của ngành dệt may sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021, và dự kiến sự phục hồi toàn cầu sớm nhất sẽ không xảy ra cho đến nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, như ước tính của Công ty cố vấn tiêu dùng toàn cầu Wazir Advisors, trong năm 2020 vừa qua, nhu cầu hàng may mặc của châu Âu và Mỹ đã giảm lần lượt là 45% và 40%.

Trước bối cảnh như vậy, trong tháng 1/2021, Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Châu Á (có sự tham gia của Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas) đã đồng thuận đưa ra sáng kiến mới về thực hành mua hàng có trách nhiệm hơn trong ngành công nghiệp dệt may.

Nhất là khi dịch Covid-19 làm cho ngành dệt may ngày càng thể hiện rõ sự mất cân bằng về quyền lực giữa một bên là nhãn hàng và người mua hàng, một bên là các nhà sản xuất.

Trong đó, việc hủy đơn đặt hàng, đặc biệt là từ các nhãn hàng và người mua hàng ở châu Âu và Mỹ, khiến nhiều nhà sản xuất châu Á, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam gặp khó khăn.

Theo dự tính, đến tháng 3/2021, hiệp hội các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may ở châu Á sẽ làm việc cùng nhau trong năm nhóm công tác để xác định “ranh giới đỏ”, đưa ra các kiến nghị về các chủ đề như thực tiễn thanh toán và giao hàng, lập kế hoạch, trao đổi thông tin và đàm phán với bên thứ ba.

Ông Miran Ali, đại diện cho Mạng lưới STAR (Mạng lưới Dệt may bền vững của khu vực châu Á - đại diện cho hơn 60% tổng số các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới), cho biết, điểm đặc biệt của sáng kiến này là đặt ra các câu hỏi xung quanh thực tiễn mua hàng, chẳng hạn như điều khoản thanh toán và giao hàng, xuất phát từ quan điểm của các nhà sản xuất và các hiệp hội đại diện cho họ.

“Tình hình trước đây đã rất khó khăn, Covid-19 xuất hiện đã khiến mọi thứ thay đổi. Tuy nhiên, ngành dệt may sẽ không kết thúc với Covid-19”, ông Miran Ali nói.

Sẽ có “kẻ thắng người thua”

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: Chúng tôi tham gia sáng kiến này vì tin rằng việc thực hành mua hàng có trách nhiệm là điều rất quan trọng và cần thiết.

Bà Ánh cho biết các hoạt động thu mua có trách nhiệm sẽ hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho người lao động và nhà cung cấp trong ngành dệt may, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.

Có thể nói, hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy đơn hàng như hồi năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh của các DN xuất khẩu dệt may Việt Nam với nhiều mối băn khoăn để tìm cách khắc phục trong năm 2021.

Họ đã từng gặp khó khăn kép khi phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, và khi có đủ nguyên phụ liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất.

Nhiều DN dệt may đã rút ra khá nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng này, nhất là bài học về việc đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại, cũng như đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu, và bài học về bảo toàn lực lượng lao động cho dù có khó khăn.

Hơn thế nữa, có nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng dệt may sẽ được thiết lập trong năm 2021 này cũng là điều mà các DN lưu tâm. Theo đó, xu thế giảm giá sẽ chi phối toàn thị trường, hàng hóa đơn giản, thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trực tuyến ở lĩnh vực này sẽ ngày càng tăng lên.

Giới chuyên gia cho rằng năm 2021 là thời điểm cho các nhà sản xuất dệt may của Việt Nam đưa ra những quyết định nhạy bén, táo bạo hơn để vượt qua những thách thức lớn như năm 2020 vừa qua. Trong đó, cần thể hiện rõ quan điểm mạnh mẽ trong việc cải thiện mua hàng có trách nhiệm hơn trong ngành dệt may, cũng như có kế hoạch phân loại hay đảm bảo chuỗi cung ứng.

Các nhà xuất khẩu dệt may cũng cần phải thấy rằng trên lộ trình phục hồi nhu cầu may mặc của toàn cầu từ cuộc khủng hoảng Covid-19 vốn đã “khoét sâu” thêm sự chênh lệch hiệu suất rõ rệt giữa các thị trường, thì vẫn sẽ có “kẻ thắng người thua” ở các cấp khu vực và cấp thị trường khác nhau. Tức là kẻ thắng thì vẫn sẽ thắng, còn người thua thì vẫn cứ thua.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khi-det-may-xac-dinh-ranh-gioi-do-1076322.html