Khi điện ảnh hút khách du lịch

Tại Liên hoan phim quốc tế Cannes - một trong những liên hoan phim uy tín và danh giá nhất thế giới vừa diễn ra tại Pháp, đoàn Việt Nam tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều hoạt động quảng bá điện ảnh, du lịch và văn hóa đặc sắc. Đây có thể nói là cơ hội 'vàng' không chỉ cho điện ảnh mà cho cả du lịch, khi xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với điện ảnh ngày càng được ưa chuộng...

Du lịch hưởng lợi từ các bộ phim

Trong "Đêm Điện ảnh Việt Nam", một số bộ phim mới của điện ảnh Việt Nam đã được giới thiệu. Cùng với đó là tiềm năng bối cảnh quay phim và các điểm đến du lịch hấp dẫn… với thông điệp chính gửi tới các đạo diễn, nhà sản xuất và đại diện ngành du lịch là "Việt Nam chào đón và sẵn sàng hợp tác với các nhà làm phim quốc tế". Đây có thể nói là thêm một cơ hội rất mở trong việc quảng bá du lịch, quảng bá các điểm đến, các danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Hồ Thu Anh, Kaity Nguyễn quảng bá điện ảnh Việt tại Cannes. Ảnh: VTV

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Hồ Thu Anh, Kaity Nguyễn quảng bá điện ảnh Việt tại Cannes. Ảnh: VTV

Du lịch Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 có sự khởi sắc đáng kể. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đã đạt kỷ lục, với hơn 6 triệu lượt. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy xu hướng này chính là điện ảnh. Các bộ phim được quay tại những địa điểm du lịch nổi tiếng đã khơi dậy sự tò mò, truyền cảm hứng và thúc đẩy nhu cầu khám phá của rất nhiều du khách.

Điển hình như Ninh Bình. Nhờ những cách làm đột phá và sáng tạo trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh Ninh Bình đã được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim bom tấn. Như “Kong: Skull Island” (Đảo Đầu lâu), “Khát vọng Thăng Long”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Về nhà đi con”, “Trạng Tí”, “Hương vị tình thân”, “Vui lên nào anh em ơi”… Có thể nói, Ninh Bình đang trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế.

Còn thông tin từ Sở Du lịch thành phố Huế, sau mỗi tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang, như “Mắt biếc”, “Em và Trịnh”, “Linh Miêu - Quỷ nhập tràng”… lượng khách tìm đến các địa danh xuất hiện trong phim thường tăng rõ rệt, góp phần giới thiệu và quảng bá những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô, đưa hình ảnh Huế đến gần hơn với mọi người, nhất là giới trẻ và du khách quốc tế.

Một trong những bộ phim gây sốt phòng vé năm 2024 chính là “Bố già” của Trấn Thành. Tuy nhiên, thêm một hiệu ứng tích cực từ bộ phim này là nó đã làm sống dậy không khí Sài Gòn xưa với hình ảnh lãng mạn, đầy chất hoài niệm và khiến người ta chỉ muốn khoác balo tìm đến để chụp ảnh, trải nghiệm không khí như trong cảnh phim.

Tại sự kiện “Đêm Điện ảnh Việt Nam”, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống văn hóa, sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt là con người nhân hậu, cởi mở. Những giá trị ấy chính là chất liệu quý báu cho điện ảnh - loại hình nghệ thuật có sức mạnh lan tỏa và kết nối đặc biệt.

Du lịch và văn hóa tạo sức mạnh cộng hưởng

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy nơi nào phát triển được tính liên ngành trong văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng với phát triển du lịch.

“Du lịch và văn hóa tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Du lịch thụ hưởng giá trị mà công nghiệp văn hóa tạo ra như ẩm thực, điện ảnh, thiết kế, âm nhạc... Trong bối cảnh công nghệ số, truyền thông đa phương tiện bùng nổ, kích hoạt nhu cầu tiêu dùng ở các trung tâm công nghiệp văn hóa, đã đặt ra vấn đề cạnh tranh càng lớn giữa các điểm đến du lịch và đòi hỏi địa phương muốn phát triển du lịch cần phải kể được những câu chuyện văn hóa thông qua sản phẩm du lịch” - bà Phương nhấn mạnh.

Nêu câu chuyện về thành công của Ninh Bình, bà Phương cho biết đây là địa phương giàu tiềm năng và lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch dựa nhiều vào lợi thế văn hóa. Muốn du lịch phát triển mạnh cần có sản phẩm văn hóa hấp dẫn. Ngược lại, công nghiệp văn hóa muốn phát triển cần gắn với điểm đến du lịch.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới. Đây chính là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của các bộ phim như “Kong: Skull Island” cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood.

Bà Park Eun Jung - Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát, khi lựa chọn Hàn Quốc làm điểm đến du lịch, 8,7% du khách nước ngoài cho biết họ cân nhắc các địa điểm liên quan đến Làn sóng văn hóa Hàn Quốc, bao gồm K-pop, các buổi biểu diễn của nghệ sĩ hoặc phim trường của các bộ phim, chương trình truyền hình Hàn Quốc.

Bà Park Eun Jung dẫn chứng về thành phố Suwon gắn với phim Cõng anh mà chạy (Lovely Runner), bãi biển Jumunjin trong phim “Yêu tinh” (Goblin), các địa điểm quay phim “Quý ngài Ánh dương” (Mr. Sunshine) đã và đang thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh, check-in.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng triển khai các hoạt động hợp tác với các quốc gia, mời các đoàn làm phim nước ngoài đến Hàn Quốc quay phim rồi chiếu ở các nước đó. Những cách làm này mang lại hiệu quả vô cùng ấn tượng.

Theo nhận định của TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đầy tiềm năng của ngành điện ảnh khi trở thành một điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh của khu vực châu Á trong lĩnh vực làm phim. Và Cannes không không chỉ là cơ hội để giới thiệu năng lực điện ảnh Việt Nam, mà mở ra hướng đi mới trong khai thác tiềm năng to lớn của du lịch thông qua điện ảnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia chúng ta không nên du lịch hóa điện ảnh, tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến.

Ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure cho biết, xu thế du lịch đang có nhiều thay đổi khi 70% du khách tự đi du lịch, không thông qua các doanh nghiệp lữ hành. Việc này cho thấy tầm quan trọng của việc quảng bá thương hiệu điểm đến tới từng du khách. Nhiều nghiên cứu khẳng định văn hóa, âm nhạc, phim ảnh… góp phần lớn trong việc quảng bá điểm đến tới du khách quốc tế.

Mai Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-dien-anh-hut-khach-du-lich-10306347.html