Khi điền kinh Việt Nam bước ra 'sông dài'...

Sau một thời gian dài không dự giải vô địch châu Á, đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng có cơ hội đo sức mình ở giải vô địch châu Á 2023, diễn ra ở Thái Lan. Ở giải đấu đó, các VĐV Việt Nam thêm một lần trải nghiệm 'con sông dài' để biết mình đang ở đâu sau khi từng làm mưa làm gió ở 'cái ao' SEA Games.

Tấm HCV giàu ý nghĩa tinh thần

Đội tuyển điền kinh Việt Nam đã cử tới giải vô địch châu Á 2023 tất cả VĐV tốt nhất của mình, trong đó có những VĐV trẻ giàu tiềm năng và cả những cựu binh đã sang sườn dốc sự nghiệp. Cũng phải kể thêm, giải vô địch châu Á chỉ diễn ra khoảng hơn 6 tuần trước ngày khai mạc ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc), được các nước xem như cuộc tập dượt, đánh giá trình độ VĐV trước thềm ASIAD. Như giới chuyên môn ví von, ở châu Á, thì nếu coi SEA Games như “cái ao” thì giải vô địch châu Á như con “sông dài” và ASIAD như “biển rộng”.

Đội chạy 4x400m nữ Việt Nam giành HCV tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023.

Đội chạy 4x400m nữ Việt Nam giành HCV tại giải vô địch điền kinh châu Á 2023.

Đúng là điền kinh Việt Nam từng làm mưa làm gió ở SEA Games và đến kỳ SEA Games 32 vừa qua mới lại để mất ngôi đầu Đông Nam Á vào tay người Thái Lan nhưng rõ ràng, đến giải vô địch châu Á lại là câu chuyện khác. Như tại giải vô địch châu Á năm nay, kể cả khi các VĐV Trung Quốc, Bahrain không tham dự nhiều nội dung thì các đội khác cũng vẫn tạo nên sân chơi trình độ cao, nhiều khi quá tầm với các VĐV Việt Nam.

Thế mới có chuyện chân chạy nữ trung bình dài và vượt chướng ngại vật số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Oanh đã không thể giành huy chương nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và 1.500m nữ như kỳ vọng. Một phần lý do dẫn đến sự không thành công này được chỉ ra do cô gái người Bắc Giang bị ốm trước khi thi đấu. Nhưng kể cả khỏe khoắn thì cô cũng khó san lấp thành tích với các VĐV ở nhóm 3 người dẫn đầu.

Trong khi đó, nhà vô địch SEA Games 32 nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam Nguyễn Trung Cường thậm chí còn không thể hoàn thành cuộc đua ở nội dung sở trường 3.000m vượt chướng ngại vật nam. Phải vào thế rượt đuổi các đối thủ có trình độ cao hơn, chân chạy này đã không thể trụ cho đến hết cuộc đua, đành bỏ cuộc.

Trong khi đó, nhà đương kim vô địch ASIAD Bùi Thị Thu Thảo cũng chỉ có thể chinh phục được mức nhảy 6m22. Khi chỉ còn 6 tuần nữa là khai mạc ASIAD, thật khó tin nếu nhà vô địch ASIAD 18 này tạo được đột phá về thành tích. Và nếu cô gái này không tham dự ASIAD 19 thì cũng không bất ngờ.

Tất nhiên, trong hành trình tại giải của đội tuyển điền kinh Việt Nam còn những điểm sáng như tấm HCV nội dung 4x400m nữ, hay việc chân chạy Trần Thị Nhi Yến vào chung kết nội dung cá nhân 100m nữ… Trong đó, việc bộ tứ Nguyễn Thị Huyền – Nguyễn Thị Hằng – Hoàng Thị Minh Hạnh – Nguyễn Thị Ngọc lên ngôi vô địch nội dung 4x400m nữ đã khẳng định được tiềm năng của nội dung thế mạnh mà điền kinh Việt Nam đã duy trì trong hơn 6 năm qua. Điều đó khiến bầu không khí ở đội tuyển điền kinh Việt Nam thêm nhiều gam màu sáng sau nhiều ngày chờ đợi. Và về mặt nào đó, cũng khiến đội tuyển điền kinh Việt Nam còn nhìn thấy cơ hội tranh chấp huy chương tại ASIAD 19 tới.

Ông Nguyễn Đức Nguyên – bộ môn điền kinh (Cục TDTT), người thường gắn bó với các đội tuyển trẻ quốc gia, cho rằng, không chỉ là sự khẳng định mình của những chân chạy quen thuộc như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng mà sự tự tin khẳng định mình của những VĐV trẻ trưởng thành ở đội tuyển trẻ quốc gia như Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc trong tấm HCV 4x400m nữ tại giải vô địch châu Á 2023. Đây cũng là điều đáng ghi nhận, là dấu hiệu tích cực ở một nội dung thế mạnh này của điền kinh Việt Nam.

Nhìn ra “biển rộng”

Nếu chỉ lấy thành tích tại giải vô địch châu Á làm thước đo để hướng đến ASIAD sẽ thấy hành trình ra “biển rộng” sắp tới của điền kinh Việt Nam sẽ không hề dễ dàng. Ngay như thành tích của đội 4x400m nữ (3 phút 32 giây 36) dù cao hơn thành tích của chính mình ở SEA Games 32 vừa qua, nhưng chưa đủ tranh chấp HCV tại ASIAD 19.

Những người làm chuyên môn đã lưu ý đến việc Trung Quốc, Bahrain không cử VĐV tham dự nội dung này ở giải vô địch châu Á trong khi đây là hai đội sẽ tranh chấp HCV ở ASIAD 19. Như thế để thấy việc giành HCV giải vô địch châu Á cũng không đồng nghĩa với việc sẽ có huy chương ở ASIAD tới.

Đơn thuần, đó chỉ là “bước đệm” để đạt thành tích tốt ở ASIAD 19 như bộc bạch của chân chạy Nguyễn Thị Huyền. Không kể, chiến thuật giành HCV tại giải năm nay dù gây bất ngờ với các đối thủ nhưng cũng đồng nghĩa tạo ra một cơ hội khác để các đối thủ nghiên cứu chiến thuật của đội chạy 4x400m nữ Việt Nam. Và như thế, người ta lại phải mong Ban huấn luyện có các “con bài tẩy” về mặt chiến thuật để có thể đua tranh tấm HCĐ với các đối thủ khác tại ASIAD 19.

Cũng ở giải này, đội tuyển điền kinh Việt Nam còn giành 1 HCĐ ở nội dung nhảy 3 bước nữ của Nguyễn Thị Hường. Tuy vậy, thành tích 13m68 của chân nhảy đến từ đơn vị Hà Nội cũng không bảo đảm sẽ giành huy chương ASIAD 19. Đơn giản vì cách đây hơn 4 năm, tại ASIAD 18, để giành HCĐ, chân nhảy Vũ Thị Mến đã phải đạt thành tích 13m93. Thế nên, tấm HCĐ của Nguyễn Thị Hường hoàn toàn chỉ có thể xét về mặt huy chương và thống kê khi đây là tấm HCĐ đầu tiên của điền kinh Việt Nam ở nội dung nhảy 3 bước nữ tại đấu trường vô địch châu Á.

Còn những gương mặt khác của điền kinh Việt Nam, trong đó có cả Nguyễn Thị Oanh, sẽ phải chứng tỏ nhiều hơn nữa để có thể ganh đua huy chương tại ASIAD hoặc ít nhất là vào chung kết của từng nội dung tham dự.

Chỉ mới dự giải vô địch châu Á nhưng đã cho thấy điền kinh Việt Nam sẽ phải rất vất vả để chinh phục dù chỉ tấm HCĐ ở ASIAD tới. Trong khi đó, việc giành chuẩn tham dự Olympic 2024 sẽ càng xa vời và gần như chắc chắn điền kinh Việt Nam sẽ phải góp mặt bằng vé đặc cách. Cho nên, ngay từ lúc này, không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục đầu tư vào các lớp VĐV trẻ để có thể tạo nguồn, ít nhất cũng giữ ngôi đầu khu vực và luôn bảo đảm cơ hội tranh chấp huy chương ở ASIAD.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/khi-dien-kinh-viet-nam-buoc-ra-song-dai--i700925/