Khi diễn viên ăn, ngủ ở bãi rác để làm phim 'Cuộc đời vẫn đẹp sao'

'Cuộc đời vẫn đẹp sao' đang là bộ phim truyền hình gây chú ý nhất thời điểm hiện tại, trên sóng giờ vàng VTV.

Rating dẫn đầu cả nước

Lên sóng từ đầu tháng 4 “Cuộc đời vẫn đẹp sao” là bộ phim tiếp theo do đạo diễn Danh Dũng cầm trịch, VFC sản xuất gây chú ý ngay từ những tập đầu lên sóng.

Theo số liệu do đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam thường xuyên dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, có rating trên 4%.

Dàn diễn viên trong phim

Dàn diễn viên trong phim

Trên fanpage VTV Giải trí, mỗi video trích đoạn thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đỉnh điểm, có đoạn video còn đạt 4,3 triệu lượt xem. Lượng tương tác này không thua kém những phim bom tấn trước đó như “Đừng làm mẹ cáu” hay “Thương ngày nắng về”.

Sức hút của phim cũng kéo theo hàng loạt những giá trị khác cho nhà phát hành, đặc biệt là con số khủng thu về từ quảng cáo.

Theo Thông báo số 110/2018 của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình TVAD, trước khung giờ phát sóng “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (trước 21h40 thứ hai, ba, tư hàng tuần) trên VTV3, giá mỗi block quảng cáo 30 giây là 127,3 triệu đồng. Nếu quảng cáo phát trong phim thì giá được đẩy lên 136,4 triệu đồng cho mỗi 30 giây.

Đạo diễn Danh Dũng (ngoài cùng bên trái) và dàn diễn viên ở hậu trường phim

Đạo diễn Danh Dũng (ngoài cùng bên trái) và dàn diễn viên ở hậu trường phim

Vốn là đạo diễn bảo chứng chất lượng với các bom tấn truyền hình về gia đình như “Về nhà đi con” và “Hương vị tình thân”, nhưng ở “Cuộc đời vẫn đẹp sao” lại là một màu sắc mới mẻ của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng.

Cũng là cuộc sống đời thường, nhưng đưa khán giả ra khỏi những khung cảnh xa hoa, bóng bẩy, để đến với khu chợ bình dân và những xóm trọ ven sông cư ngụ đủ hạng người nơi thị thành sầm uất. Trên phông nền ấy, dàn nhân vật chính cũng không còn là mô-típ doanh nhân, giám đốc hay nữ tú, giàu có, thành đạt thường thấy mà là những phận đời ở dưới đáy.

“Tôi đọc kịch bản này của Khánh Hà và rất thích. Lâu rồi, phải 20 năm sau “Chuyện phố phường”, tôi mới lại làm phim về người lao động. Tôi muốn khán giả chia sẻ, cảm nhận cuộc sống và hoàn cảnh của họ nhiều hơn. Tôi muốn khai thác đề tài này một cách nhân văn nhất, để nói rằng dù cuộc sống như thế nào, họ vẫn vươn lên và yêu mến cuộc đời”, đạo diễn tâm sự.

Kỳ công xây dựng bối cảnh ở xóm lao động nghèo

Phim làm về những người lao động nghèo ở một xóm chợ, nên bối cảnh cũng hoàn toàn đặt ở một khu xóm chợ thực tế tại chợ Long Biên. Đạo diễn Danh Dũng cho biết, đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian để tìm tòi, xây dựng một bối cảnh thật tại đó, để chủ động hơn cho việc quay phim.

Bối cảnh hoang tàn của xóm trọ nghèo trong phim

Bối cảnh hoang tàn của xóm trọ nghèo trong phim

Chịu trách nhiệm trực tiếp ở khâu xây dựng bối cảnh, họa sĩ Đức Thọ tiết lộ, chỉ một vài bối cảnh nhỏ được thuê, còn những ngôi nhà lụp xụp, nghèo nàn trong xóm trọ nghèo của các nhân vật chính trong phim đều được dựng mới, ngay sau chợ Long Biên, thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

“Hai bối cảnh chính trong phim là phòng của mẹ con bà Tình (NSƯT Thanh Quý) - Luyến (Thanh Hương) và phòng Lưu (NSƯT Hoàng Hải). Trong đó, phòng của Luyến phải dựng mới hoàn toàn ngay giữa bãi rác, còn phòng Lưu thì cải tạo trên nền đất có sẵn.

Khi dựng xong khung các phòng trọ, chúng tôi phải tìm kiếm các vật liệu cũ, đồ dùng cũ để lắp "nội thất", thậm chí những thứ không cũ thì phải làm cho cũ đi. Ví dụ như giường, tủ bàn, mái tôn, vật dụng bằng sắt đều phải sử dụng hóa chất để làm phai màu.

Ngoài ra ở đó mỗi khi mưa xuống là nước cuốn trôi hết phần nền nhà vì phòng Luyến ở chỗ trũng, thời điểm mới quay là những tháng mưa phùn của miền Bắc, ở đó rất bẩn. Ai từ bối cảnh đi ra trông như vừa đi cấy về.

Làm phim về người lao động nghèo, nếu bối cảnh không chân thực, phù hợp thì không chỉ gây phản cảm với khán giả mà ngay cả diễn viên cũng khó bắt cảm xúc. Điều tôi trăn trở nhất là phải làm sao để bối cảnh mới dựng ăn nhập cùng quần thể đã có sẵn.

Đó còn chưa kể, chúng tôi cũng bị áp lực về tiến độ, phải hoàn thành khâu tiền kỳ trong một thời gian ngắn để kịp quay và phát sóng. Chúng tôi chỉ có hơn 1 tuần từ khi tìm bối cảnh, chốt phương án và tiến hành dựng bối cảnh”, vị họa sĩ tâm sự.

Ngoài bối cảnh xóm lao động, phim còn có nhiều cảnh quay ở khu chợ đầu mối Long Biên. Vì đặc thù là chợ đầu mối nên nơi này hoạt động mạnh từ khoảng 9h tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau.

Để thuận lợi cho việc quay phim, sắp xếp bối cảnh và thu tiếng trực tiếp, cả đoàn phải chọn thời điểm chợ không được đông quá để ghi hình, thông thường, từ 7h đến 23h hàng ngày. Với những những cảnh bắt buộc cần đông người, ê-kíp đành chọn lúc chợ họp.

Không chỉ khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh, họa sĩ cho biết thêm, việc di chuyển vào khu trọ nghèo cũng rất vất vả, đường đi vào quá nhỏ nên xe ô tô không vào được, ê-kíp phải thuê xe kéo chở các thiết bị ghi hình. Sau đó, đoàn phải thuê một phòng để gửi lại một số thiết bị rồi quay hết đợt lại chuyển đi. “Thông thường mỗi khi ra vào bối cảnh này chúng tôi mất gần cả buổi sáng”, họa sĩ Đức Thọ kể.

Ăn, ngủ ở bãi rác để làm phim

Tái hiện cuộc sống của những người lao động nghèo, đồng nghĩa rằng các diễn viên trong phim phải từ bỏ vẻ ngoài long lanh ngày thường - để nhập vào những nhân vật có vẻ bề ngoài xù xì, gai góc.

Những ngày quay phim, cả đoàn phải ăn, ngủ cạnh bãi rác, cạnh miệng cống nước thải đen ngòm, bất kể trời mưa ngập lụt hay những ngày trời nóng hơn 40 độ C là điều không còn xa lạ.

Bối cảnh tại nơi đoàn phim ghi hình

Bối cảnh tại nơi đoàn phim ghi hình

“Lần đầu bước vào căn nhà của nhân vật tôi đã đứng hình mất vài phút vì trong nhà không có gì cả, sàn cũng toàn cát sỏi. Vào mùa nồm, nền nhà lúc nào cũng bẩn thỉu, nhem nhuốc. Trời thì đổ mưa, tóc tai chúng tôi ướt nhẹp. Ăn cơm mà xung quanh có cả mùi hôi, nhưng lâu dần chúng tôi thấy quen.

Hơn nữa, đã bắt tay vào làm, chúng tôi không còn cách nào khác là cố gắng. Khi nhận được sự yêu mến từ khán giả, tôi thấy sự lăn xả của chúng tôi được ghi nhận”, Thanh Hương tâm sự.

Còn diễn viên Minh Cúc hài hước tâm sự: “Cả đoàn gần như sống cùng rác để có được những cảnh quay chân thật. Nắng lên thì bốc mùi nồng nặc. Nhưng hôm nào được nghỉ quay cũng nhớ mùi ấy lắm. Quãng thời gian quay, chúng tôi đã hòa nhập, hiểu thêm cuộc sống người dân nơi đây. Điều đó trợ giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc nhập vai".

Bên cạnh đó, khi hóa thân thành những người lao động, diễn viên vừa phải thoại, vừa phải khuân vác, kéo những chiếc xe hàng nặng trịch hay những phân cảnh nhân vật xô xát, bị kéo lê trên nền đất... Do đó, hầu như diễn viên nào cũng thương tích đầy mình. “Khi nào đạo diễn hô “cắt” là ngồi thở không ra hơi”, Minh Cúc kể lại về những cảnh quay đáng nhớ.

NSƯT Hoàng Hải và diễn viên Minh Cúc trong một cảnh quay

NSƯT Hoàng Hải và diễn viên Minh Cúc trong một cảnh quay

“Cuộc đời vẫn đẹp sao” dự kiến kéo dài 30 tập. Những ngày Hà Nội tháng 5 nóng như đổ lửa, đội ngũ làm phim vẫn phải “chạy đua với thời tiết” để thực hiện các cảnh quay cho những tập phim cuối cùng. Phim được làm hình thức cuốn chiếu khiến ê-kíp cũng chạy nước rút.

Nhịp độ làm việc dày đặc, áp lực thời gian nhưng ê-kíp không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại, không khí vui tươi như một gia đình lúc nào cũng tràn ngập ở đoàn phim.

“Phim nào cũng có sự vất vả và cái khổ riêng. Nhưng khi tới đoàn phim, chúng tôi như một gia đình, cùng sự đồng cam cộng khổ và chia sẻ với nhau. Bởi đặc thù công việc rất vất vả diễn từ sáng đến tối trong một thời gian dài liên tục nên anh em rất thân thiết, hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong cảnh quay mà cả khi ở hậu trường.

Chúng tôi san sẻ cho nhau từ lọ xịt muỗi, đến từng nắm xôi ăn sáng. Kể cả khi hoàn thành những cảnh phim khó, không thở nổi, mệt mỏi vì thế cũng tan biến hết”, NSƯT Hoàng Hải tâm sự.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-dien-vien-an-ngu-o-bai-rac-de-lam-phim-cuoc-doi-van-dep-sao-d592487.html