Khi doanh nghiệp đồng hành cùng xã hội

Có thể nói, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển của xã hội mà còn đảm bảo thành công bền vững cho chính DN.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện trách nhiệm xã hội là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN Việt Nam, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN, đồng thời là một trong những yếu tố tiên quyết đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra lựa chọn đầu tư. Tại Việt Nam, đã có nhiều DN tiếp cận và đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, qua đó tạo nên thương hiệu của riêng mình trên thương trường.

Những tên tuổi lớn như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Bảo Việt, CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tập đoàn FPT… không còn xa lạ với giới đầu tư, bởi đây đều là những DN được biết đến với hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng ổn định, đồng thời nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết trách nhiệm xã hội trong nhiều năm liền. Song hành cùng hình ảnh DN là thương hiệu cá nhân của đội ngũ lãnh đạo, những doanh nhân nổi tiếng với việc kiên quyết đưa ra định hướng đối với toàn Cty về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Đồng hành cùng xã hội được coi là trách nhiệm nhưng cũng mang tới nhiều lợi ích rõ rệt nhất đối với các DN trong cộng đồng.

Đồng hành cùng xã hội được coi là trách nhiệm nhưng cũng mang tới nhiều lợi ích rõ rệt nhất đối với các DN trong cộng đồng.

Đơn cử như Cty Toyota Việt Nam vừa qua đã tiếp tục trao tặng 115 suất học bổng, nâng tổng số học bổng sau 23 năm triển khai lên tới hơn 2.000 suất được trao nhằm khuyến khích tinh thần học tập của các em sinh viên – thế hệ trẻ quyết định đến sự phát triển của đất nước trong tương lai. Vượt lên trên giá trị vật chất mà học bổng mang lại, chương trình thể hiện tấm lòng thành và nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển cộng đồng của Toyota Việt Nam với triết lí xây dựng một Cty phát triển hài hòa cùng cộng đồng sở tại. Triết lí đó được vun đắp song hành cùng sự trưởng thành của Cty. Từ những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực đó, cho đến nay, các hoạt động vì cộng đồng của Toyota được phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu trên nhiều lĩnh vực như an toàn giao thông, giáo dục, môi trường và văn hóa xã hội.

Trên thực tế, còn rất nhiều tấm gương DN khác trong việc tiên phong hướng đến phát triển bền vững, đặc điểm chung của những DN này là đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, thường là những DN đầu ngành, cổ phiếu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Điều này không quá khó hiểu, bởi khái niệm phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội tuy vẫn còn mới mẻ so với các DN đa phần có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam nhưng không còn quá xa lạ, bởi vậy những Cty hướng tới phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội là những người đi đầu và đạt được thành công nhất định.

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2016, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin chính thức có hiệu lực, trong đó, điểm mới nổi bật chính là DN đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Quy định mới này nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường trách nhiệm của DN đại chúng đối với môi trường và xã hội. Nội dung liên quan tới phát triển bền vững sẽ được đưa vào Báo cáo thường niên hoặc lập Báo cáo phát triển bền vững riêng.

Quy định này được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm tích cực của Việt Nam trong việc hướng đến phát triển bền vững. Có thể thấy, với việc ký kết hàng loạt hiệp định đa phương, song phương, “sân chơi” mới mà Việt Nam tham gia sẽ rộng hơn, chuyên nghiệp hơn và đương nhiên những tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn. Đã đến lúc các DN Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện các tiêu chuẩn tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, bởi càng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, cơ hội cạnh tranh của DN càng được nâng cao.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khi-doanh-nghiep-dong-hanh-cung-xa-hoi-166914.html