Khi doanh nhân 'vác tù và hàng tổng'

QĐND -Một cựu chiến binh (CCB) mẫu mực, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố mẫn cán, hết lòng với nhân dân hay một doanh nhân giản dị, thành đạt... tất cả đều hội tụ ở con người bà Nguyễn Thị Kim Loan (62 tuổi), ở tổ dân phố 11, phường Hoa Lư (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Người dân ở đây gọi bà là 'Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố của nhân dân', còn bản thân bà Loan chỉ tâm niệm phải làm tròn bổn phận của người đầy tớ nhân dân như Bác Hồ căn dặn.

Tổ trưởng dân phố... dân không cho nghỉ

“Tôi nghỉ hưu gần 3 năm nay và định chuyển vào TP Hồ Chí Minh sống với các con, nhưng vì chị tổ trưởng tổ dân phố tốt quá mà lần lữa mãi không thể dứt ra đi được”. Bà Lại Thị Roan (63 tuổi), giáo viên về hưu, trú tại tổ dân phố 11 (phường Hoa Lư) đã nói về bà Loan như vậy. Mới nghe qua, chúng tôi không nhịn được cười, nhưng khi về tổ dân phố 11 thì mới thấm thía lời bà Roan.

Tổ dân phố 11, phường Hoa Lư nằm ở trung tâm TP Pleiku, có 641 hộ dân thì có gần 180 hộ từ nơi khác đến ở trọ, làm ăn. Trước đây, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội khá phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, trộm cắp, mất an toàn giao thông… Năm 2009, khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Long thì bà Loan được đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 11. Từng là quân nhân, rồi cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai nghỉ hưu, bà Loan nghĩ đây là cơ hội để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, cho nhân dân. Và bà bắt đầu công việc của một “người vác tù và hàng tổng” tận tụy, trách nhiệm.

 Bà Nguyễn Thị Kim Loan kiểm tra nhân viên công ty.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan kiểm tra nhân viên công ty.

Từ đó, người dân thấy khi thì bà bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố đến “từng ngõ, gõ từng nhà” phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho người dân, hướng dẫn họ cách kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; khi thì bà có mặt ở những “điểm nóng” để hòa giải tranh chấp đất đai, bất hòa trong gia đình, hàng xóm láng giềng. Không nề hà khi nhận được tin báo của người dân lúc 1-2 giờ sáng để giải tán nhóm thanh niên tụ tập ăn nhậu, quậy phá… Rồi chuyện bà bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào để làm đường, hội trường tổ dân phố, lắp đặt bóng điện ở các tuyến đường, loa phát thanh, thành lập đội văn nghệ xung kích phục vụ nhân dân, chi phí gần 500 trăm triệu đồng mà gia đình bà đóng góp phần lớn, được người dân tổ dân phố 11 kể lại với sự kính trọng, ngưỡng mộ.

“Sau gần 4 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và tổ dân phố 11 bây giờ cũng trở thành khu đô thị văn minh, tiêu biểu của TP Pleiku, bà đã có ý định xin nghỉ chưa?”, chúng tôi hỏi bà Loan.

“Tôi cũng có lần xin nghỉ rồi nhưng đảng viên và nhân dân không cho. Nhiều người dân còn đến tận nhà chỉ để xin tôi làm một việc: Làm tổ trưởng dân phố của họ. Thôi thì còn chút sức lực nào đóng góp được cho xã hội, cho nhân dân thì cố gắng làm”, bà Loan trải lòng với chúng tôi. Trong khi đó, ngoài công việc của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, hội viên Hội CCB TP Pleiku thì áp lực kinh doanh, công việc gia đình cũng chiếm hết thời gian, công sức của bà. Phải có sức khỏe dẻo dai, nghị lực lớn và tinh thần say mê lao động thì bà Loan mới “tròn vai” trên các cương vị được.

Làm việc để tri ân nhân dân

Bà Ngô Thị Ngân (70 tuổi), ở tổ dân phố 11 (phường Hoa Lư) chia sẻ: “Ai đời nào một doanh nhân giàu có mà trưa ngồi ăn bánh mì với người lao động nghèo trên hè phố. Không phải một bữa mà thường xuyên, hỏi ra thì mới biết tiền trong ví đã cho hết người nghèo rồi”. Nhưng khi chúng tôi đến Công ty cổ phần Nam Long, ở số 40A, 40B, đường Phan Đình Phùng (TP Pleiku) thì thấy một hình ảnh khác về bà Loan. Một chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc công ty hoạt bát, cương quyết trong lãnh đạo, điều hành công việc. Bà đã gắn hoạt động kinh doanh với trách nhiệm xã hội, hỗ trợ CCB, người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài Công ty cổ phần Nam Long, bà Loan còn mở thêm cơ sở mầm non Hoa Sen, phòng tập GYM, doanh thu mỗi năm gần 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30 người lao động có thu nhập ổn định 8-12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, cơ sở mầm non và phòng tập GYM giảm học phí hoặc miễn phí hoàn toàn cho các gia đình người có công, hộ nghèo trên địa bàn, nhân viên trong công ty. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, bà Loan và gia đình trao hàng trăm suất quà tặng người nghèo, thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Bà cũng cho gia đình người có công, hộ nghèo, CCB vay hơn 200 triệu đồng không tính lãi để làm sinh kế thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Lối sống giản dị, đức tính khiêm nhường của bà Loan tạo niềm tin, sự kính trọng cho bất kỳ ai khi tiếp xúc, nói chuyện với bà dù chỉ một lần. Bà có lẽ là nữ doanh nhân duy nhất chúng tôi thấy không xe hơi, không đồ hiệu, không dùng bất kỳ đồ trang sức nào. Nhưng lại không tiếc bất cứ thứ gì khi hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và nhân viên công ty. Hơn 30 cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty gọi bà bằng mẹ. Và người mẹ đó luôn quan tâm, chăm sóc "các con" hết mực. Chị Trần Thị Ánh Hồng (31 tuổi), thủ kho của công ty, ở tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, kể: "Năm 2008, tôi bắt đầu làm việc cho Công ty cổ phần Nam Long. Hơn 4 năm trời cô cho tôi mượn nhà để ở không lấy tiền. Khi tôi gặp khó khăn cô cho hai chỉ vàng để giải quyết công việc. Ngày tôi lập gia đình rồi ra ở riêng cô đến mua ti vi và sắm nhiều vật dụng sinh hoạt cho vợ chồng. Mấy tháng nay, tôi nghỉ chữa bệnh, cô sợ tôi thiếu ăn nên thường xuyên mang gạo, đồ ăn đến và động viên tôi sớm bình phục để đi làm lại. Cô chưa bao giờ coi chúng tôi là cấp dưới, là chủ tớ, mà coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Cuộc đời tôi may mắn vì được gặp cô”, chị Hồng xúc động nói.

Chúng tôi mang những việc mắt thấy, tai nghe nói lại với bà Loan. Nữ doanh nhân không giải thích việc mình đã làm, cũng không cho đó là việc to tát, cao siêu, mà đơn giản là việc phải làm của một đảng viên noi gương Bác và làm theo Bác. Bà kể cho tôi nghe những cử chỉ, lối sống giản dị, thanh cao của Bác Hồ. Thú thật, những câu chuyện về Bác, một phần chúng tôi đã đọc, đã nghe, đã biết, nhưng được nghe kể từ một doanh nhân với sự kính trọng Người vô hạn thì đây là lần đầu tiên. “Bác Hồ của chúng ta là Chủ tịch nước mà cả đời cũng chỉ đi dép cao su. Vì thế, mình là người kinh doanh thì sao có quyền đòi hỏi điều gì hơn được...”. Bà cũng kể, cha của bà người Bình Định tập kết ra Bắc lấy vợ ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Sau ngày đất nước giải phóng bà và gia đình vào An Khê (Gia Lai) sinh sống. Năm 1979, bà xung phong đi bộ đội khi đang là cán bộ Huyện đoàn An Khê. Hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ bà về làm cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai cho đến khi nghỉ hưu năm 2007. “Những gì cô có hôm nay là nhờ quan điểm, chủ trương, cơ chế lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước ta; sự giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân đội; nhờ mảnh đất Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa, con người nghĩa tình, cần cù lao động. Và những việc cô làm là để góp phần tri ân những con người, tổ chức, quê hương đã tương hỗ, nuôi dạy, giúp cô tiến bộ, trưởng thành”, bà Loan chia sẻ.

Mải câu chuyện với bà Loan, nên khi chúng tôi rời khỏi căn nhà nhỏ trên đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP Pleiku) thì trời cũng đã đứng bóng, nhưng vẫn còn rất đông người dân tổ dân phố 11 đang hàn huyên, trò chuyện với chủ nhà. Ông Nguyễn Tây, chồng bà Loan tiễn chúng tôi ra cửa, rồi tươi cười như để giải thích: “Nhà tôi chủ nhật như hội chợ, không tập văn nghệ thì bà con cũng đến chơi chật nhà. Tôi phải dậy sớm om mấy ấm chè mới đủ uống”.

Khi chúng tôi đi xa, tiếng nói, tiếng cười bên những ly chè xanh vẫn râm ran vọng theo, khiến lòng thêm cảm nhận sâu sắc hơn lời Bác Hồ dạy: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt".

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/khi-doanh-nhan-vac-tu-va-hang-tong-597674