Khi 'đồng tiền' nặng hơn 'chữ hiếu'

Bà H (84 tuổi), cái tuổi 'xưa nay hiếm' đang mang trong mình căn bệnh tim nhưng bất đắc dĩ phải 'đáo tụng đình' để đòi lại khoản tiền 'dưỡng già' bị chính con gái ruột của mình mượn mà không chịu trả.

TAND quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) vừa đưa ra xét xử một vụ án dân sự khá đặc biệt, bà H kiện con gái ruột của mình để đòi lại số tiền hơn 3 tỷ đồng mà bà đã cho con mượn để mua nhà nhưng qua 4 năm, con bà vẫn không chịu trả.

Giọng run run xúc động, bà H chia sẻ, tôi có tất cả 6 người con, 5 trai, một gái. Tháng 6/2020, tôi may mắn trúng được 4 tờ vé số độc đắc, số tiền lĩnh thưởng sau khi trừ thuế còn 7,2 tỷ đồng. 2 ngày sau khi nhận thưởng, tôi kêu các con lại và chia cho mỗi đứa 500 triệu đồng.

Bà H, 84 tuổi bất đắc dĩ phải "đáo tụng đình" để kiện con gái mình

Bà H, 84 tuổi bất đắc dĩ phải "đáo tụng đình" để kiện con gái mình

Do trong gia đình chỉ có L là con gái duy nhất nên từ trước đến nay tôi đều dành tình thương nhiều hơn cho L và tặng cho L rất nhiều tài sản.

“Ngày L lấy chồng tôi cho 4 cây vàng, trong khi mấy đứa con trai đi lấy vợ tôi chỉ cho một đứa 1 cây vàng thôi”, bà H dẫn chứng.

Số tiền trúng số, tôi dự định không chia cho L nữa vì từ trước đến nay tôi đã cho L rất nhiều tài sản rồi. Tuy nhiên, thấy làm vậy là thiếu công bằng nên tôi vẫn cho L. 500 triệu đồng nhưng kèm theo điều kiện là L. phải nuôi tôi suốt đời.

“Lý do tôi yêu cầu như thế là vì L là con gái duy nhất và nhà L gần nhà của tôi hơn các anh, em của L. Hơn nữa con gái nuôi mẹ già là thuận lợi trong sinh hoạt hơn con trai nuôi mẹ”, bà H giải thích.

“Sau khi chia tiền trúng số cho các con và chi tiêu trong gia đình, làm mồ mả…, tôi còn lại 3 tỷ đồng chẵn. Đây là số tiền mà tôi dành để “thủ thân, dưỡng già” và phòng khi ốm đau bệnh tật”, bà H cho biết.

Theo trình bày của bà H trước HĐXX, ngày 25/6/2020, L hỏi bà mượn số tiền 3 tỷ đồng (khoản tiền dưỡng già của bà) để mua thêm căn nhà gần nhà đang ở vì cho rằng chủ căn nhà này đang kẹt tiền nên bán rẻ. Khi mượn tiền, L có cam kết sau khi làm giấy tờ sang tên xong sẽ mang đi thế chấp để vay tiền ngân hàng, trả lại tiền đã mượn của bà.

Việc L hỏi bà H mượn tiền cũng được bà H thông qua các con và được các con làm chứng.

Ngay trong ngày 25/6/2020, bà H và L cùng ra ngân hàng để bà H làm thủ tục chuyển 2,8 tỷ đồng vào tài khoản của L.

Đến ngày 27/7/2020, bà H và L cùng ra ngân hàng và bà H rút hết số tiền 200 triệu đồng trong tài khoản còn lại để giao tiền mặt cho L mượn.

Tại phiên tòa, bà H trình bày, hơn một năm sau khi L mua nhà, thế chấp căn nhà vay tiền ngân hàng nhưng L vẫn không thực hiện lời hứa trả tiền cho bà.

Do bị bà đòi tiền mượn nhiều lần nên L bực tức, trở mặt, ngược đãi, chửi mắng bà, nên bà không thể ở cùng L mà phải tìm đến nhà các con trai để nương náu.

Vì quá bức xúc do bị L phụ bạc, thất hứa, bà H đã khởi kiện L để nhờ cơ quan cơ thẩm có quyền đòi lại sự công bằng cho bà.

Tại phiên tòa, bà H yêu cầu HĐXX buộc L trả lại số tiền 3 tỷ đồng đã mượn của bà, đồng thời trả luôn số tiền 500 triệu đồng bà đã tặng cho có điều kiện vì L không thực hiện đúng điều kiện đã thỏa thuận là nuôi bà đến suốt đời.

Trong suốt thời gian từ giai đoạn hòa giải đến xét xử sơ thẩm, L không có mặt mà ủy quyền cho luật sư thay mặt mình.

Tại phiên hòa giải và phiên tòa sơ thẩm, đại diện ủy quyền của L thừa nhận có nhận số tiền 2,8 tỷ đồng bà H chuyển khoản và số tiền 500 triệu nhưng cho rằng đó là số tiền bà H tặng cho. Riêng số tiền 200 triệu đồng bà H cho mượn bằng tiền mặt thì đại diện ủy quyền của L không thừa nhận và cho rằng không biết số tiền này.

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, bà H đã cho mỗi người con 500 triệu đồng đều nhau thì không lý gì bà H cho riêng thêm bà L 2,8 tỷ đồng nữa.

HĐXX đã tuyên án: Phía bà L không chứng minh được số tiền 2,8 tỷ đồng từ bà H chuyển khoản cho bà L là tiền tặng cho nên bà L phải hoàn trả lại số tiền này cho bà H; thời gian trả chậm sẽ được tính lãi theo quy định.

Riêng số tiền 500 triệu đồng bà H thừa nhận tăng cho bà L và số tiền 200 triệu đồng bà H trình bày cho bà L mượn bằng tiền mặt nhưng không có chứng từ chứng minh nên không có cơ sở để buộc bà L phải hoàn trả số tiền này cho bà H.

“Số tiền 3 tỷ đồng là tiền dưỡng già của tôi. Hiện nay đã quá thời gian tôi phải đi mổ tim theo chỉ định của bác sỹ nhưng do tôi chưa đòi được tiền đã cho L mượn nên không có tiền để chữa bệnh. Từ ngày tôi đòi tiền mượn thì L đã trở mặt, không hề gọi điện thăm hỏi tôi; kể cả mấy đứa con L mà tôi đã chăm sóc từ nhỏ cũng không gọi điện hay tới lui thăm tôi, tình cảm mẹ con, bà cháu ruột thịt mà nay còn thua một người dưng cũng chỉ vì đồng tiền”, bà H rưng rưng nước mắt nói.

Phú Khởi

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khi-dong-tien-nang-hon-chu-hieu-449316.html