Khi du khách rút 'thẻ vàng'

Chỉ còn hai ngày nữa là năm mới Quý Mão sẽ đến. Trưa 28 tháng Chạp, gần nơi ở của người viết bài này xe cộ thưa hẳn có lẽ vì nhiều người đã về quê ăn Tết. Tình cờ, người viết nghe được câu chuyện dưới đây trong một tiệm cắt tóc.

Tiệm khá đông khách. Qua cách họ trao đổi với nhau thì dường như họ là hàng xóm xung quanh tiệm. Hai người thợ cắt tóc, trong đó có chủ tiệm, làm việc không ngưng tay. Một người khách đang ngồi trên ghế cắt tóc – trạc 35, 36 tuổi – hào hứng kể năm nay mình phải làm việc đến tận 30 Tết, nhưng bù lại ngày mồng sáu âm lịch cả gia đình sẽ đi du lịch.

Vị khách thứ hai – chắc cùng tuổi với người thứ nhất – đang ngồi chờ hỏi hàng xóm sẽ đi đâu. Vị khách đầu nói nhóm của mình gần 20 cặp cùng con cái sẽ đi Vũng Tàu. Người thứ hai ngay lập tức bảo phải cẩn thận bởi Vũng Tàu đông nghẹt du khách, phòng khách sạn, nhà hàng giá trên trời. Ngoài ra, vì quá đông người, bãi biển chẳng sạch sẽ gì cho cam, không tắm táp được bao nhiêu, trẻ em càng không nên tắm.

Đáp lại, người thứ nhất nói nhóm mình biết hết những chuyện đó nên đã thuê hẳn một biệt thự riêng nhiều phòng ở xa trung tâm thành phố. Bãi biển ở đó sạch, trẻ em, người lớn đều tắm được, người này nói. Hơn nữa, họ chỉ lưu lại một đêm nên chẳng lo gì lắm chuyện “chặt chém”, anh cho biết.

Anh chủ tiệm cắt tóc – cũng trạc tuổi hai người khách – đang chú ý lắng nghe, chen ngang vào câu chuyện. Anh bảo kinh nghiệm của gia đình mình khi du lịch Vũng Tàu là đem theo trên xe tất tần tật những gì cần thiết để đến nơi có đủ mà dùng, không phải mua sắm gì hết, nên khỏi lo “chặt chém”. Vì chỉ lưu lại có một đêm, gia đình anh chuẩn bị được mọi thứ, bắt đầu từ thức ăn ba bữa trong ngày. Thậm chí, anh đem theo cả mấy bình nước uống 20 lít. Do đó, họ gần như không tốn thêm đồng nào ở Vũng Tàu, ngoài tiền chi cho khách sạn.

Dĩ nhiên, không phải khách du lịch Vũng Tàu nào cũng như ông chủ tiệm cắt tóc. Nhưng cách hành xử của anh cũng như hai người khách trên chuyến thăm thành phố biển này một lần nữa đặt ra vấn đề cần suy nghĩ cho Vũng Tàu cũng như mọi địa phương đang là các điểm thu hút du khách, cả trong và ngoài nước. Nói nhẹ đi, hay dùng uyển ngữ, đó là vấn đề “tận thu du khách”. Còn theo cách thẳng ruột ngựa, thì đó là “nạn chặt chém du khách”.

Cứ mỗi dịp lễ Tết, chúng ta lại nghe nhiều người than phiền về vấn đề tận thu này. Ở vài địa phương, chính quyền vào cuộc, đưa ra quy định cho các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm chống nạn chặt chém du khách. Nhưng dường như chẳng có tác dụng bao nhiêu.

Đến đây, chúng ta thử nhìn cách làm của các tàu đánh cá bằng lưới cào (còn gọi là ghe giã cào hay tàu lưới kéo) đối với nguồn lợi hải sản. Với những tấm lưới rộng, mắt lưới nhỏ, các tàu này khai thác tận diệt mọi loài hải sản đang sống trong biển. Biển cả mênh mông là thế, nhưng gần như không sinh vật biển nào – từ những loài sống gần mặt biển cho đến đáy biển – có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của lưới cào.

Năng suất ban đầu của những chiếc ghe cào rất cao. Nhưng đây là cách làm tận diệt vì chỉ khai thác được tại một chỗ một lần hay vài lần rồi thôi. Sau vài lần như vậy, chiếc ghe lại di chuyển đi nơi khác để tiếp tục. Cứ thế, sẽ có ngày biển cả mênh mông của chúng ta chẳng còn lại gì để mà “đánh bắt”.

Có người ví von, vấn nạn “tận thu du khách” trong ngành du lịch giống như cách làm của các ghe đánh cá bằng lưới cào. Tỷ suất lợi nhuận nhờ “chặt chém” du khách, dù chỉ một lần, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng giống như khai thác hải sản bằng lưới cào có năng suất rất cao nhưng chỉ làm được một hay đôi lần rồi thôi, du khách “mang vết sẹo” sau khi “bị chém” sẽ không dám trở lại nữa.

Cũng đừng cạn nghĩ là có thể tận thu vì du khách chẳng còn lựa chọn nào khác. Du khách cũng khôn ngoan không kém người tiếp đón họ. Ví dụ, nếu không còn lựa chọn “an toàn chặt chém” trong nước, du khách Việt sẽ du lịch nước ngoài. Hiện nay, không hiếm người Sài Gòn chọn du lịch Thái, Mã, Sing. Nếu biết cách, chuyến đi của họ có khi còn rẻ hơn đi Hà Nội.

Về lâu về dài, cần nhìn nhận nghiêm túc hơn tác hại của việc “chặt chém du khách”. Người Việt có câu “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày làng”. Cách đối xử đẹp hay xấu đối với du khách, trong lẫn ngoài nước, đều lan tỏa rất xa. Nổi danh vì đẹp sẽ có thêm du khách. Ngược lại, du khách sẽ tránh xa.

Trở lại với câu chuyện ghe cào trong đánh bắt hải sản. Chính cách “chơi xấu” của những chiếc ghe này đã góp phần làm cho ngành thủy sản Việt Nam nhận “thẻ vàng” từ “du khách Liên hiệp châu Âu” (EU) đến nay còn chưa gỡ được(*). Thẻ vàng này đã ảnh hưởng rất xấu đến xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU.

Cần nhận thức rằng nhận xét và cách đối phó của các những du khách trong tiệm hớt tóc nói trên có thể là manh nha ban đầu cho thẻ vàng không chính thức dành cho ngành du lịch Việt Nam!

Mong rằng Tết này du khách Việt sẽ ít bị “chặt chém” hơn.

————–

(*)Từ năm 2017 đến nay, hơn năm năm, EU đã áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo thủy sản Việt Nam do không tuân thủ quy định khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-du-khach-rut-the-vang/