Khi dữ liệu số là nguồn tài nguyên quốc gia

Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số. Đồng thời dữ liệu cũng là nguồn tài nguyên quan trọng đang mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nếu được sử dụng đúng cách.

Mỗi ngày có hàng triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Mỗi ngày có hàng triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia

Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 1/2023, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã có xấp xỉ 45 triệu giao dịch được thực hiện, tương đương với khoảng 1,5 triệu giao dịch mỗi ngày. Còn nếu tính từ thời điểm NDXP chính thức hoạt động từ tháng 10/2020 thì đã có hơn 1 tỷ giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng này.

Hiện tại, đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh và kết nối với nền tảng NDXP. Hiện nền tảng này đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị. Trong đó có 85 nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 11 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ T.Ư đến địa phương.

Như vậy có thể thấy, việc sử dụng và chia sẻ dữ liệu quốc gia đang có những đóng góp ngày càng quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Không chỉ vậy, mỗi giao dịch qua NDXP giúp tiết kiệm 3.000 đồng cho xã hội, góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng các chi phí như di chuyển, chứng thực giấy tờ, thời gian...

Tuy nhiên, quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, tài nguyên… đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cấp về cả hạ tầng công nghệ thông tin cũng như nguồn nhân lực. Từ đó dẫn tới nhiều cơ sở dữ liệu chưa được thu thập, trùng lặp, không được chuẩn hóa để khai thác dùng chung hoặc thậm chí là thiếu đảm bảo về an toàn thông tin. Do đó, việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia

Việt Nam rất cần thiết, cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho các bộ, ngành có liên quan phải thực hiện trong năm 2023, quãng thời gian được xác định là “năm dữ liệu số” của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, cơ sở dữ liệu quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số. Dữ liệu phải được kết nối và chia sẻ tới người dân cùng DN thì mới có hiệu quả. Nhưng dữ liệu phải luôn được cập nhật, xử lý thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống”. Từ đó, dữ liệu sẽ giúp tạo nên các giá trị gia tăng cũng như hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.

Để làm được điều này, việc chia sẻ liên tục và thông suốt dữ liệu giữa các bộ, ngành đóng vai trò cốt yếu. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được kết nối. Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ là lời giải cho những vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Được biết, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia của Bộ Công an. Trong đó xác định cụ thể mục tiêu, quy mô, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ, lộ trình thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; tận dụng tối đa hạ tầng, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị sẵn có, tiết kiệm tối đa chi phí.

Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới, có quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than đá…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng khẳng định, hiện đang có một lượng rất lớn dữ liệu quan trọng đã có và liên tục được bổ sung từ khối Nhà nước. Những dữ liệu này đến từ các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương … Giờ đây, điều quan trọng là làm thế nào để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Tiêu biểu như ở Hà Nội, dữ liệu thu được thông qua hệ thống camera giao thông như tuyến đường nào có mật độ cao, thường xuyên tắc nghẽn có thể được sử dụng trong công tác quy hoạch. Những dữ liệu tương tự như vậy sẽ có đóng góp rất tích cực vào hoạt động của các cấp chính quyền, từ cung cấp dịch vụ công cho đến quy hoạch, giáo dục, y tế… nhằm tối ưu hóa sự hài lòng của người dân, ông Nguyễn Quang Đồng nói.

Để chia sẻ, kết nối dữ liệu được hiệu quả thì cần đặt người dân làm, DN làm trung tâm. Bên cạnh đó chính sách, pháp luật và lộ trình triển khai cần rõ ràng, hạ tầng công nghệ thông tin cần có trọng điểm, hiệu quả, đảm bảo hiệu năng, liên thông và an toàn, ông Tạ Hải Tùng chia sẻ.

Còn theo chuyên gia bảo mật Ngô Tuấn Anh, việc thu thập dữ liệu càng nhiều thì càng yêu cầu các hệ thống lưu trữ lớn, khi này việc đảm bảo an toàn an ninh mạng lại càng cao. Bởi việc đánh cắp dữ liệu là một trong những mục tiêu hấp dẫn của tin tặc. Nếu hệ thống lưu trữ không đảm bảo, tin tặc có thể đánh cắp dữ liệu của hàng triệu người dùng và đi kèm với đó là hậu quả vô cùng lớn.

Nói về lợi ích của việc khai thác dữ liệu là rất lớn. Hoạt động này đã giúp nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc gia tăng từ 1 - 2,5% GDP, tạo ra lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hàng tỷ USD. Việc dùng chung dữ liệu của Chính phủ hiện đang là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài.

Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa) Tạ Hải Tùng

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-du-lieu-so-la-nguon-tai-nguyen-quoc-gia.html