Khi El Nino quay trở lại
Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện - người có nhiều công trình nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
PV: Theo ông, hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại sẽ tác động như thế nào đến người dân và sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Ngày 8/6, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ cho biết, El Nino đã xảy ra. Màn dạo đầu đã thấy rồi, đó là bão ngoài Thái Bình dương, cháy rừng ở Indonesia, nắng nóng quét qua các nước Đông Nam Á. El Nino diễn ra càng mạnh thì vùng Đông Nam Á sẽ càng ít mưa. Trong khi đó, mưa ở lưu vực sông Mekong sẽ quyết định rất lớn đến lượng nước ở ĐBSCL. Như vậy, El Nino mạnh xảy ra thì khả năng cao năm nay lũ không về ĐBSCL và khả năng cao là vào mùa khô, vùng ven biển ĐBSCL, mặn sẽ lấn rất sâu.
Những hệ lụy nào sẽ xảy ra nếu lũ không về ĐBSCL, thưa ông?
- Lũ không về, kéo theo nhiều hệ lụy. Trước mắt ảnh hưởng sinh kế của người dân, nhất là những bà con đánh bắt cá dựa vào mùa lũ. Bởi vì cá sông Mekong cần phải có nước để đẻ và trôi xuống hạ lưu. Nước càng cao, càng ngập nhiều 2 bên sông ở thượng lưu thì càng có nhiều dinh dưỡng. Nước ít thì cá chỉ ở trong lòng sông, không có nơi để đẻ. Hệ lụy tiếp theo là khi lũ không về thì phù sa và cát sẽ không về. ĐBSCL sẽ càng thiếu cát. Phù sa không về thì đồng ruộng không có dinh dưỡng dẫn đến những vụ mùa sau, năng suất lúa sẽ kém và phải sử phân bón nhiều hơn. Lâu nay nông dân làm lúa 3 vụ trong đê bao khép kín, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đắp nhiều công trình cản trở dòng chảy. Nước lũ không về thì không rửa được đồng ruộng, kênh mương, sông ngòi dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở ĐBSCL tích tụ thêm và càng nặng hơn.
Trước nguy cơ hạn mặn xảy ra khốc liệt, nông dân ĐBSCL cần làm gì để tránh thiệt hại, thưa ông?
- Thông thường, trước giờ, mình ứng phó bằng cách dùng công trình ngăn mặn. Tuy nhiên, cách này chỉ có hiệu quả trong những năm bình thường. Khi mà El Nino diễn ra quá mạnh thì nước bên trong các công trình ngăn mặn cũng không có nhiều, ngăn mặn chỉ cầm cự được vào đầu mùa khô (khoảng tháng giêng). Sang tháng 2, tháng 3, khi ngăn mặn thì bên trong không có nước, đất vùng ven biển ĐBSCL bắt đầu bị khô, co ngót dẫn đến bị sụt lún.
Từ đó suy ra, vào những năm El Nino không ngăn mặn sẽ không có hiệu quả và tốt nhất nên né. Kinh nghiệm né thì đã có rồi. Năm 2016, lần đầu tiên xảy ra hạn mặn khốc liệt, mình không có kinh nghiệm. Năm đó mình ngăn mặn, cố gắng giữ thì kết quả thiệt hại 160.000 ha lúa vùng ven biển. Năm 2020, khi đã có kinh nghiệm lần đầu, các địa phương né mặn bằng cách đẩy vụ lúa lên sớm hơn. Không những gần như không có thiệt hạị mà còn trúng mùa được giá.
Theo ông việc né mặn có phải là biện pháp lâu dài trước việc biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp?
- Về lâu dài cần phải thay đổi theo quy hoạch tích hợp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đây là quy hoạch tích hợp theo tinh thần thuận thiên, thích ứng với biến đổi bằng cách thay đổi cho phù hợp tình hình. Theo đó, quy hoạch chia vùng ĐBSCL được chia ra thành 3 vùng là vùng lõi ngọt được lùi vào trong, kế tiếp là vùng lợ, và sát biển là vùng mặn. Đối với vùng lõi ngọt thì quanh năm có nước ngọt, dù có biến đổi khí hậu thì vẫn ngọt. Những cây trồng cần ngọt trồng ở vùng này. Đối với vùng lợ, mùa mưa vẫn ngọt nhưng mùa nắng thì lợ. Trước đây, mình cố lấn ra để ngọt hóa vùng này nhưng bây giờ chủ trương không lấn nữa. Năm 2030 sẽ trả vùng này về mặn ngọt luân phiên. Mình vẫn trồng được một vụ lúa trong mùa mưa, lúc nào mặn thì mình canh tác theo mặn để tận dụng lợi thế của nước mặn.
Làm theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì mỗi mùa khô đến, chúng ta không còn bị ám ảnh mặn nữa. Lúc này, nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp vào mùa khô sẽ không gay gắt nữa. Vấn đề còn lại là nước sinh hoạt cho người dân trong vùng này.
Nếu không ngăn mặn thì làm cách nào để giải quyết nước ngọt sinh hoạt cho người dân vùng ven biển, thưa ông?
- Khi đã thích ứng thuận thiên thì vấn đề còn lại chỉ là giải quyết nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô vùng ven biển. Nước sinh hoạt nhu cầu nhỏ hơn so với nhu cầu nước ngọt của nông nghiệp và có thể giải quyết theo nhiều cách. Một là phương án công trình đường ống cấp nước. Hai là áp dụng các công nghệ hiện đại như màng lọc Nano, bốc hơi nước biển, lọc nước biển… Ba là áp dụng cách truyền thống của ông bà ta để lại như đào ao cộng đồng, mương, đìa ở gia đình, và tích trữ nước trong lu, khạp. Cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng này cũng nhằm giảm việc sử dụng nước ngầm đế giảm bớt tốc độ sụt lún đồng bằng trong bối cảnh nước biển dâng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-el-nino-quay-tro-lai-5720725.html