Khi gen Z khởi nghiệp

Khao khát khẳng định bản thân, nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp khi còn ngồi ở giảng đường

Nguyễn Bảo Ngân (22 tuổi, quê Vĩnh Long) mới tốt nghiệp đại học gần 1 tháng song đã có 3 năm kinh nghiệm "làm ăn".

Tự tin thử sức

Lúc mới lên TP HCM nhập học, Bảo Ngân đã nung nấu ý định tự lập, kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt. Cô sinh viên ngành quan hệ công chúng quyết định mở tiệm cho thuê đồ và được ông ngoại ủng hộ nhiệt tình. Chính ông từng cho cháu gái mượn vốn để mở tiệm hoa khi Ngân còn là học sinh THPT. Trước đó, mỗi dịp hè, Ngân đã đi theo cậu ruột phụ chụp ảnh cưới và nhận ra dịch vụ cho thuê đồ có tiềm năng phát triển. Nhưng phải đến khi khởi nghiệp thì Ngân mới thật sự thấm thía vất vả. Thời gian đầu, tiệm cho thuê đủ các loại quần áo, trong đó có áo dài. Tết đến, khi nhu cầu thuê áo dài tăng cao, Ngân tập trung mảng này và dần chuyển hướng chỉ cho thuê áo dài. Hơn 40% khách thuê là người nước ngoài. Ngoài giờ lên lớp, quỹ thời gian của Ngân chủ yếu dành cho công việc. Dù có nhân viên hỗ trợ, cô vẫn trực tiếp quản lý việc nhập hàng, thu chi.

Kiều Quốc An trực tiếp đảm nhận nhiều khâu để tiết kiệm chi phí, mang đến sản phẩm có mức giá và chất lượng hợp lý

Kiều Quốc An trực tiếp đảm nhận nhiều khâu để tiết kiệm chi phí, mang đến sản phẩm có mức giá và chất lượng hợp lý

Lê Khánh Hà (ngụ TP HCM) vốn yêu thích sự tinh tế, độc đáo đến từ những món đồ thủ công. Xuất phát từ sở thích đó, Hà cho ra mắt thương hiệu trang sức handmade của riêng cô. Hà tiếp thị sản phẩm chủ yếu qua mạng xã hội với sự hỗ trợ chuyên môn của bạn bè. Những chiếc dây chuyền, vòng tay, lắc chân được làm từ đá đủ sắc màu ngày càng đến tay nhiều khách hàng hơn. Đồ làm bằng tay đòi hỏi sự tỉ mỉ, Khánh Hà vừa làm vừa lắng nghe góp ý từ khách hàng để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc kết hợp các loại đá cần bảo đảm tính thẩm mỹ và ý nghĩa đặc trưng. Do vậy, Hà tìm hiểu kỹ tính chất của từng loại đá, chất liệu các loại hạt đi kèm, đặc biệt là phương pháp bảo quản để sản phẩm có độ bền lâu hơn. Lợi thế cạnh tranh từ mô hình kinh doanh của Khánh Hà là dòng sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, phù hợp mong muốn cá nhân khách hàng.

Khánh Hà dồn nhiều tâm huyết cho từng sản phẩm

Khánh Hà dồn nhiều tâm huyết cho từng sản phẩm

Tận dụng cơ hội

Kiều Quốc An (sinh viên năm 4 ngành marketing) bắt đầu theo đuổi việc kinh doanh từ 2 năm trước. An cùng bạn thân gầy dựng thương hiệu thời trang ứng dụng nhắm vào đối tượng chính là sinh viên, người mới đi làm. Với những kiến thức đã học, An và cộng sự xây dựng được chiến lược phù hợp để truyền tải thông điệp khuyến khích bạn trẻ tự tin bộc lộ cá tính qua trang phục. Nhóm nghiên cứu rất kỹ thị trường và chăm chút từng ý tưởng thiết kế. An cho biết: "Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm mà còn mong muốn chia sẻ giá trị. Các sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp nhẹ nhàng, đơn giản, cổ vũ bạn trẻ luôn biết yêu thương chính mình". Dù nắm bắt được xu hướng của khách hàng nhưng An thừa nhận đội ngũ toàn gen Z vẫn có nhiều hạn chế về kiến thức và vốn sống. Anh tận dụng lợi thế từ các sàn thương mại điện tử và không quên tìm cơ hội xuất hiện thường xuyên tại sự kiện, lễ hội của các trường đại học. Qua đó, tăng doanh thu đáng kể.

Như đa số nhà khởi nghiệp khác, TikTok là kênh bán hàng chủ lực của An. Ngoài việc livestream để tương tác trực tiếp với khách hàng, anh còn hợp tác cùng các KOL, KOC - những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa phát sinh chi phí nên việc duy trì nguồn lực tài chính vững vàng luôn là bài toán hóc búa. Bí quyết để An và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiệu quả mà không ảnh hưởng đến việc học chính là nhờ kỹ năng quản trị thời gian chặt chẽ.

Với Bảo Ngân, khi dịch vụ cho thuê đồ đã ổn định, cô ấp ủ ý tưởng thử sức kinh doanh các mặt hàng dành cho thú cưng và đã ghi danh các khóa học để lấy chứng chỉ cần thiết. Còn Khánh Hà sẽ tổ chức các workshop làm trang sức nhằm tạo nơi thư giãn và khám phá bản thân cho những bạn trẻ cùng đam mê.

Gen Z là một thế hệ đầy hoài bão, dám nghĩ, dám làm và có niềm tin vào bản thân. Khởi nghiệp khi còn trẻ là một hành trình thú vị lẫn thách thức. Nhà khởi nghiệp trẻ cần biết cân bằng giữa đam mê và nhu cầu của thị trường. Bạn nên nghiên cứu xu hướng nhưng đừng chạy theo trào lưu nhất thời. Mặt khác, đừng quên chú trọng kỹ năng và kiến thức. Hãy học tập liên tục, tìm hiểu những điều cốt yếu của doanh nghiệp - tài chính, tiếp thị, bán hàng và vận hành. Mạng lưới đồng nghiệp, cố vấn và chuyên gia trong ngành vững mạnh sẽ giúp ích các bạn trẻ.

Hãy tổ chức mô hình tinh gọn để giảm thiểu rủi ro và một khi đã nuôi ý định khởi nghiệp, người trẻ cần tiết kiệm để có số vốn ban đầu. Những hình thức tài trợ, huy động vốn cộng đồng, nhà đầu tư thiên thần hoặc thậm chí là các khoản vay nhỏ... sẽ thiết thực cho giai đoạn đầu khởi nghiệp. Khả năng lãnh đạo, quản lý đội nhóm và cân bằng cảm xúc cũng là hành trang bạn trẻ cần trang bị khi khởi sự kinh doanh.

ThS Nguyễn Việt Anh (tác giả sách "Hôm nay cố gắng, ngày mai tự do" và "Chọn nghề không khó, đừng nhăn nhó")

Bài và ảnh: Huỳnh Thanh Trúc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khi-gen-z-khoi-nghiep-196240921195441497.htm