Khi gia đình là điểm tựa

Dịch Covid-19 xuất hiện và len lỏi đến từng đường làng, ngõ phố khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Lúc này, tình cảm gắn kết, yêu thương, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau từ các thành viên trong gia đình trở thành sức mạnh và điểm tựa giúp mỗi người vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Những ngày điều trị Covid-19 tại nhà, anh Bạch Tiến Luân ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương có thêm thời gian để chăm sóc con gái nhỏ. Ảnh: Kim Ly

Những ngày điều trị Covid-19 tại nhà, anh Bạch Tiến Luân ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương có thêm thời gian để chăm sóc con gái nhỏ. Ảnh: Kim Ly

Công việc kinh doanh bận rộn khiến anh Nguyễn Minh Quang ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên có rất ít thời gian dành cho gia đình. Sau khi anh và 2 con mắc Covid-19, vợ của anh là chị Bùi Thị Hoa phải xin phép lãnh đạo công ty cho làm việc tại nhà để có thời gian chăm sóc chồng, con.

Chứng kiến vợ vừa tất bật lo cơm nước, giặt giũ quần áo cho chồng, con, vừa ngồi trước máy tính hàng giờ để hoàn thành công việc, anh Quang rất thương vợ. Đến khi anh và các con khỏi bệnh, chị Hoa lại trở thành F0, được cách ly riêng một phòng.

Hằng ngày, anh Quang nấu cơm canh nóng hổi đem đến trước cửa phòng cho vợ, nấu nước gừng, xả để chị Hoa xông mũi họng; thường xuyên quan tâm, hỏi thăm tình hình sức khỏe của vợ.

Anh Quang cho biết: “Những ngày cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà đã giúp tôi nhận ra giá trị đích thực của gia đình. Thấy người vợ hiền không quản ngại vất vả, ngày đêm chăm sóc cho mình và các con, tôi mới nhận ra bản thân mình trước đây còn vô tâm và ích kỷ. Tôi tự nhủ từ nay sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cùng vợ chăm sóc và dạy dỗ các con”.

Sau khi chị Hoa khỏi bệnh, anh Quang và các con đã tổ chức một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ và ấm cúng, gửi đến chị Hoa những lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn chân thành từ trái tim.

Do đã lớn tuổi lại có bệnh nền, nên sau khi mắc Covid -19, ông Bùi Văn Đa ở thị trấn Lập Thạch được đưa đi điều trị tập trung tại Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của huyện tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch. Vợ, con và các cháu của ông Đa cũng mắc Covid-19, nhưng được cách ly, điều trị tại nhà. Từ khi được đưa vào khu điều trị tập trung, ông Đa và các thành viên trong gia đình thường xuyên gọi điện, hỏi thăm tình hình sức khỏe của nhau.

Ông Đa chia sẻ: “Mỗi lần gọi video thấy cả nhà vẫn ổn là tôi yên tâm. Vợ và các con tôi hỏi xem ở nơi điều trị có thiếu đồ dùng gì không để nhờ người nhà đem vào; bữa ăn có đầy đủ không, có ngon miệng không; rồi hỏi tôi có sốt, khó thở hay có triệu chứng gì bất thường không.

Còn các cháu thì hỏi ông có khỏe không, bao giờ ông về?. Những câu hỏi đó dù đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhưng không bao giờ là thừa trong những lúc khó khăn, nguy nan như lúc này. Mọi người động viên nhau cố gắng giữ gìn sức khỏe, chờ đến ngày gia đình được đoàn tụ”.

Chỉ sau 2 giờ đồng hồ gọi điện thông báo cho bố mẹ ở quê biết cả gia đình nhỏ của mình bị mắc Covid-19, chị Hồng Nga ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên đã nhận được 2 thùng đồ ăn do mẹ chị chuẩn bị.

Chạy xe máy hơn 20 km từ xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường vào đến thành phố Vĩnh Yên với 2 thùng đồ ăn nặng trĩu, mẹ chị Nga chỉ dám đứng ngoài cổng ngó vào nhà xem các con, các cháu thế nào rồi gọi điện cho con gái ra lấy đồ.

Nhìn theo bóng dáng người mẹ hiền tuổi ngoại ngũ tuần đi chiếc xe máy cũ, trong lòng chị Nga dâng lên niềm xúc động nghẹn ngào. Những ngày ở nhà điều trị bệnh, ngoài việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho từng thành viên trong gia đình, chị Nga còn dạy các con học bài, cùng chồng tập thể dục, làm việc nhà, điều mà trước đây anh chị ít có dịp thực hiện cùng nhau.

Chị Nga cũng thường xuyên gọi điện thông báo tình hình sức khỏe cho gia đình ở quê để bố mẹ yên tâm. Sau khi cả nhà khỏi bệnh, chị Nga cùng chồng, con về quê thăm bố mẹ, cả nhà lại được sum họp, vui vẻ quây quần bên nhau.

Từ câu chuyện của những gia đình có F0 có thể thấy những mặt tích cực đằng sau cuộc chiến chống Covid-19, đó là các thành viên trong gia đình có thêm khoảng thời gian dành cho nhau, chăm sóc, giúp đỡ, sẻ chia với nhau.

Gia đình thực sự trở thành “điểm tựa” để mỗi người thêm vững vàng ý chí chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là dịp để mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân, điều chỉnh suy nghĩ và hành động để cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/75657/khi-gia-dinh-la-diem-tua.html