Khi giảng viên trở thành 'tốt thí' để xoa dịu phụ huynh, sinh viên

Thạc sĩ T.M.T., giảng viên tại một trường đại học ở TP.HCM, kỳ vọng quyền lợi của nhà giáo sẽ được bảo vệ để họ có thể yên tâm công tác và truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên.

 Chuyên gia giáo dục cho rằng quyền lợi của giáo viên, giảng viên chưa được đảm bảo. Ảnh: Pexels.

Chuyên gia giáo dục cho rằng quyền lợi của giáo viên, giảng viên chưa được đảm bảo. Ảnh: Pexels.

Những ngày gần đây, mạng xã hội thi nhau chia sẻ câu chuyện về một giảng viên tại trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic bị cho thôi việc vì "ứng xử chưa phù hợp, sai sót trong đánh giá bài làm của sinh viên cũng như có những lời lẽ xúc phạm sinh viên trong nhóm lớp". Sau khi bị dân mạng phản ứng, nhà trường lại “quay xe”, đưa giảng viên này trở lại làm việc.

Đọc những thông tin liên quan vụ việc, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là “nhà trường xử lý vụ việc khá tệ”.

Đừng biến giáo viên trở thành con tốt thí

Vụ việc được đề cập lần đầu tiên thông qua một bài đăng Facebook của người nhà sinh viên, sau đó lại nổi lên nhờ một bài đăng trên báo. Tiếp đó, một sinh viên trường đăng bài đính chính để bảo vệ giảng viên.

Điều đáng chú ý là trong quá trình diễn ra vụ việc, nhà trường không hề có thông tin công khai trên các trang truyền thông chính thức. Tôi nghĩ rằng có lẽ chính FPT Polytechnic cũng không lường trước rằng vụ việc sẽ đi xa đến vậy, nên không có động thái xử lý phù hợp.

Là người ngoài cuộc, dĩ nhiên tôi và nhiều dân mạng ngoài kia sẽ không thể hiểu rõ vụ việc bằng người trong cuộc. Nhưng nếu chỉ thông qua những bài đăng trên mạng xã hội và báo chí, chúng ta thấy 3 điểm chính. Thứ nhất, giảng viên chấm điểm và nhận xét bài làm của sinh viên trong nhóm lớp. Thứ hai, sinh viên bị tổn thương, mách phụ huynh và phụ huynh làm lớn chuyện. Thứ ba, nhà trường quyết định cho giảng viên nghỉ việc sau khi bị phụ huynh đăng bài làm ầm ĩ trên mạng xã hội.

 Nếu những vụ việc tương tự xảy ra, nhà giáo và công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Masterfile.

Nếu những vụ việc tương tự xảy ra, nhà giáo và công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Masterfile.

Là một giảng viên đại học, tôi bàng hoàng trước cách FPT Polytechnic cho giảng viên nghỉ việc chỉ trong chớp mắt. Khi đó, tôi đặt câu hỏi vì sao nhà trường sẵn sàng “thí” một người dạy học - lực lượng nòng cốt của trường - chỉ để xoa dịu sự phẫn nộ của phụ huynh học sinh trong khi chưa phân định rõ đúng sai.

Nếu là giảng viên của trường này, có thể tôi sẽ thấy bất an, sợ rằng nếu lỡ làm trái ý “thượng đế”, tôi sẽ bị cho thôi việc ngay lập tức và quyền lợi của tôi cũng sẽ không được bảo vệ.

Nhiều năm đứng trên giảng đường đại học, chưa bao giờ tôi gặp vụ việc nào như vậy. Tôi chỉ từng nghe đến những trường hợp giảng viên không tuân thủ quy chế đào tạo nên bị kiểm điểm và phải làm việc với lãnh đạo trường, nhưng cũng không đến mức bị cho thôi việc một cách “sống sượng” như vậy.

Tôi hy vọng vụ việc ở FPT Polytechnic chỉ là thiểu số, không nói lên bức tranh của nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Bởi nếu những chuyện tương tự xảy ra ở các môi trường giáo dục khác, tôi sợ rằng nghề giáo sẽ trở thành một nghề đáng thương và nguy hiểm.

Tôi không hề mong điều đó xảy ra vì rất nhiều thầy cô vẫn chọn công việc này với mong muốn truyền thụ kiến thức và khao khát cống hiến cho xã hội. Nếu đẩy nhà giáo vào tình thế phải luôn nhìn đồng tiền để “co giãn” hay làm trái quy tắc ngành nghề, tôi e rằng chất lượng giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Đừng coi giáo dục là ngành dịch vụ

Cũng nhân vụ việc này, tôi muốn làm rõ một vấn đề rằng chúng ta không nên coi giáo dục là một ngành dịch vụ.

Hiện nay, hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học, đang được Bộ GD&ĐT yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo ở bậc quốc tế. Việc tuân thủ một số quy chuẩn về giờ giảng, giáo trình, trình độ giảng viên…là để đảm bảo chất lượng giáo dục được ổn định, người học tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục Việt Nam có năng lực được công nhận rộng rãi.

Các yêu cầu này cũng giúp giảng viên (đặc biệt là các giảng viên trẻ) có hình dung rõ ràng hơn về trách nhiệm trong công việc theo dòng chảy của xã hội. Nhưng những quy chuẩn này có thể sẽ làm nhiều người bắt đầu có suy nghĩ rằng giáo dục là một ngành dịch vụ, các cơ sở phải tuân thủ là tiêu chuẩn để được hoạt động ngành nghề, nhưng thực tế nó không phải vậy.

Trước đây, khi mới chập chững bước vào nghề, tôi cũng nhiều lần nghĩ về việc liệu giáo dục có phải ngành dịch vụ hay không. Sau một thời gian làm nghề, tôi kết luận nghề giáo không phải nghề dịch vụ.

Tôi lấy ví dụ khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, du lịch…, chúng ta trả tiền cho cái gì thì sẽ nhận được đúng cái đó. Nhưng với việc học thì khác. Chúng ta đóng cùng một mức tiền học, nhưng kết quả mỗi người nhận về sẽ khác nhau.

Trong việc học, giáo viên, giảng viên đảm nhận công việc truyền kỹ năng, cảm hứng và kiến thức nền tảng cho người học, nhưng họ không có trách nhiệm đảm bảo mỗi người học phải xuất sắc như nhau hay tiếp nhận toàn bộ kiến thức vì năng lực xử lý thông tin, kỹ năng tư duy và phát triển của mỗi người sẽ khác nhau.

Do đó, chúng ta sẽ không thể coi nghề giáo là ngành dịch vụ. Nếu mọi người đều có suy nghĩ như vậy, tôi sợ rằng chúng ta sẽ quy hết trách nhiệm cho người dạy học mà bỏ qua yêu cầu về tính chủ động và thái độ nghiêm túc, cầu thị của người học - yếu tố cần thiết nhất cho một quá trình học tập hiệu quả.

 Tự do học thuật là điều cần được chú trọng để giảng viên, giáo viên yên tâm giảng dạy. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Tự do học thuật là điều cần được chú trọng để giảng viên, giáo viên yên tâm giảng dạy. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Tự do học thuật cần được coi trọng

Một điều nữa mà tôi muốn nói đến thông qua vụ việc lần này chính là sự tự do học thuật trong môi trường giáo dục mà chúng ta cần tuân thủ và tôn trọng.

Tự do học thuật (academic freedom) là quyền tự do của giảng viên, sinh viên trong việc giảng dạy, học tập và theo đuổi kiến thức mà không chịu sự can thiệp, hạn chế từ quy định của các tổ chức hay áp lực của công chúng. Tự do học thuật cũng bao gồm quyền tự do của người giảng dạy là giảng dạy theo cách mà họ thấy phù hợp về mặt chuyên môn.

Thực tế, giáo dục đại học Việt Nam vẫn đang áp dụng tự do học thuật, ví dụ giảng viên phải minh bạch với sinh viên và thống nhất với khoa phụ trách về đề cương, danh mục giáo trình, tỷ lệ điểm, hình thức đánh giá. Họ cũng có quyền truyền đạt nội dung theo cách mà mình thấy phù hợp; có quyền chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp và được quyền chấm điểm dựa trên thang đo thực lực.

Tại Mỹ, tự do học thuật cũng được ứng dụng rộng rãi và được tuân thủ khá bài bản. Trong 1,5 năm học thạc sĩ tại Mỹ, tôi thấy tỷ lệ điểm, giáo trình và hình thức thi là những nội dung giảng viên cần báo cáo cho nhà trường. Còn những nội dung khác như phương thức giảng dạy, trao đổi với sinh viên hay kế hoạch giảng dạy là do giảng viên, giáo sư tự quyết và có thể thay đổi linh hoạt.

Tôi lấy ví dụ về giáo sư của tôi, trong học kỳ đó giáo sư kết nối được với một chuyên gia trong ngành nên bà dành ra 45 phút của buổi học để chúng tôi được giao lưu với chuyên gia đó, nhằm trao đổi về thực tiễn nghề nghiệp. Dù kế hoạch học tập hơi lệch so với ban đầu, sinh viên vẫn rất hoan nghênh vì được cập nhật bối cảnh thực tiễn của môn học.

Việc trao đổi, hỏi đáp ở lớp học cũng như vậy. Ở Mỹ, việc giáo sư “hỏi xoáy đáp xoay” với sinh viên là chuyện bình thường. Nếu không muốn bị xấu hổ, quê độ trước lớp, người học nên tự giác chuẩn bị bài từ sớm.

Trong thời gian du học, tôi thấy các trường ở Mỹ có một phương pháp dạy học rất hay mà Việt Nam có thể học hỏi là phương pháp Socratic - một dạng đối thoại, tranh luận trong dạy học.

Cụ thể, giảng viên sẽ đặt câu hỏi trực tiếp trên lớp và “xoay sinh viên như dế” để sinh viên rèn luyện khả năng tư duy nhanh, cũng như trau dồi khả năng trình bày, tư duy phản biện.

Từ những điều tôi nêu ở trên, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng tự do học thuật là điều nên có ở môi trường sư phạm vì điều đó giúp giáo viên, giảng viên điều chỉnh được phương pháp giảng dạy và kế hoạch phù hợp với tính cách cá nhân, với số lượng người học và các nội dung mới cập nhật theo sự biến động xã hội.

Một lần nữa quay lại câu chuyện của FPT Polytechnic, dù giảng viên đã trở lại trường học theo thỏa thuận của hai bên, tôi vẫn mong nhà trường nên có công tác truyền thông tốt hơn, đừng chỉ chăm chăm xoa dịu sinh viên và phụ huynh nhằm giữ hình ảnh “lắng nghe người học" theo tôn chỉ của trường.

Sau vụ việc này, bạn sinh viên đó có thể tốt nghiệp, có thể sẽ không nhắc đến tấm bằng của mình ở trường, nhưng giáo viên lại khác. Họ chính là người gắn bó lâu dài với trường, giúp trường xây dựng sự uy tín để trường trở thành cơ sở giáo dục có tâm, có tầm.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khi-giang-vien-tro-thanh-tot-thi-de-xoa-diu-phu-huynh-sinh-vien-post1495821.html