Khi giới trẻ làm truyền thông về vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam
Trao quyền cho các bạn trẻ làm truyền thông để lan tỏa hình ảnh, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là cách làm sáng tạo của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Kết quả là sau 1 tháng khép lại chiến dịch truyền thông, các bạn trẻ đã tận dụng sức mạnh của nền tảng số, tổ chức các hoạt động thu hút hàng trăm ngàn lượt tương tác trực tuyến.
Tích cực truyền thông đến giới trẻ
Nhằm tìm kiếm một hướng tiếp cận hiện đại và sáng tạo hơn, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trao quyền cho nhóm sinh viên Đại học FPT Hà Nội trong việc thực hiện chiến dịch quảng bá với chủ đề “Nữ Thời: Họa dáng nữ - Khắc nét thời”. Nhóm đã khởi động chiến dịch bằng chuỗi sự kiện Unitour – một cách "kéo bảo tàng đến gần với giới trẻ" ngay tại các trường ĐH-CĐ. Unitour diễn ra tại ba điểm trường gồm Đại học FPT, Cao đẳng FPT Polytechnic, và Đại học Văn hóa Hà Nội. Các buổi Unitour thu hút đông đảo sinh viên tham gia với những hoạt động đặc sắc như triển lãm mini tái hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, các trò chơi tương tác thú vị, và khu vực check-in với nhiều phần quà lưu niệm ý nghĩa. Không khí tại mỗi điểm trường luôn tràn đầy nhiệt huyết, với sự tham gia hào hứng của các bạn trẻ, tạo nên sự kết nối và góp phần lan tỏa thông điệp nhân văn của chiến dịch. Những hình ảnh và khoảnh khắc đáng nhớ từ các sự kiện đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, góp phần đưa tinh thần của "Nữ Thời" đến gần hơn với cộng đồng.
Trao quyền cho người trẻ thực hiện truyền thông sáng tạo trên mạng xã hội
Chiến dịch truyền thông “Nữ thời” cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Hoạt động mặc áo dài – biểu tượng văn hóa truyền thống – đã thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ. Trong không gian lịch sử của bảo tàng, các bạn không chỉ có cơ hội khoác lên mình tà áo dài thướt tha mà còn tìm hiểu thêm về những hiện vật và câu chuyện lịch sử gắn liền với người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Nhiều bức ảnh check-in tại sự kiện, có cả sự tham gia của các bạn trẻ ngoại quốc ghé thăm Bảo tàng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Một chiến dịch truyền thông toàn diện, bao gồm chia sẻ các nội dung sáng tạo hợp xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội kết hợp với những hoạt động thực tế cùng với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng được triển khai song song với các hoạt động Unitour. Nhóm sinh viên FPT được trao quyền xây dựng một hệ sinh thái truyền thông hoàn toàn mới, bên cạnh fanpage chính thức của bảo tàng. Nhóm đã lập fanpage riêng cho chiến dịch Nữ Thời và xây dựng kênh TikTok cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhằm triển khai nội dung với phong cách trẻ trung, sáng tạo. Fanpage tập trung vào các chủ đề chính của chiến dịch, đồng thời thông báo và giới thiệu những hoạt động ý nghĩa diễn ra tại Bảo tàng. Trên TikTok, nhóm sản xuất các video ngắn hấp dẫn, giới thiệu hiện vật, kể câu chuyện lịch sử và tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, góp phần thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới trẻ và lan tỏa giá trị văn hóa một cách hiện đại, gần gũi.
Hàng trăm bài thi “Người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng”
Cuộc thi “Người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng” – nơi các bạn trẻ và cộng đồng cùng thể hiện góc nhìn sáng tạo và ý nghĩa về người phụ nữ qua các tác phẩm độc đáo chính là một điểm nhấn độc đáo thuộc chiến dịch “Nữ thời”. Cuộc thi được kéo dài trong 3 tuần kể từ ngày 25/10 đến 15/11 trên kênh Fanpage Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và fanpage của chiến dịch “Nữ thời” đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng các bạn trẻ trong nước. Chủ đề của cuộc thi xoay quanh những câu chuyện chân thực, gần gũi nhưng đầy cảm xúc: hình ảnh người phụ nữ trong gia đình qua những câu chuyện cảm động về các bà, các mẹ hay những người chị tần tảo hy sinh vì gia đình; người phụ nữ trong xã hội hiện đại với sự bản lĩnh, sáng tạo và đầy cảm hứng, từ bác sĩ, giáo viên đến doanh nhân, nhà hoạt động xã hội; và những người phụ nữ trong lịch sử với các bài viết khắc họa các nữ anh hùng thời chiến hoặc những nhân vật có đóng góp to lớn trong sự phát triển của đất nước.
Cuộc thi khép lại với sự công bố các giải thưởng xứng đáng dành cho những tác phẩm xuất sắc nhất. Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Những đóa hoa thép tỏa sáng trong mỗi dòng chảy lịch sử” của nhóm sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, một bài dự thi gây ấn tượng mạnh mẽ khi tái hiện hình ảnh những người phụ nữ kiên cường qua các thời kỳ lịch sử, từ đó lan tỏa sự ngưỡng mộ sâu sắc. Hai Giải Nhì lần lượt được trao cho tác phẩm “Cô hiệu trưởng Trường Khuyết tật Thính giác Hy vọng I” của hai bạn Tăng Thị Tuyết Nhi và Tăng Thị Phương Nghi, cùng với tác phẩm “Nuôi lớn ước mơ từ đôi bàn chân khuyết tật” của chị Lê Thị Thu Thanh. Những câu chuyện đầy cảm hứng từ các bài thi đã chạm đến trái tim Ban Giám khảo và cộng đồng, tạo nên bức tranh toàn diện về vẻ đẹp, nghị lực và những đóng góp lớn lao của phụ nữ Việt Nam.
Đặc biệt, giải "Yêu Thích Nhất" – giải bình chọn từ cộng đồng – cũng được trao cho tác phẩm “Những đóa hoa thép tỏa sáng trong mỗi dòng chảy lịch sử”. Những kết quả này không chỉ tôn vinh sự sáng tạo và tâm huyết của các thí sinh mà còn thể hiện thành công của cuộc thi trong việc lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc và khẳng định ý nghĩa của chiến dịch Nữ Thời.
Truyền cảm hứng cho người trẻ lan tỏa hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam
Việc tận dụng các nền tảng công nghệ số như mạng xã hội,... để thực hiện thúc đẩy truyền thông các tuyến bài ấy đã thành công góp phần nâng cao nhận thức công chúng về vai trò và giá trị của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cùng với đó lan tỏa mong muốn được tôn vinh, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống hình tượng nữ giới Việt Nam, thu hút được sự quan tâm đông đảo của giới trẻ và mở rộng phạm vi tiếp cận đến cộng đồng. "Trước đây, các bài đăng của bảo tàng thường không tạo được nhiều tương tác. Nhưng từ khi có nhóm sinh viên tham gia, lượt tương tác trên các nền tảng của chúng tôi đã tăng đáng kể. Những bài viết của các bạn vừa gần gũi, vừa truyền tải giá trị văn hóa rất hiệu quả," - chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết. Điều này không chỉ giúp bảo tàng thu hút sự quan tâm từ giới trẻ mà còn mở ra hướng đi mới trong việc truyền thông sáng tạo, trao cơ hội cho các thế hệ trẻ tham gia bảo tồn văn hóa.
Chương dịch truyền thông đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp, đặc biệt là đã thu hút được đông đảo giới trẻ hiện nay cùng chiêm nghiệm và trân trọng những đóng góp quý báu ấy và cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với những giá trị văn hóa và nhân văn mà bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đã gây dựng và phát triển. Đồng thời mở ra một cách tiếp cận của bảo tàng thời chuyển đổi số cũng như cách trao quyền cho thế hệ trẻ để các em tự sáng tạo và đề cao giá trị truyền thống.