Khi giới trẻ tìm hiểu và thực hành văn hóa tâm linh

Ngày nay, khi gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, một số bạn trẻ có xu hướng tìm đến tâm linh như một liệu pháp 'chữa lành', điểm tựa cho tâm hồn. Tuy nhiên liệu đây có thật sự là điểm tựa hay... 'điểm rơi'?

Tâm linh - điểm tựa cho tâm hồn

Nhắc tới người trẻ, người ta nghĩ tới 3 điều: Lý tưởng, kì vọng, niềm tin. Lý tưởng và kỳ vọng thì đã được nhắc đến nhiều, đó là mục tiêu, là kim chi nam để người trẻ phấn đấu. Tuy nhiên trên hành trình theo đuổi lý tưởng, kỳ vọng ấy cần có niềm tin dẫn lối. Nhiều người trẻ ngày nay thường đặt niềm tin vào những “tín hiệu vũ trụ”, những tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt trong đó có văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu. Trong thời điểm cuối năm cũ, chuẩn bị sang năm mới này, việc thực hành tín ngưỡng càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Bạn trẻ Gia Huy (19 tuổi) tìm hiểu và thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Bạn trẻ Gia Huy (19 tuổi) tìm hiểu và thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian, có lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Thông qua mạng xã hội, qua lời kể của cha mẹ, nhiều bạn trẻ ngày nay đã chủ động tìm hiểu về nét văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Đây là tín hiệu đáng mừng. Bạn Gia Huy (19 tuổi) sinh sống tại Hà Nội, đã theo đạo Mẫu được 2 năm chia sẻ: “Cơ duyên đưa em đến với tín ngưỡng thờ Mẫu là từ một lần đi lễ đền Ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh và dự buổi hầu đồng tại đó. Em cảm thấy rất hứng thú, nên tiếp tục tìm hiểu qua mạng internet để hiểu rõ và đến gần hơn với tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Sau khi tìm hiểu về đạo Mẫu, Gia Huy có những suy nghĩ mới, tích cực hơn về cuộc sống. “Em thấy là tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng hướng con người ta tới "cái thiện", cái "Chân - Thiện - Mỹ". Khi đặt niềm tin vào tín ngưỡng, em cảm thấy bản thân mình như được bắt đầu một cách thức tu tập, em nhận ra những điều còn sai sót để sửa chữa, còn thiếu để làm đầy thêm. Niềm tin vào tín ngưỡng giúp em có một sự tự tin mạnh mẽ, can đảm hơn để đưa ra quyết định và thực hiện công việc của mình”, Gia Huy bộc bạch.

Khi “điểm tựa” trở thành “điểm rơi”

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng có thể tự tìm hiểu và thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn. Phải tìm hiểu từ đâu, phải làm gì để tránh bị lợi dụng lòng tin, không rơi vào cảnh mê tín dị đoan? Đây là câu hỏi mà phần lớn bạn trẻ chưa thể tự trả lời.

Văn hóa tâm linh rất phong phú, việc giới trẻ tìm hiểu, thực hành là cần thiết, nhưng cần tránh để bị rơi vào cảnh mê tín dị đoan, trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo hoặc lạc lối trong đời sống

Văn hóa tâm linh rất phong phú, việc giới trẻ tìm hiểu, thực hành là cần thiết, nhưng cần tránh để bị rơi vào cảnh mê tín dị đoan, trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo hoặc lạc lối trong đời sống

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao vụ việc “Cô đồng bát nước” lợi dụng lòng tin của mọi người, trong đó có nhiều bạn trẻ để lừa gạt kiếm lời. Theo chia sẻ của phóng viên Nguyễn Trường Sơn, VTV24 Đài Truyền hình Việt Nam, người trực tiếp thực hiện phóng sự điều tra vụ việc: “Khi tới địa điểm tác nghiệp, tôi thấy người đến xem thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, già trẻ, nam nữ đều có, đặc biệt là có rất nhiều bạn trẻ. Cô đồng đã lợi dụng lòng tin của mọi người, nói những lời lẽ dọa nạt nhằm yêu cầu khách chi trả hàng trăm triệu đồng tiền làm lễ”.

Có thể thấy, các bạn trẻ đến đây với nhiều lý do khác nhau, đa số là vì đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận đến xem đơn thuần là vì tò mò, nhưng rồi bị cuốn theo những lời dụ dỗ, hay lo sợ bởi những ngôn từ dọa dẫm của “Cô đồng bát nước”. Không những không giải quyết được các khó khăn đang gặp phải, nhiều người còn thêm hoang mang, lo lắng, bất an, tổn hại đến sức khỏe và tiền bạc.

Lý do khiến các bạn trẻ tìm đến những biện pháp tâm linh khi gặp khó khăn là gì? Tại sao họ trở thành mục tiêu chính của những đối tượng xấu lợi dụng lòng tin để trục lợl?

Có thể nhận thấy rằng, người trẻ ngày nay có cơ hội tiếp xúc sớm với rất nhiều thông tin về tín ngưỡng, tâm linh thông qua mạng xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều bạn trẻ chưa biết cách để tiếp nhận những thông tin đó sao cho đúng. Đôi khi họ không biết đâu là thật - giả để nghe theo và rồi trở thành “con mồi” của những đối tượng xấu, giả dạng “con nhà thánh”. Như phóng viên Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Cô Đồng bát nước thường xuyên sử dụng mạng xã hội lan truyền những chiêu trò của mình để dụ dỗ mọi người tham gia vào các hoạt động mê tín nhằm trục lợi”.

Hình ảnh "cô đồng bát nước" trong phóng sự của VTV về hiện tượng sử dụng tâm linh để trục lợi

Hình ảnh "cô đồng bát nước" trong phóng sự của VTV về hiện tượng sử dụng tâm linh để trục lợi

Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ ngày càng phụ thuộc vào thế giới ảo, đánh mất dần những liên kết với thực tại. Họ thường gặp khó khan trong việc bày tỏ cảm xúc. Khi gặp vấn đề, thay vì làm việc trực tiếp để giải quyết thì họ lên mạng để than vãn, kêu ca, trách móc. Và rồi, khi gặp những đối tượng tự nhận có khả năng ngoại cảm, thần bí, có thể giải quyết các khó khăn trong đời sống, người trẻ đã không đủ tỉnh táo để nhận biết, nghe theo một cách mù quáng để rồi bị “dắt mũi”, bị lừa tình, lừa tiền...

Đừng biến văn hóa tín ngưỡng trở thành “điểm rơi” của những tâm hồn trẻ

Từ xa xưa, các cụ ta đã có câu “Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành”, khẳng định việc thờ cúng hay thực hành tín ngưỡng là điều bình thường và không thể thiếu trong cuộc sống. Tâm linh sẽ thật sự trở thành điểm tựa khi chính bản thân biết “tựa” đúng nơi, đúng lúc, đúng cách. Các nghiên cứu về tâm linh cho thấy sức khỏe tinh thần của con người được hưởng lợi khi con đường tâm linh mà chúng ta đi theo thúc đẩy và xác nhận những hy vọng, lý tưởng và sự tha thứ. Câu chuyện của Gia Huy cho thấy nếu biết cách đặt niềm tin và thực hành tín ngưỡng đúng cách thì ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong tâm thức.

Ngược lại, nếu biến niềm tin trở thành “mê tín dị đoan”, đặt niềm tin sai chỗ thì không những không giải quyết được vấn đề, mà còn thêm lo lắng, mất đi khả năng tự quyết định và lạc lối. Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta nói riêng, và văn hóa tâm linh trên toàn thế giới nói chung, luôn có những huyền bí, khó lý giải. Và đó chính là điểm để những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi và lừa đảo. Vì thế, theo phóng viên Nguyễn Trường Sơn, “cần phân biệt đâu là tín ngưỡng theo truyền thống, đâu là lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi”.

Việc người trẻ tìm đến thế giới tâm linh là không sai. Thậm chí tìm về văn hóa tín ngưỡng của dân tộc là điều đáng mừng và cần được phát huy. Tuy nhiên, mỗi người cần trang bị những kiến thưc căn bản để có thể tiếp cận và hiểu đúng, đặt niềm tin đúng chỗ, đúng lúc. Quan trọng hơn là giữ vững liên kết với thế giới thực, tự mình tìm ra hướng đi phù hợp với mỗi người trong cuộc sống.

Tại hội thảo Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và đánh giá hiệu quả việc thực hiện Công ước 2003 đối với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều biến tướng khiến người có 43 năm ‘bắc ghế hầu Thánh’ như ông trăn trở.

"Chúng ta nên nhớ rằng hầu đồng là diễn xướng, đóng vai diễn lại các tích của những vị Thánh để mong các ngài ban lộc, ban tài. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà mất đi nét đẹp của nghệ thuật này", NNƯT Ngọc Anh bày tỏ.

Cũng theo NNƯT Đặng Ngọc Anh, bản thân luôn giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi, an ninh trật tự khi người dân tham dự… “Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với nghệ nhân. Thông qua việc hầu Thánh, còn truyền bá cho người dân biết về lịch sử, gốc tích của họ để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng. Tôi mong muốn giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và công lao của cha ông, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới”, NNƯT Ngọc Anh chia sẻ.

Gia Trinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-gioi-tre-tim-hieu-va-thuc-hanh-van-hoa-tam-linh-post600095.antd