Khi GPA, IELTS, SAT không còn là yếu tố đủ để du học
TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng trong xu thế hiện nay, việc chuẩn bị GPA, IELTS, SAT, hoạt động ngoại khóa... là không đủ trên con đường du học hoặc học đại học trong nước.
TS Nguyễn Chí Hiếu, nhận bằng tiến sĩ Kinh tế học từ ĐH Stanford (Mỹ), nhận định thông thường tại Việt Nam, mục tiêu của phụ huynh và học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là vào đại học trong nước hoặc đi du học.
Nếu chọn con đường du học, cả 3 năm phổ thông, học sinh chủ yếu tập trung vào ôn thi TOEFL, IELTS, SAT 1, SAT 2, điểm trung bình trên lớp và tham gia càng nhiều hoạt động ngoại khóa càng tốt.
“Những thứ đó vẫn quan trọng, nhưng liệu nó có quan trọng nhất, hoặc là thứ duy nhất đứa trẻ nên chuẩn bị cho hành trình du học hoặc đại học hay không?”, TS Nguyễn Chí Hiếu đặt câu hỏi, mở đầu chương trình tọa đàm với chủ đề Cánh cửa vào đại học top đầu: Chìa khóa nào ngoài SAT và IELTS do trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức mới đây
Cần gì ngoài GPA, IELTS, SAT và hoạt động ngoại khóa?
Theo thống kê nội bộ của NACAC (Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Đại học Quốc gia Mỹ) năm 2016, trong gần 200 trường đại học, chỉ 80,3% các trường coi điểm bài thi tiếng Anh là rất quan trọng, con số này ở điểm trung bình các môn là 66,3%, điểm bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT) là 36,5%, và chỉ 6,2% coi hoạt động ngoại khóa là quan trọng.
Theo nhận định của ông Hiếu, trước năm 2015, việc nộp đơn vào các trường đại học Mỹ khá dễ đoán, chỉ cần đáp ứng yêu cầu điểm GPA, IELTS, SAT cao, hoạt động ngoại khóa nhiều và một chút may mắn.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến này, dễ dàng nhận thấy các yếu tố trên gần như bão hòa khi hầu hết bộ hồ sơ đều đáp ứng được. Khi ấy, các trường đại học hàng đầu Mỹ bắt đầu chọn những thí sinh phù hợp thay vì 4 điều kiện cần.
Điều này chứng tỏ trong xu thế xã hội ngày càng đầu tư nhiều vào giáo dục và cơ hội phát triển cho trẻ, mức độ cạnh tranh vào các trường đại học top đầu thế giới ngày càng lớn.
Trong khi đó, theo ông Hiếu, cả 3 năm phổ thông, phụ huynh và học sinh vẫn chỉ tập trung chuẩn bị 4 yếu tố GPA, IELTS, SAT và hoạt động ngoại khóa để bước vào các trường đại học. Điều này được coi là “hơi phí".
Bốn yếu tố đó thậm chí có thể chưa đủ để các em bước vào các trường đại học top đầu hoặc chưa đủ để chúng khai thác bản thân và phát triển tốt trong môi trường đại học.
"Việc học phổ thông thời nay hầu hết chỉ chăm chăm giúp học sinh vào được đại học, ít nghĩ đến việc bọn trẻ vào được đại học rồi thì sao?", ông Hiếu nói và nhận định để giúp một học sinh bước vào đại học (top đầu) là khó. Nhưng việc chuẩn bị sao cho học sinh có thể trụ vững, học và phát triển tốt trong đại học lại là điều khó hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của ĐH Harvard, 5 kỹ năng cần thiết để thành công bao gồm:
Giao tiếp hiệu quả qua văn viết và văn nói;
Làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng, đối tác;
Tư duy đa chiều, sáng tạo, phản biện và năng lực tự học;
Tác phong chuyên nghiệp thể hiện qua hình ảnh, phong cách;
Tính cách gồm đạo đức, độc lập và độ tin cậy.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định việc tập trung GPA, luyện thi IELTS, SAT, hoạt động ngoại khóa nhiều cũng không thể giúp học sinh có đủ 5 kỹ năng trên.
"Các đề thi cho rằng giúp thí sinh phát triển tư duy sáng tạo, phản biện, nhưng 90% đề đều không làm được điều đó. Có chăng, luyện 4 yếu tố trên chỉ giúp học sinh có ý thức trong việc học", ông Hiếu nói.
7 vốn cần có để học đại học thành công
Theo ông Hiếu, giống như khi đầu tư, chúng ta cần có vốn để sinh lợi nhuận. Việc học đại học ở trong nước hay du học cũng vậy, ngoài vốn tài chính của bố mẹ, sinh viên cần nhiều “vốn” hơn tưởng tượng và phải xây dựng từ khi học phổ thông.
Ông Hiếu chia “vốn" này thành 7 nhóm. Thứ nhất là “vốn ngôn ngữ", yêu cầu học sinh sử dụng thành thạo ngoại ngữ để vận dụng trong việc học, thay vì chỉ là điểm số trên giấy tờ.
Một “vốn" khác cũng rất quan trọng là kỹ năng học, nhấn mạnh việc học sinh biết cách học, tìm tài liệu, tư duy, phản biện thay vì chỉ học trong sách giáo khoa, giáo trình.
Ngoài ra, đại học là nơi có nhiều quy trình, không phải ai cũng sẵn sàng giảng giải cho học sinh, đòi hỏi các em phải có “vốn" hoa tiêu - chỉ khả năng tìm đường đi và sự chủ động của mỗi người.
TS tốt nghiệp ĐH Stanford cũng nhấn mạnh “vốn” xã hội, yêu cầu kỹ năng gây dựng các mối quan hệ, kết nối với bạn bè, được đo bằng chiều sâu thay vì độ nhiều của mối quan hệ. Ngoài các mối quan hệ xã hội, học sinh, sinh viên cũng cần có “vốn” gia đình, đòi hỏi sự gắn kết, sẻ chia với người thân.
Thứ 5 là “vốn” đam mê, yêu cầu các em nuôi dưỡng và phấn đấu vì mục tiêu đó. Cuối cùng, “vốn" kiên định sẽ giúp các em kiên trì theo đuổi.
Ông Hiếu cho rằng nếu cả 3 năm cấp phổ thông, học sinh chỉ tập trung vào điểm số và hoạt động ngoại khóa, cùng lắm chỉ xây dựng được “vốn" ngôn ngữ, kỹ năng học và xã hội.
“Việc thiếu các “vốn” còn lại sẽ khiến học sinh, sinh viên khó thành công trong môi trường đại học”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh các “vốn” này cần cả quá trình để xây dựng, thay vì vài tháng như việc luyện thi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-gpa-ielts-sat-khong-con-la-yeu-to-du-de-du-hoc-post1401039.html