Khi hạ tầng là rào cản thu hút đầu tư
Để thu hút doanh nghiệp, các địa phương đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung với hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc đầu tư này thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện nhưng vẫn tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy, nhất là về môi trường.
Bất cập hạ tầng tại các khu công nghiệp tập trung
Đầu tháng 1/2021, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được triển khai trên diện tích 68,7 ha, với tổng vốn đầu tư gần 290,5 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư GS Miền Trung. Dự án được quy hoạch chi tiết từ năm 2007 và đến tháng 11/2014 được chính thức thành lập tại Quyết định số 3471/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Sau hơn 11 năm thành lập, CCN Đức Thọ chỉ mới thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư nhà xưởng và máy móc thiết bị và đưa vào sản xuất. Bao gồm: Công ty CP Bao bì Sông La Xanh, vốn đầu tư 94,9 tỷ đồng với 364 lao động; Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, vốn đầu tư 138 tỷ đồng với 1.650 lao động và HTX bê tông Viết Hải thuê trên diện tích đất 3,5 ha, vốn đầu tư 94,6 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 23%.

Dự án cụm công nghiệp huyện Đức Thọ hạ tầng ngổn ngang sau nhiều năm triển khai đầu tư.
Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thứ cấp chưa thực sự mặn mà khi quyết định lựa chọn đầu tư vào CCN này, trong đó nguyên nhân chính là hạ tầng đang ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng đến cuối năm 2024, Trạm trộn bê tông thương phẩm và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn của HTX sản xuất bê tông Viết Hải mới nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Điều đáng nói, do hệ thống xử lý nước thải chung của CCN Đức Thọ vẫn chưa hoàn thiện nên doanh nghiệp này buộc phải xin phép xả nước thải sinh hoạt sau khi xử lý tại chỗ trực tiếp vào nguồn tiếp nhận hói Cầu Đôi 2 đoạn chảy qua địa phận xã Tùng Ảnh.
Thậm chí, từ nhiều năm nay, trục đường chính của CCN Đức Thọ là nơi ra vào chính của cả 3 doanh nghiệp nói trên vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện. Hiện trường dự án tuyến đường này đang ngổn ngang khiến việc lưu thông của các phương tiện và hàng ngàn công nhân mỗi ngày gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói, mặc dù chưa được phép đấu nối vào quốc lộ 8A nhưng Công ty CP Đầu tư GS Miền Trung vẫn ngang nhiên tự ý đấu nối trực tiếp để các phương tiện ra vào CCN nối với quốc lộ 8A. Liên quan đến nút giao thông quan trọng này, tháng 11/2024, UBND huyện Đức Thọ mới có văn bản giao Ban quản lý dự án ĐTTXD huyện tổ chức nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Nút giao đấu nối đường trục chính CCN Đức Thọ vào quốc lộ 8A” trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tương tự, dự án hạ tầng kỹ thuật CCN Nam Hồng do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 72 tỷ đồng, với diện tích gần 43ha, được triển khai từ năm 2014. Quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã phớt lờ hạng mục Khu xử lý nước thải tập trung với công suất 1.350m3/ngày đêm (bao gồm các hạng mục san nền; trạm xử lý nước thải; sân phơi bùn; bãi thu gom rác thải rắn; nhà điều hành...) đã được phê duyệt chi tiết trước đó. Hệ lụy là từ năm 2020 đến nay, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã tiếp nhận 6 nhà đầu tư thứ cấp, gồm: Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh của Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh; Xưởng sản xuất các cấu kiện thép của Công ty TNHH MTV C92; Nhà máy sản xuất thùng xốp EPS của Công ty Hưng Thịnh; Nhà máy sản xuất và gia công thảm trải sàn Đinh Việt Hà Tĩnh của Công ty CP Đinh Việt Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất bulong, đinh vít công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghiệp Vinh Hồng Phát và Nhà máy sợi nồi cọc Nam Hồng Lĩnh của Công ty CP đầu tư phát triển Nam Hồng Lĩnh.
Các dự án này đều có phát sinh nước thải trong CCN khi chưa có hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải tập trung theo quy định. Mặc dù vậy, chủ đầu tư là UBND thị xã Hồng Lĩnh vẫn tiếp nhận 6 dự án có phát sinh nước thải vào CCN, bất luận hạ tầng kỹ thuật chưa đầu tư hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải tập trung. Điều này cũng xảy ra tương tự tại CCN Yên Huy tại huyện Can Lộc, khi giai đoạn 2017-2022 đã tiếp nhận nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Tĩnh, địa phương này hiện có 21 CCN được thành lập, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 541,18 ha, trong đó 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 12 CCN do nhà nước làm chủ đầu tư.
Rào cản thu hút đầu tư
Theo thống kê, đối với nhóm dự án do UBND các huyện, thành phố, thị xã làm chủ đầu tư đến nay về cơ bản đang vướng mắc hạ tầng về xử lý nước thải. Tỉnh Hà Tĩnh đang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng khu xử lý nước thải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, hiệu quả, tránh lãng phí. Đối với nhóm dự án do doanh nghiệp đầu tư, hiện cũng đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giao đất cho nhà đầu tư hoặc đã được cho thuê đất nhưng đang chậm tiến độ đầu tư hạ tầng.
Ngoài các CCN, hiện nay nhiều Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang vắng bóng nhà đầu tư thứ cấp vì hạ tầng được đầu tư không đồng bộ, không có các chính sách ưu đãi khiến các nhà đầu tư “ngó lơ”, thậm chí quay lưng.
Đơn cử, KCN Đại Kim tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được phê duyệt Quy hoạch từ tháng 9/2008, với diện tích 18,7ha nhưng sau gần 20 năm, tại đây mới thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp, gồm Dự án Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh của Công ty Cổ phần May Five Star Hà Tĩnh; Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại xe, các sản phẩm điện, điện tử dân dụng của Công ty CP xe điện Hà Tĩnh và Nhà máy sản xuất gỗ ván công nghiệp, gỗ ván sàn và các phụ kiện về gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Gỗ công nghiệp mới sông Mê Kông. Trong đó, Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh hoạt động được một thời gian ngắn thì phải đóng cửa.
Hay như KCN Gia Lách, quy hoạch từ năm 2007, quy mô 300ha nhưng đến nay cũng chỉ mới có 14 nhà đầu tư thứ cấp, một số doanh nghiệp muốn vào đầu tư song đang vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai. Tại KCN này, trong vùng quy hoạch hiện còn 30ha đất sản xuất nông nghiệp chưa được thu hồi, nhưng không có đường để người dân sản xuất nên từ nhiều năm nay xuất hiện khiếu nại, phản ánh từ người dân và đây cũng là một trong những yếu tố tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng, từ nhiều năm nay, chủ đầu tư KCN Kỳ Hưng là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Lợi Châu (nhà đầu tư nước ngoài) đã có rất nhiều văn bản đề nghị khắc phục tình trạng hư hỏng tuyến đường trục ngang Khu đô thị trung tâm – Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh nhưng không được quan tâm. KCN Kỳ Hưng đã được Công ty Lợi Châu đầu tư đồng bộ hạ tầng từ năm 2019 nhưng doanh nghiệp này không thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp chỉ vì tuyến đường độc đạo đi vào dự án là Đường trục ngang Khu đô thị trung tâm – Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh có chiều dài 2,2km, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng nhưng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng ngay sau khi thi công khiến phương tiện lưu thông gặp rất nhiều khó khăn.
Liên quan vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân lẫn doanh nghiệp về thực trạng hạ tầng tại một số dự án KCN, CCN chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương thực hiện nắm bắt, rà soát và tiến hành làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án đầu tư trong địa bàn các KKT, KCN và CCN. Tỉnh Hà Tĩnh cam kết đồng hành, phối hợp, hỗ trợ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đi vào hoạt động. Đối với những dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai hoặc không triển khai thực hiện dự án, không phát huy hiệu quả sử dụng đất, địa phương này sẽ xem xét, hoàn thiện khép hồ sơ thu hồi dự án, thu hồi đất nhằm thu hút các nhà đầu tư khác.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/khi-ha-tang-la-rao-can-thu-hut-dau-tu-i767059/