Khi hai cường quốc hạt nhân châu Âu tăng tốc hỗ trợ Ukraine
Hai cường quốc hạt nhân châu Âu đang tăng tốc hỗ trợ Ukraine, tạo thế đối trọng với Nga trong bối cảnh Mỹ giảm cam kết. Liệu đây có phải bước ngoặt định hình an ninh khu vực?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh “Liên minh tự nguyện" ở Paris (Pháp) ngày 27/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo trang tin Bulgarianmilitary.com, trong một động thái chiến lược quan trọng đối với an ninh châu Âu, Anh và Pháp đang định hình một hướng đi mới nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Vai trò của các cường quốc hạt nhân
Là hai cường quốc hạt nhân duy nhất của châu Âu trong NATO, Anh và Pháp mang đến mức độ răn đe và uy tín vượt trội. Theo số liệu năm 2024 từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, tổng chi tiêu quốc phòng của họ vượt quá 120 tỷ USD/năm. Kho vũ khí của hai nước bao gồm các tài sản tiên tiến như tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh và máy bay phản lực Rafale của Pháp.
Về năng lực hạt nhân, Anh duy trì bốn tàu ngầm lớp Vanguard được trang bị tên lửa Trident, trong khi Pháp vận hành bốn tàu ngầm lớp Triomphant với tên lửa đạn đạo M51. Cả hai quốc gia đều duy trì kho vũ khí khoảng 200-300 đầu đạn, theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, tạo nên một lực lượng răn đe đáng kể.
Hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Anh đã cung cấp hơn 10 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm tên lửa Storm Shadow và xe tăng Challenger 2. Trong khi đó, Pháp đã cung cấp tên lửa hành trình SCALP-EG và pháo Caesar với tổng giá trị hơn 3 tỷ USD, theo báo cáo của hai chính phủ.
Các cuộc thảo luận giữa phái đoàn Anh và Pháp gần đây đã nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ Ukraine không chỉ dừng lại ở viện trợ vũ khí hiện tại, mà còn cần xây dựng một khuôn khổ đảm bảo an ninh lâu dài. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhắc lại rằng "một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine chỉ có thể đạt được nếu chúng ta cung cấp những đảm bảo an ninh thực sự".
Một thành tố quan trọng trong kế hoạch mới này là Lực lượng Viễn chinh Liên hợp (CJEF) - một đơn vị phản ứng nhanh có khả năng triển khai tới 10.000 quân từ cả hai quốc gia trong thời gian ngắn. CJEF, được thành lập theo Hiệp ước Lancaster House năm 2010 và đạt được khả năng hoạt động đầy đủ vào năm 2016, đã được thử nghiệm trong nhiều kịch bản từ các nhiệm vụ nhân đạo đến chiến đấu cường độ cao.
"CJEF cung cấp cho Anh và Pháp một công cụ sẵn sàng để hành động nhanh chóng. Không chỉ là về Ukraine—mà còn là tín hiệu cho thấy họ có thể thể hiện sức mạnh ở bất cứ đâu, từ Bắc Cực đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Emily Ferris, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở tại London cho biết.
Bối cảnh chiến lược mới
Sự thay đổi chiến lược này diễn ra trong bối cảnh bất ổn về sự thống nhất của NATO. Với việc Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump ra tín hiệu có thể cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine - minh chứng là chính quyền Mỹ từ chối cam kết các gói viện trợ mới vào đầu năm 2025 - châu Âu phải đối mặt với áp lực phải tự mình hành động.
Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận của NATO, một kịch bản đang được cân nhắc là triển khai lực lượng châu Âu dọc theo biên giới phía Tây của Ukraine sau xung đột để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Nga, mặc dù chưa có xác nhận chính thức nào được đưa ra.
Ngoài Ukraine, hợp tác Anh - Pháp tạo ra những tác động lan tỏa ra bên ngoài. Anh và Pháp có lợi ích toàn cầu, từ việc kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến việc bảo vệ các tuyến đường vận chuyển ở Trung Đông. CJEF đã được định hướng cho cho các nhiệm vụ như vậy, với cuộc tập trận năm 2023 mô phỏng phản ứng chung đối với cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đông.
François Heisbourg, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định: "Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu, mà là về việc đảm bảo hai cường quốc này có thể hành động quyết đoán ở bất cứ nơi nào mối đe dọa xuất hiện".
Mặc dù có tham vọng lớn, nỗ lực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Anh đang chịu áp lực ngân sách, với chi tiêu quốc phòng ở mức 2,3% GDP vào năm 2024, thấp hơn mức 3% mà một số nhà phân tích cho rằng cần thiết để phù hợp với tham vọng của mình, theo Viện Nghiên cứu Tài chính IFS có trụ sở tại Anh. Pháp cũng đang cân bằng các ưu tiên trong nước với các cam kết ở nước ngoài, như lực lượng của mình ở Sahel.
Việc điều phối một liên minh rộng lớn hơn cũng làm tăng thêm độ phức tạp - các quốc gia như Ba Lan có thể thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn đối với Nga, trong khi những quốc gia khác, như Hungary, vẫn có quan điểm khác biệt.
Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh Anh-Pháp diễn ra vào cuối năm 2025 sẽ chính thức hóa các kế hoạch trên và có thể thu hút các cam kết từ những đối tác liên minh khác. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh xác nhận rằng các hiệp ước được sửa đổi sẽ "nâng cao khả năng ứng phó với những thách thức chưa từng có", báo hiệu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh châu Âu trong những năm tới.