Khi 'hầm trú ẩn' không còn an toàn

Vị thế 'hầm trú ẩn an toàn' của đồng đô la Mỹ (USD) đã bị lung lay và vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu đang ngày càng trở nên không chắc chắn. Nếu các nhà đầu tư tiếp tục bán tài sản của Mỹ, một số phận nghiệt ngã đang chờ đợi nền kinh tế thế giới.

Lâu nay, đồng đô la Mỹ luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn của nguồn vốn nhờ tính ổn định. Tuy nhiên, gần đây, đồng bạc xanh đã trở thành nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi. Kể từ đỉnh điểm vào giữa tháng 1, đồng bạc xanh đã giảm hơn 9% so với nhiều loại tiền tệ chính, ngay cả khi lợi suất trái phiếu Kho bạc mười năm đã tăng 0,2 điểm phần trăm. Sự kết hợp giữa lợi suất tăng và đồng tiền giảm là một dấu hiệu cảnh báo: nếu các nhà đầu tư vẫn chạy trốn bất chấp lợi nhuận tăng, đó là vì họ nghĩ rằng nước Mỹ đang trở nên rủi ro hơn.

Khi niềm tin bị lung lay

Có tin đồn lan truyền rằng các nhà quản lý tài sản nước ngoài lớn đang bán phá giá đồng bạc xanh. Steve Englander, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu G-10 và chiến lược gia kinh tế vĩ mô khu vực Bắc Mỹ tại Standard Chartered, đã nói về diễn biến này kể từ khi Washington thông báo áp thuế với một loạt nền kinh tế. Theo ông, thị trường đang mất niềm tin vào đồng bạc xanh.

Khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu và trái phiếu, họ thường tìm đến những loại tài sản được coi là an toàn trên thị trường tiền tệ. Trong nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư đã tin tưởng vào sự ổn định của tài sản Mỹ, khiến chúng trở thành nền tảng của tài chính toàn cầu. Bề dày của thị trường 27 tỷ USD giúp Kho bạc Mỹ trở thành thiên đường; đồng đô la thống trị giao dịch trong mọi thứ từ hàng hóa và hàng hóa đến các công cụ phái sinh. Hệ thống này được củng cố bởi Cục Dự trữ Liên bang, hứa hẹn lạm phát thấp, và bởi nền quản trị mạnh mẽ của Mỹ, theo đó người nước ngoài và tiền của họ đã được chào đón và an toàn. Nhưng chỉ trong vài tuần, Tổng thống Donald Trump đã thay thế những niềm tin sắt đá này bằng tâm lý bất định và hoang mang.

 Nguồn: INT

Nguồn: INT

Thierry Wizman, chiến lược gia về tỷ giá hối đoái và lãi suất toàn cầu tại Macquarie Group cho biết đợt bán tháo gần đây không phải là lần đầu tiên niềm tin vào đồng USD gặp thách thức. Diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ giữa những năm 2007. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011 xảy ra, niềm tin vào đồng bạc xanh lại hồi phục.

Theo Wizman, tình hình ở thời điểm này có vẻ khác. Sự thay đổi trong chính sách của Washington không chỉ đe dọa đến vị thế là hầm trú ẩn an toàn của đồng USD trong thời kỳ biến động, mà còn làm giảm mức độ uy tín với vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Điều này có thể tạo ra hậu quả tiêu cực, như chi phí đi vay ở Mỹ sẽ cao hơn.

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế quan lên khoảng gấp mười lần và gây ra tình trạng bất ổn về kinh tế. Từng là sự ghen tị của thế giới, nền kinh tế Mỹ hiện đang đối mặt với suy thoái, khi thuế quan phá vỡ chuỗi cung ứng, làm tăng lạm phát và trút gánh nặng tài chính lên người tiêu dùng.

Điều này xảy ra khi tình hình tài chính của Mỹ đang ở trong tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Nợ ròng chiếm khoảng 100% GDP; thâm hụt ngân sách 7% trong năm qua là con số cao một cách đáng kinh ngạc đối với một nền kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên, trong nỗ lực gia hạn và gia hạn cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, Quốc hội vẫn muốn vay nhiều hơn nữa. Vào ngày 10.4, cơ quan này đã phê duyệt một kế hoạch để ngân sách có thể có thêm 5,8 nghìn USD thâm hụt trong thập kỷ tới. Điều đó sẽ làm tăng thâm hụt thêm 2 điểm phần trăm, vượt quá tổng giá trị của việc cắt giảm thuế mà ông Donald Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu. Khoản thâm hụt tăng thêm này có thể khiến tốc độ mà tỷ lệ nợ trên GDP tăng gấp đôi trong những năm tới.

Những diễn biến gần đây bắt nguồn từ thực tế là thị trường hồ nghi liệu nền quản trị của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có được duy trì nhất quán hay không. Cách thức mà thuế quan được tính toán, công bố và sau đó trì hoãn một cách đột ngột, thiếu mạch lạc là điều tối kỵ trong hoạch định chính sách. Trong khi đó, các chính sách khác của Tổng thống - chẳng hạn như trục xuất những người di cư không có giấy tờ đến El Salvador mà không cần điều trần, hoặc đệ đơn kiện các công ty luật khiến ông không hài lòng - khiến người ta có thể nghĩ rằng quyền của các chủ nợ nước ngoài có thể không được bảo vệ.

Thị trường trái phiếu bị đe dọa

Tất cả những điều này đã tạo ra mối lo ngại về rủi ro đối với việc sở hữu tài sản Mỹ, khiến các chuyên gia thậm chí còn không loại trừ nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu toàn diện.

Trên thực tế, người nước ngoài sở hữu 8,5 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ, gần 1/3 phần ba tổng số nợ. Hơn một nửa trong số đó là do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, trong khi đó, những đối tượng này không thể bị dỗ dành bởi ngoại giao hoặc bị đe dọa bởi thuế quan. Mỹ sẽ phải tái cấp vốn 9 nghìn tỷ USD nợ trong năm tới. Nếu nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ suy yếu, tác động sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến ngân sách, do nợ cao và kỳ hạn ngắn, nhạy cảm với lãi suất.

Quốc hội Mỹ sẽ phải làm gì sau đó? Khi thị trường sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19, Quốc hội đã hành động mạnh mẽ. Nhưng những cuộc khủng hoảng đó đòi hỏi Quốc hội phải tăng chi tiêu, chứ không phải áp đặt cắt giảm. Lần này Quốc hội sẽ cần phải đưa ra giải pháp "thắt lưng buộc bụng" và tăng thuế một cách nhanh chóng.

Nếu nước Mỹ do dự, cú sốc có thể lan rộng từ Kho bạc sang phần còn lại của hệ thống tài chính, dẫn đến vỡ nợ và thâm hụt quỹ phòng hộ. Đó là tình trạng mà người ta chỉ tưởng tượng được ở các thị trường mới nổi chứ không phải ở một quốc gia có bề dày tài chính như Mỹ.

Thế giới sẽ phải đứng trước rủi ro vì đồng USD lâu nay vẫn được coi là hầm trú ẩn an toàn. Những đồng tiền khác chỉ là những sự bắt chước. Đồng euro được hỗ trợ bởi một nền kinh tế lớn, nhưng khu vực đồng euro không sản xuất đủ tài sản an toàn. Thụy Sĩ an toàn nhưng nhỏ bé. Nhật Bản lớn, nhưng có những khoản nợ khổng lồ của riêng mình. Vàng và tiền điện tử thiếu sự ủng hộ của Nhà nước. Tình trạng thiếu tin tưởng vào đồng bạc xanh - đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay - có thể dẫn đến tình trạng, họ sẽ thử một tài sản và sau đó là một tài sản khác thay thế. Quá trình "đi tìm" sự an toàn có thể dẫn đến sự bùng nổ rồi sụp đổ gây mất ổn định. Thực tế, hệ thống đồng đô la Mỹ đã cung cấp nền tảng ổn định để xây dựng nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay. Thế nhưng, khi các nhà đầu tư nghi ngờ về mức độ uy tín tín của Mỹ, những nền tảng đó có nguy cơ bị rạn nứt.

Dẫu vậy, Atul Bhatia - Chiến lược gia của danh mục đầu tư trái phiếu tại RBC Wealth Management, chỉ ra rằng sự thay đổi đối với vị thế trung tâm của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu sẽ không diễn ra một sớm một chiều. Đồng USD đã chấm dứt 5 ngày rớt giá liên tiếp. Chỉ số ICE U.S Dollar tăng 0,5% vào cuối ngày 15.4, nhưng vẫn giao dịch thấp hơn 9% so với mức cao nhất trong 52 tuần vào ngày 13.1. Với xu hướng này, Bhatia nhận định đồng USD có thể sẽ hồi phục trong ngắn hạn nhưng lại tiếp tục suy yếu. Ông cho biết, đồng USD sẽ nhận được một số động lực, tuy nhiên, về dài hạn, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những thị trường và đồng tiền khác.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khi-ham-tru-an-khong-con-an-toan-post410847.html