Cảng Phước An chịu bất lợi khi vận hành 'siêu cảng'
Dòng chảy thương mại có thể sụt giảm khi nguy cơ thương chiến có dấu hiệu leo thang, tác động tiêu cực tới khả năng thu hút hàng hóa thông quan tại các cảng, đặc biệt đối với cảng mới khai thác như cảng Phước An.
Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác cảng Phước An (mã PAP) lên kế hoạch triển khai dự án cảng Phước An với quy mô gần 800 ha, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng và được chia làm 3 phân kỳ. Trong đó, phân khu cảng có tổng diện tích 180 ha, gồm 6 bến container, 4 bến tổng hợp, có khả năng đón tàu trọng tải 60.000 DWT, công suất thiết kế 2,5 triệu TEU/năm với hàng container và 6,5 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp; trung tâm logistics với công suất 2,2 triệu TEU/năm với hàng container và 4 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp.
Sau giai đoạn triển khai kéo dài, cuối năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cầu cảng số 5 và 6 thuộc bến cảng Phước An. Công ty đã chính thức đưa phân kỳ 1 của dự án vào khai thác.
Trong phân kỳ 1, Cảng Phước An đưa vào khai thác 2 bến container có khả năng tiếp nhận tàu 60.000 DWT và theo kế hoạch, trong năm 2025, dự kiến đạt 0,2 triệu TEUs, sau đó tăng dần và đạt khoảng 1,2 triệu TEUs vào năm 2026.
Việc hoàn thành nghiệm thu phân kỳ 1 cũng đồng nghĩa Công ty Cảng Phước An đã thay đổi cách hạch toán. Trong đó, khoản mục tài sản cố định tăng từ 4,97 tỷ đồng đầu năm, lên 4.059,3 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản và đang ghi nhận 2.309,3 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang dài hạn, chiếm 32,4% tổng tài sản.
Thực tế, để tài trợ cho việc đầu tư dự án cảng Phước An, Công ty đã liên tục huy động vốn từ cổ đông, đồng thời gia tăng sử dụng nợ vay, nâng tổng nợ vay lên tới 3.273,4 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2024, chiếm 133,3% tổng vốn chủ sở hữu (tỷ lệ nợ vay trung bình ngành chỉ 21%).
Theo nguyên tắc, trong giai đoạn triển khai dự án, doanh nghiệp không phải khấu hao tài sản, được vốn hóa chi phí lãi vay vào dự án, vì vậy, giai đoạn triển khai dù sử dụng đòn bẩy cao, nhưng vẫn chưa phải hạch toán các chi phí cố định.
Trước khi đưa phân kỳ 1 dự án cảng vào khai thác, Cảng Phước An đã trải qua 4 năm thua lỗ liên tiếp, từ năm 2021 đến năm 2024, nâng tổng lỗ lũy kế cuối năm 2024 lên 31,22 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính không ghi nhận giai đoạn 2021-2023, chỉ mới ghi nhận 3,2 tỷ đồng chi phí lãi vay năm 2024 (tổng lỗ năm 2024 lên tới 17,3 tỷ đồng).
Việc chính thức vận hành phân kỳ 1 của dự án dù có thể giúp Công ty Cảng Phước An mở rộng cơ hội hạch toán doanh thu, nhưng cũng là thời điểm mà Công ty phải hạch toán hai chi phí cố định, đáng chú ý là chi phí lãi vay tài trợ cho việc đầu tư phân kỳ 1 và chi phí khấu hao cho phân kỳ 1 đã chính thức vận hành.
Thêm nữa, cảng Phước An dù có vị trí thuận lợi, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh với nhiều cảng, cụm cảng đã hoạt động nhiều năm trong khu vực, trong đó phải kể tới nhóm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đây là nhóm cảng nằm ở cửa ngõ, đã được phát triển hạ tầng đồng bộ, vận hành ổn định trong nhiều năm qua. Ngược lại, dù đầu tư lớn vào cảng Phước An, song hệ thống giao thông đường bộ tới cảng chưa hoàn chỉnh, nên việc thu hút đơn hàng có thể gặp khó khăn trong giai đoạn đầu vận hành.
Mới đây, Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể chịu nhiều tác động, do đó cũng làm thay đổi triển vọng ngành, đặc biệt đối với lĩnh vực cảng biển, cổ phiếu các doanh nghiệp cảng liên tục giảm mạnh bởi lo ngại triển vọng kinh doanh đảo chiều.
Công ty Chứng khoán An Bình nhận định: “Mức thuế đối ứng cao (nếu áp dụng) sẽ làm suy giảm đáng kể sản lượng hàng hóa xuất khẩu, dự kiến gây ra tác động tiêu cực đối với thương mại của Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, do đó có thể chịu ảnh hưởng từ việc đơn hàng sụt giảm và dòng vốn FDI trở nên thận trọng trong các quyết định mở rộng đầu tư”.
Có thể thấy, trước khi cảng Phước An đi vào khai thác, nhờ lợi thế vị trí và thu hút FDI tại các khu công nghiệp Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng hàng hóa được vận chuyển qua các cụm cảng khu vực này liên tục tăng theo thời gian. Tuy nhiên, ngay khi cảng Phước An đi vào vận hành, với rủi ro nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang có thể ảnh hưởng làm sụt giảm lưu lượng vận chuyển hàng hóa.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cang-phuoc-an-chiu-bat-loi-khi-van-hanh-sieu-cang-d269062.html