Khi họa sĩ 'Tái chế' chính mình

Ngày 16/11 tới, nhân kỷ niệm 14 năm hoạt động của Gallery 39 (2005-2019), họa sĩ Lê Thiết Cương cùng nhóm G39 sẽ tổ chức triển lãm sắp đặt 'Tái chế' và chương trình nghệ thuật ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận của mình.

Mỹ nhân - X quang trên hộp đèn - Tác phẩm của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Mỹ nhân - X quang trên hộp đèn - Tác phẩm của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Triển lãm gồm hơn 30 tác phẩm do các họa sĩ nhóm G39 và các bạn học viên nhí Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân cùng thực hiện.

Các tác phẩm được trưng bày là những bức tranh vẽ được tạo hình từ đủ các chất liệu như: đàn guitar, vỏ chai rượu, hộp cigar, phim chụp X- quang, ván trượt, giấy bìa carton, túi vải bố, chai nhựa,… - vốn là những vật liệu không còn hữu dụng, hoặc bị bỏ đi trở thành rác thải nhưng dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ và các bé, những vật liệu này đã được làm mới lại và trở thành những tác phẩm trang trí hết sức mới lạ, độc đáo, hấp dẫn.

Lọ cắm bút từ ống cháo của các học viên nhí thuộc Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân

Một hộp cigar trở thành một chiếc vali nhỏ đựng thơ và tranh, một chiếc guitar làm sơn mài, một chai rượu phố, một hộp trà thiền, một ống bút của cây, đại dương,… đã mang đến những câu chuyện khác, những giá trị khác – giá trị của nghệ thuật và tái sinh.

Hình Chevara trên tem xì gà của họa sĩ Lê Thiết Cương và Nguyễn Minh Hiếu

Theo đó, nghệ thuật không chỉ là tạo ra những thứ chưa có mà còn sáng tạo trên những gì sẵn có. Nghệ thuật không phải là lãnh địa xa vời, khó tiếp cận mà nghệ thuật chính là đời sống. Khi người họa sĩ tái chế một chất liệu bằng nghệ thuật - tái chế chính mình dưới một nhãn quan mới.

Đồng hồ đĩa than - Họa sĩ Hoàng Thế Phượng

Đàn ghi ta sơn mài - Họa sĩ Nguyễn Hồng Phượng

Trong một xã hội bị bủa vây bởi công nghệ và tiêu dùng, ngày nay con người dễ bị cuốn theo tốc độ và sự thay đổi (như fast food, fast fashion…), người ta có xu hướng tìm về thiên nhiên, tìm đến thiền, chọn lối sống tối giản để cân bằng. Nghệ thuật là một liệu pháp để cân bằng, tái tạo cuộc sống, đồng thời, thức tỉnh con người “hậu nhân loại” (Posthuman) quan tâm đến những tác động của mình đối với môi trường, sự sống nói chung.

Chai rượu - Họa sĩ Bình Nhi

Minh Thúy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/khi-hoa-si-tai-che-chinh-minh-372505.html