Khi hội viên phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia trong nhiều năm qua.Với vai trò, chức năng của mình, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang tích cực tham gia xây dựng NTM, với nhiều hoạt động, thành lập các mô hình phù hợp, thiết thực… Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả xây dựng NTM, tạo nên diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.NHIỀU HOẠT ĐỘNG TỪ CƠ SỞ
Trong xây dựng NTM, ngay ở giai đoạn đầu, cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham gia dưới nhiều hình thức, ở nhiều tiêu chí, như: Môi trường, an toàn thực phẩm; nhà ở, dân cư; thu nhập; hộ nghèo; an ninh trật tự…
Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội trong toàn tỉnh quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM; các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM...
Từ đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đóng góp xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình thực hiện NTM; tham mưu, đề xuất những nội dung cụ thể của Hội gắn với chương trình thực hiện phù hợp với địa phương, đáp ứng yêu cầu của đa số hội viên, phụ nữ.
Trong đó, công tác tuyên truyền được các cấp Hội đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện với các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng như: Tổ chức lồng ghép với các phong trào, nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ hội, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, hội thi, trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với các hoạt động kỷ niệm liên quan đến tổ chức Hội LHPN và phụ nữ (như ngày 8-3, 20-10)...
Về các vùng quê hôm nay, chắc hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những con đường bê tông, nhựa hóa được trồng hoa rực rỡ sắc màu trải dài khắp các xóm, ấp… góp sức vào xây dựng các tuyến đường hoa nông thôn ấy có bàn tay của hội viên, phụ nữ.
Với cách làm là họ lựa chọn những tuyến đường thường xảy ra ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan để trồng thử nghiệm đoạn đường hoa từ những ngày đầu xây dựng NTM. Từ các mô hình đường hoa thử nghiệm, đến nay, phong trào thực hiện các tuyến đường hoa đã lan tỏa mạnh, góp phần tạo nên không gian môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Thời gian qua, xây dựng NTM đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Từ những hoạt động, mô hình xây dựng NTM phù hợp, hiệu quả của Hội LHPN các cấp, trong nửa nhiệm kỳ qua đã có 1.066 hộ phụ nữ chủ hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều; đào tạo nghề cho 3.596 phụ nữ; giới thiệu việc làm cho 5.066 lao động nữ; giới thiệu xuất khẩu lao động làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan cho 32 phụ nữ…
Đơn cử như Hội LHPN huyện Tân Phước đã chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vào các phong trào thi đua của Hội như: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Đồng thời, Hội còn phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể vận động nhân dân xây dựng tuyến lộ ngõ xóm, hàng rào bê tông, tuyến đường hoa kiểng, xanh - sạch - đẹp, tuyến đường 3 sạch…
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phước Nguyễn Thị Loan cho biết, các cấp Hội LHPN của huyện thường xuyên duy trì, nâng chất hoạt động các mô hình: “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng NTM”; Câu lạc bộ “Phụ nữ phân loại rác tại nguồn”; Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; Tổ túi lưới bảo vệ môi trường; “Một hố rác, một cây xanh”; “Đoạn đường không rác”; Tuyến đường hoa xanh - sạch - đẹp…
Qua đó, tuyên truyền những kiến thức về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; vận động hội viên, phụ nữ sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm “xanh - sạch - đẹp”, đảm bảo các tiêu chí “3 sạch”.
Hằng năm, Hội LHPN huyện và cơ sở đăng ký và thực hiện 1 phần việc tham gia xây dựng NTM như xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, công trình ánh sáng quang, ra quân phát quang, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa trên các tuyến đường… đã thực hiện 58 công trình, phần việc, tổng trị giá các phần việc trên 5 tỷ đồng.
Tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, từ mô hình trồng hoa ven đường của các Chi hội Phụ nữ đã phát triển và nhân rộng đường hoa, hàng rào xanh… Việc dọn vệ sinh định kỳ hằng tuần, hằng tháng và tổng vệ sinh vào các ngày lễ được các chi hội duy trì ổn định và thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Những tuyến đường xanh - sạch - đẹp không chỉ làm cho những vùng quê nông thôn thêm khởi sắc, mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Hằng năm, chúng tôi rà soát, đăng ký phần việc với cấp ủy, chính quyền, lựa chọn tiêu chí môi trường, làm điểm ở mỗi ấp, nhân rộng ra toàn xã.
Cụ thể, các mô hình nổi bật mang lại hiểu quả, như: “Một hố rác một cây xanh”, biến rác thải nhựa thành tiền, đổi rác thải nhựa lấy quà, tuyến đường hoa không rác… Chị em phụ nữ ở các Chi hội Phụ nữ còn tự ươm cây giống để nhân rộng mô hình; tích cực phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần và các đợt phát động ra quân cao điểm của xã.
THỰC HIỆN HIỆU QUẢ TIÊU CHÍ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Xác định việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống là nhiệm vụ quan trọng, là yếu tố để “giữ chân” hội viên; đồng thời là tiêu chí căn bản trong xây dựng NTM. Các cấp Hội phát động phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.
Theo đó, các cấp Hội chủ động khai thác các nguồn lực hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế; duy trì, nâng cao chất lượng và dư nợ cho vay từ nguồn các ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh… Hiện dư nợ từ các nguồn vốn này khoảng 320 tỷ đồng, cho gần 70.000 hộ vay, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, nâng cao cuộc sống.
Bên cạnh đó, trong nửa nhiệm kỳ 2021 - 2016, các cấp Hội LHPN trong tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng dân cư, giúp các chị tự khẳng định giá trị bản thân, thay đổi hành vi, có cơ hội để hòa nhập và phát triển.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà, xây dựng 14 mái ấm tình thương cho phụ nữ khuyết tật, hỗ trợ 1.973 chị được vay vốn tại địa phương, định hướng hỗ trợ đào tạo nghề, phù hợp với khả năng, đã giúp 1.226 chị có cơ hội tham gia lao động, ổn định thu nhập; tặng quà cho 2.134 phụ nữ khuyết tật, yếu thế với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các cấp Hội và 3 đơn vị trực thuộc đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ 11.053 hộ hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, khuyết tật; 4.296 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn... bằng các hình thức tặng nhu yếu phẩm, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, tiền mặt... tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.
Năm 2022, được hỗ trợ 10 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Thương (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) đã mua 1 con bò để nuôi. Gia đình chị Thương thuộc hộ cận nghèo, nhà không đất sản xuất, vợ chồng chủ yếu làm thuê nuôi 2 con ăn học. Nhờ nguồn vốn của Hội LHPN, chị Thương có thêm nguồn thu nhập từ nuôi bò và nuôi dê. Bên cạnh đó, chị còn thuê hơn 1 công đất để trồng rau màu.
Vợ chồng chị Thương chăm chỉ lao động, lo cho 2 con ăn học. “Cùng với đi làm thuê, làm mướn và nhờ nguồn vốn vay của Hội LHPN, gia đình tôi có tiền đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, tạo dựng cuộc sống ổn định hơn”, chị Thương chia sẻ.