Khi hợp tác xã tham gia làm du lịch

Đồng Nai là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thời gian qua, cùng với các loại hình kinh tế khác, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia vào khai thác du lịch sinh thái, đa dạng hóa dịch vụ để tạo việc làm cho xã viên, phục vụ nhu cầu du khách.

Mô hình Du lịch trải nghiệm nuôi ong của Hợp tác xã Nông nghiệp nuôi ong - TMDV Hàng Gòn. Ảnh: HTX cung cấp

Mô hình Du lịch trải nghiệm nuôi ong của Hợp tác xã Nông nghiệp nuôi ong - TMDV Hàng Gòn. Ảnh: HTX cung cấp

Khai thác tiềm năng địa phương, liên kết nông dân làm du lịch nhưng trong quá trình đó còn gặp nhiều khó khăn, các HTX, tổ hợp tác làm du lịch mong muốn có được sự hỗ trợ để phát triển.

Khai thác tiềm năng địa phương

Tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn nông nghiệp ở Đồng Nai rất khả quan. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp gắn với nền nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, những năm gần đây, các HTX, đã tận dụng được lợi thế sẵn có, xây dựng nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái, thu hút được du khách tham quan, trải nghiệm.

Tổ hợp tác Du lịch vườn Bình Lộc (thành phố Long Khánh) đã liên kết với các nhà vườn để khai thác du lịch với tổng diện tích vườn trái cây phục vụ du lịch hơn 100 hécta. Theo ông Lâm Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác, một hécta cây ăn trái nếu nông dân gọi thương lái tới bán chỉ được từ 250-300 triệu đồng/năm (tùy loại cây trồng) nhưng làm du lịch vườn thì tăng thêm từ 50-70%. Do đó, nông dân trong vùng đã liên kết nhau lại kết hợp làm nông nghiệp và du lịch vườn. Hàng năm, các nhà vườn trong tổ đón tiếp được khoảng 8 ngàn lượt khách, tiêu thụ được từ 29-23 tấn trái cây tại chỗ, vừa tạo việc làm, vừa nâng cao thu nhập của các nhà vườn.

Cánh đồng sen Lang Minh, địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Xuân Lộc. Ảnh: Đ.Lê

Cánh đồng sen Lang Minh, địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Xuân Lộc. Ảnh: Đ.Lê

Tương tự, tại HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Thanh Niên (thành phố Long Khánh), đơn vị đã đưa vào nhiều loại hình dịch vụ trải nghiệm mới với các khu nuôi dê, thỏ… để du khách tự tay chăm sóc vật nuôi. Đồng thời, tổ chức các trò chơi dân gian, đốt lửa trại, ngâm chân thảo dược, đánh golf… hay những đêm nhạc giao lưu với các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng vào dịp cuối tuần. Điểm đến Cầu Dầu Glamping tại xã Hàng Gòn do HTX Thanh Niên quản lý và vận hành đã được nhiều người biết đến. Khai thác thêm tiềm năng về du lịch, HTX sẽ xây dựng tour tham quan các vườn trái cây, nhà máy sản xuất cao su được xây dựng từ thời Pháp thuộc, điểm check-in hoàng hôn, trải nghiệm lưu trú lều giữa vườn trái cây trĩu quả.

Cần được hỗ trợ để phát triển

Đối với các HTX, bên cạnh những sản phẩm do mình làm ra để bán trên thị trường thì việc khai thác thêm tiềm năng du lịch đang là hướng đi rất tốt. Tuy nhiên, với nguồn lực khiêm tốn và vướng các quy định, chính sách thì mô hình HTX làm du lịch có những khó khăn nhất định.

Chị Nguyễn Thị Đào, đại diện HTX Nông nghiệp nuôi ong - TMDV Hàng Gòn, cho hay thương hiệu mật ong Minh Đào được nhiều du khách biết đến. Từ đó, chị mở thêm lĩnh vực du lịch, tham quan các trang trại nuôi ong và du lịch sinh thái ở địa phương. Hàng năm, HTX liên kết các công ty du lịch lữ hành, các hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ hưu trí, người cao tuổi, trường học để đưa các đoàn khách tham quan muốn khám phá tìm hiểu địa phương, biết thêm về nghề nuôi ong mật.

Khó khăn hiện nay của HTX là nguồn vốn hạn hẹp, muốn mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong nhưng thiếu vốn. Bên cạnh đó, năng lực quản trị HTX còn hạn chế, kỹ năng kinh doanh của xã viên nói riêng, HTX nói chung chưa bài bản. Do đó, chị tham gia chương trình gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp và đã được một số DN ngỏ ý hợp tác trong tương lai.

Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), cho biết mục tiêu của ông là phát triển du lịch sinh thái vườn, khai thác những tiềm năng về nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương. Cũng như các đơn vị khác, tổ hợp tác rất mong muốn được địa phương hỗ trợ quảng bá thông tin, đồng thời kết nối thêm với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành để khai thác tối đa những dịch vụ mà địa phương có thể cung cấp được.

Tương tự, HTX Nông trại Dốc Mơ (điểm du lịch Dốc Mơ Farm, huyện Thống Nhất) đang triển khai mô hình Du lịch trải nghiệm nông nghiệp nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách hơn. Theo ông Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX, bên cạnh việc cần hỗ trợ trong tiếp cận vốn vay ưu đãi, HTX mong muốn địa phương giúp đỡ, hướng dẫn đơn vị trong việc chuyển đổi mô hình từ đơn thuần nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch nhằm khai thác tốt hơn những dịch vụ sẵn có.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/kinh-te-tap-the/202409/khi-hop-tac-xa-tham-gia-lam-du-lich-447347b/