Khi kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ cần làm gì?

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ sớm có kế hoạch chào từ biệt (farewell calls) các vị lãnh đạo cấp cao nước tiếp nhận, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan có nhiều quan hệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Daniel J.Kritenbrink đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Mỹ Daniel J.Kritenbrink đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Đối với việc Đại sứ chào lãnh đạo cấp cao trước khi kết thúc nhiệm kỳ, các nước đều có quy định cụ thể.

Đối với đoàn Ngoại giao, Đại sứ thông báo sớm cho Trưởng Đoàn Ngoại giao, Đại sứ các nước ASEAN về ngày rời thủ đô để bạn có kế hoạch chia tay. Đại sứ thu xếp đi chào Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ các nước ASEAN và Đại sứ các nước bạn bè.

Đối với bạn bè và những nhân vật mà Đại sứ không có điều kiện đến chào từ biệt thì có thể gửi công hàm cá nhân hoặc danh thiếp để từ biệt.

Đối với Đại sứ hết nhiệm kỳ, nhiều nước có tập quán tặng Huân chương ghi nhận công lao đóng góp của Đại sứ đối với quan hệ hai nước trong thời gian công tác của Đại sứ.

Thông thường, Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận chiêu đãi tiễn Đại sứ và Đoàn Ngoại giao tổ chức chiêu đãi chia tay Đại sứ - một thành viên của Đoàn Ngoại giao. Ngoài ra, tùy theo mối quan hệ trong Đoàn Ngoại giao, có thể một số vị Đại sứ tổ chức chiêu đãi riêng.

Trước khi về, Đại sứ có thư gửi Bộ Ngoại giao nước sở tại đồng gửi Đại sứ các nước hoặc sau khi Đại sứ rời Đại sứ quán có công hàm gửi Bộ Ngoại giao nước sở tại thông báo ngày Đại sứ rời và giới thiệu Đại biện lâm thời.

Đối với nước kiêm nhiệm (có trình Quốc thư), nếu Đại sứ không sang chào từ biệt, Đại sứ quán có công hàm gửi Bộ Ngoại giao hoặc Đại sứ có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao thông báo về việc Đại sứ hết nhiệm kỳ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-ket-thuc-nhiem-ky-dai-su-can-lam-gi-145037.html