Khi kinh tế tập thể được 'tiếp sức'

Lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển mô hình và nâng cao thu nhập là cách làm hiệu quả của TP. Sông Công nhằm hỗ trợ cho kinh tế tập thể.

HTX trà Cao Sơn (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) hiện có 5 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

HTX trà Cao Sơn (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) hiện có 5 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

Theo báo cáo của UBND TP. Sông Công, hàng năm, địa phương đều kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, cùng các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phát triển KTTT của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng, phát triển KTTT vững mạnh, trong đó kinh tế hợp tác xã (HTX) là nòng cốt, TP. Sông Công đã vận động các HTX xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới, giải thể những HTX hoạt động yếu kém, hướng đến xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến. Qua đó đến nay, tất cả 16 HTX trên địa bàn đều đã chuyển đổi mô hình, thành lập mới theo Luật HTX năm 2012.

Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các thành phần KTTT phát triển, TP. Sông Công triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ với hình thức vừa hỗ trợ trực tiếp, vừa lồng ghép với các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Đơn cử như tại HTX trà Cao Sơn (xã Bình Sơn). Dù mới thành lập năm 2019, nhưng trong hai năm liên tiếp (2020 và 2021), HTX đã xây dựng thành công 5 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

HTX trà Cao Sơn hiện đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 12 thành viên và 60 hộ dân liên kết. HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu chè rộng 30ha, trong đó 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc HTX trà Cao Sơn Phạm Văn Tiến cho biết: Thông qua các hoạt động do thành phố triển khai, chúng tôi được tiếp nhận nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Các thành viên và hộ dân của HTX không chỉ được hỗ trợ giống chè mới năng suất cao, tập huấn kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc chế biến chè, mà còn được hỗ trợ kinh phí mua máy vò chè, máy sao chè bằng gas, lắp đặt hệ thống van tưới chè tự động.

Cùng với đó, từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bà con đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến đường giao thông từ trụ sở HTX trà Cao Sơn đi vùng chè xóm Tiền Tiến. Ban đầu, đây là một lối mòn, chỉ vừa xe máy đi thì nay, đường rộng 5m, ô tô chạy bon bon, sản phẩm chè của HTX và bà con nông dân xuất bán thuận lợi, không lo bị ép giá như trước.

Tương tự, HTX sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi cũng nhận được sự tiếp sức kịp thời từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HTX đã xây dựng được 2 sản phẩm trà Truyền thuyết và Tuyệt đỉnh trà đạt 4 sao và 3 sao OCOP trong năm 2021.

HTX chăn nuôi xanh (phường Lương Sơn) là một trong những mô hình KTTT hoạt động hiệu quả trên địa bàn TP. Sông Công.

HTX chăn nuôi xanh (phường Lương Sơn) là một trong những mô hình KTTT hoạt động hiệu quả trên địa bàn TP. Sông Công.

Bên cạnh những chương trình hỗ trợ trên, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực tham gia quản lý, làm việc tại HTX, ngành chức năng TP. Sông Công đã rà soát, hướng dẫn các HTX đăng ký, lập hồ sơ. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, có 3 HTX: nông sản Lương Sơn và chăn nuôi xanh (cùng ở phường Lương Sơn), du lịch cộng đồng Ghềnh Chè (xã Bình Sơn) được hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ làm kế toán và kỹ sư nông nghiệp, với kinh phí hỗ trợ hàng trăm triệu đồng...

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, trong hai năm (2021-2022), UBND TP. Sông Công đã hỗ trợ 15 lượt HTX tham gia các hội chợ, triển lãm với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng; xây dựng 13 điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các HTX, tổ hợp tác, làng nghề trên địa bàn.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn TP. Sông Công có 47 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, tăng 12 THT so với cuối năm 2020; 8 làng nghề chè và làng nghề chè truyền thống, với diện tích trên 550ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 5.000 tấn/năm.

Các thành phần KTTT trên địa bàn đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.000 thành viên và người lao động, với mức thu nhập 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, thành phố đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thành lập các tổ, nhóm sản xuất an toàn; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các làng nghề thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư trang thiết bị máy móc… Đến nay, TP. Sông Công có gần 400ha chè áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; 76ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 10 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của KTTT, đặc biệt là các HTX, theo lãnh đạo UBND TP Sông Công: Thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị của ban giám đốc các HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/khi-kinh-te-tap-the-duoc-tiep-suc-2600e06/