Khi kinh tế tập thể ở vùng cao được tiếp sức
Những năm qua, huyện vùng cao Võ Nhai dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, đặc biệt là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, huyện vùng cao Võ Nhai dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực được hình thành, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Võ Nhai, hiện nay trên địa bàn huyện có 8 THT, 93 HTX đang hoạt động, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.300 thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Tất cả các THT đều hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với ngành nghề chủ yếu là trồng lúa nếp, trồng na và nuôi cá. Có gần 60% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ nông nghiệp.
Các THT, HTX này được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân nhằm liên kết để sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế tại địa phương.
Để các thành phần kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX, THT phát triển, hằng năm, UBND huyện Võ Nhai đều phối hợp với các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX về kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý HTX; tạo điều kiện để các đơn vị tham gia các chương trình OCOP, hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm nhằm mở rộng thị trường...
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, đoàn thể phối hợp triển khai sâu rộng tới từng địa phương, hỗ trợ HTX, THT áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tuyên truyền, vận động các HTX, THT chủ động chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Trong 2 năm 2021-2022, huyện đã rà soát, hướng dẫn các HTX thành lập mới làm hồ sơ đề nghị Liên minh HTX tỉnh xem xét hỗ trợ, qua đó đã có 27 HTX thành lập mới được hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền 270 triệu đồng.
Huyện cũng triển khai hiệu quả các mô hình, chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX, THT ở vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiêu biểu như: Hỗ trợ 99 triệu đồng kinh phí chứng nhận VietGAP cho cây na của HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng; hỗ trợ 200 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, tem mác, bao bì cho HTX Nông sản an toàn Liên Minh (xóm Thâm, xã Liên Minh)...
Chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Minh, cho biết: HTX chúng tôi thành lập từ năm 2018 với 30 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất, chế biến chè. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, với sự trợ lực, hỗ trợ từ Nhà nước, các thành viên, hộ dân liên kết trong HTX đã có thêm kinh phí để mua máy móc nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục duy trì mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng chè theo hướng hữu cơ. Năm 2021, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm trà móc câu Liên Minh đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, HTX đã phát triển lên 50 thành viên và 40 hộ liên kết; có 51ha chè đã được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó, 20ha đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hữu cơ.
Ngoài việc triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện Võ Nhai cũng trích ngân sách huyện để hỗ trợ với mỗi sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 10 triệu đồng để thiết kế và in bao bì.
Giai đoạn 2020-2022, huyện Võ Nhai có 12 sản phẩm chè, na, bún khô, mỳ gạo, măng, mộc nhĩ, bánh khẩu sli được công nhận 3 sao, 4 sao OCOP, trong đó, 11 sản phẩm là của các HTX, THT.
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Xác định phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích các HTX, THT tiêu thụ, chế biến nông sản, áp dụng công nghệ... Qua đó nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, với mục tiêu phát triển KTTT theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, loại hình HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ như may gia công, chế biến, đóng gói thực phẩm, du lịch cộng đồng… cũng được huyện khuyến khích, tạo điều kiện.