Khi lá cờ xanh được giương từ phương Nam
Trong khi nhiều cường quốc phương Bắc vẫn do dự giữa các lợi ích kinh tế và cam kết môi trường, một lá cờ xanh - biểu tượng của công lý khí hậu và phát triển bền vững - đang được giương cao từ phía Nam toàn cầu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sắp diễn ra ở Brazil, các nền kinh tế mới nổi đang củng cố tiếng nói tập thể, đề xuất những định hướng mới cho quản trị khí hậu quốc tế. Không còn chỉ là bên thụ hưởng, BRICS+ đang thể hiện khát vọng trở thành kiến trúc sư của một trật tự khí hậu công bằng hơn.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sẽ diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, Brazil. Sự kiện này đánh dấu cột mốc đầu tiên sau khi khối mở rộng thành BRICS+, quy tụ thêm các thành viên mới như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia và Iran. Dưới vai trò Chủ tịch luân phiên, Brazil đề xuất ba trọng tâm hợp tác: y tế, trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu, trong đó khí hậu được coi là trụ cột xuyên suốt mọi định hướng phát triển.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sẽ diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Với chủ đề “Hợp tác đa phương vì công bằng và phát triển phía Nam toàn cầu”, hội nghị lần này mang theo kỳ vọng lớn rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ cùng nhau giương cao một lá cờ xanh - lá cờ của hành động khí hậu chủ động, không còn bị dẫn dắt hay áp đặt bởi các chuẩn mực phương Tây. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng cấp bách, còn những cơ chế toàn cầu hiện hành vẫn thiếu hiệu quả và mất cân đối.
Phía Nam toàn cầu - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu - từ lâu bị xem như người đứng ngoài cuộc chơi quyền lực về môi trường. Chính BRICS đang dần thay đổi cục diện ấy. Với hơn 45% dân số thế giới và đóng góp khoảng 35% GDP toàn cầu, nhóm này không chỉ có quy mô, mà đang cho thấy năng lực chính trị để đưa ra những mô hình phát triển thay thế.
Lập trường xuyên suốt của BRICS là khẳng định nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và khả năng tương ứng” (CBDR-RC), theo đó nghĩa vụ khí hậu phải dựa trên lượng phát thải lịch sử và năng lực hiện tại của mỗi quốc gia. Khác với tư duy áp đặt trách nhiệm ngang hàng, BRICS yêu cầu một khung cam kết phản ánh công bằng thực chất, chứ không chỉ hình thức.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 ở Kazan, Nga, hồi tháng 10/2024, các nhà lãnh đạo BRICS đã lên tiếng mạnh mẽ về sự bất tương xứng giữa nghĩa vụ và năng lực. Họ chỉ rõ rằng các khuôn khổ toàn cầu hiện nay vẫn đặt gánh nặng lớn lên vai các nước đang phát triển trong khi các nước phát triển không thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, quỹ 100 tỷ USD/năm dành cho các nước nghèo theo Thỏa thuận Paris vẫn chỉ là con số mang tính biểu tượng. Trong khi đó, nhiều quốc gia phương Tây lại đang tiến hành các biện pháp khí hậu đơn phương như thuế carbon xuyên biên giới hay điều kiện hóa tài chính xanh, vốn có thể gây bất lợi cho các nền kinh tế mới nổi. Trong bối cảnh ấy, BRICS không chỉ phản đối mà đang kiến tạo những giải pháp riêng.
Một trong số đó là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), thành lập năm 2014, hiện là công cụ tài chính trung tâm trong hệ sinh thái khí hậu BRICS. NDB đã cấp vốn cho hàng chục dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng xanh, đô thị thông minh ở các nước thành viên và đang mở rộng phạm vi tới các quốc gia đang phát triển khác. Tại Kazan, các nhà lãnh đạo BRICS đã thảo luận việc phát hành trái phiếu xanh nội khối và xây dựng cơ chế thị trường carbon độc lập - nhằm tạo không gian tài chính linh hoạt và chủ động, thay thế cho các dòng vốn nhiều điều kiện từ phương Bắc.
Định hướng khí hậu của BRICS không chỉ là phản ứng với bất bình đẳng mà còn là biểu hiện của một chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Khối này nhấn mạnh rằng xóa đói giảm nghèo, tiếp cận năng lượng, hạ tầng cơ bản và chuyển đổi số đều phải được lồng ghép trong hành động khí hậu. BRICS không chấp nhận một mô hình “khí hậu hóa” các mục tiêu kinh tế mà không quan tâm đến đời sống thực tế của người dân các nước nghèo. Điều này cũng lý giải vì sao các sáng kiến khí hậu của BRICS thường đi đôi với chính sách xã hội: hỗ trợ nông dân chuyển đổi sinh kế, đưa năng lượng sạch về nông thôn, tài trợ startup xanh…
Trong chiến lược hành động khí hậu của mình, BRICS còn hướng đến đổi mới công nghệ, với các sáng kiến tích hợp công nghệ blockchain để giám sát phát thải, tăng cường minh bạch trong tài chính khí hậu và cải thiện trách nhiệm giải trình. Các hợp đồng thông minh, nền tảng truy xuất dữ liệu chuỗi cung ứng và hệ thống giám sát carbon theo thời gian thực đang được thử nghiệm nội khối. Mục tiêu của khối là xây dựng một hệ sinh thái khí hậu số độc lập, giảm phụ thuộc vào hệ thống công nghệ do phương Tây kiểm soát, đồng thời tạo điều kiện cho các nước đang phát triển cùng tiếp cận công nghệ theo hình thức mở và có thể tùy biến địa phương.
Sự lan tỏa của mô hình BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia phía Nam. Thay vì tiếp tục tham gia các cơ chế nơi họ bị xem là “bên được hỗ trợ”, nhiều nước đang chủ động tham gia các diễn đàn do BRICS dẫn dắt để có vai trò thiết kế luật chơi. Việc khối này mở rộng thành BRICS+ chính là sự phản ánh rõ ràng cho xu hướng đó. Cùng với việc tăng cường hợp tác với ASEAN, Liên minh châu Phi, và các cơ chế Nam-Nam khác, BRICS đang hình thành một liên minh chính trị - công nghệ - tài chính có khả năng tác động thực chất đến quản trị khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, BRICS cũng đối diện với những thách thức không nhỏ.
Các khác biệt nội khối về lợi ích phát triển, mức độ phát thải, cơ cấu năng lượng hay định hướng công nghệ đôi khi khiến khối gặp khó trong xây dựng đồng thuận. Thêm vào đó, sự trở lại của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng đặt ra nguy cơ Mỹ sẽ tiếp tục rút khỏi các cam kết khí hậu quốc tế, làm trầm trọng thêm khoảng trống tài chính và kỹ thuật mà các nước đang phát triển vốn rất cần.
Trong bối cảnh ấy, BRICS không còn nhiều lựa chọn ngoài việc củng cố nội lực và tăng cường hợp tác để giảm thiểu tổn thương từ bên ngoài. Chính lá cờ xanh mà BRICS đang giương lên lúc này là tuyên bố rõ ràng nhất: phía Nam toàn cầu không còn muốn đi sau, mà muốn đi cùng - và nếu cần, đi trước - trong cuộc chiến vì tương lai hành tinh.
Khi hội nghị BRICS+ lần thứ 17 khai mạc tại Rio de Janeiro, thế giới sẽ không chỉ theo dõi một sự kiện ngoại giao đa phương, mà còn lắng nghe cách các quốc gia từng bị gạt ra bên lề sẽ tự vẽ bản đồ phát triển mới cho chính mình. Lá cờ xanh được giương từ phương Nam, vì thế, không chỉ là biểu tượng của khát vọng khí hậu công bằng, mà còn là hồi chuông cho một trật tự toàn cầu cần được viết lại bằng tiếng nói của đa số im lặng suốt quá lâu.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/khi-la-co-xanh-duoc-giuong-tu-phuong-nam-i773441/