Khi làng xã cần, đất vàng cũng hiến

Trong thời điểm 'tấc đất, tấc vàng' hiện nay, việc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường và các công trình công cộng không mấy dễ dàng. Thế nhưng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhiều gia đình không ngần ngại hiến hàng nghìn m2 đất. Với họ, mỗi mét đất cho đi là làm một việc ý nghĩa cho cả cộng đồng.

Chung tay xây công trình mới

Là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Thanh Luận (Sơn Động) còn nhiều khó khăn, phần vì trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, phần khác hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nhiều. Tháo gỡ “điểm nghẽn”, năm nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã Thanh Luận được bố trí 9,4 tỷ đồng xây dựng 4 công trình, trong đó có 3 công trình đường giao thông với tổng chiều dài hơn 1,9 km. Vì các tuyến đường cũ nhỏ hẹp lại đi qua phần đất của người dân nên muốn mở rộng, trước hết địa phương phải vận động người dân đồng thuận hiến đất.

 Nhà thầu thi công đường qua thôn Thanh Hà, xã Thanh Luận (Sơn Động).

Nhà thầu thi công đường qua thôn Thanh Hà, xã Thanh Luận (Sơn Động).

Theo đó, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lần đến tận thôn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ cách vận động mềm dẻo nên được người dân đồng tình ủng hộ. Chỉ trong một tháng cả xã có 35 hộ dân tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất với tổng diện tích hơn 20 nghìn m2 cùng hơn 3 nghìn cây keo, vải thiều, nhãn. Tiêu biểu như hộ ông Hoàng Văn Tiếp, thôn Gà hiến 4 nghìn m2 đất vườn và 500 cây keo 2 năm tuổi; hộ ông Phạm Văn Hảo, thôn Gà hiến hơn 5,2 nghìn m2 đất; bà Hoàng Thị Cảnh, thôn Thanh Hà hiến 400 m2…

“Tôi năm nay cũng đã gần 60 tuổi nên nếu giữ lại diện tích trên để trồng keo thì may ra được 2-3 chu kỳ, tính ra thu về cũng chẳng được bao nhiêu. Hiến đất để thôn, xã mở đường không chỉ thuận lợi cho việc đi lại mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho con cháu sau này. Nghĩ vậy nên tôi quyết định hiến đất và được vợ, con ủng hộ”, ông Hoàng Văn Tiếp nói.

Cũng như ở Thanh Luận, tại xã Lục Sơn (Lục Nam) - nơi có 55,8% dân số là người DTTS, phong trào hiến đất cũng lan tỏa đến khắp các ngõ xóm. Thống kê từ năm 2019 đến nay, 220 hộ trong xã hiến hơn 12,2 nghìn m2 đất, hàng chục hộ tự nguyện phá dỡ tường rào, lùi một phần đất sản xuất để mở rộng đường. Tính riêng năm 2022, cả xã có 30 hộ hiến hơn 1,6 nghìn m2 đất để thi công 2 km đường giao thông, 7 ngầm và cầu dân sinh.

Điển hình như bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Hổ Lao hiến 418,1 m2 đất, chặt hơn chục cây nhãn, vải thiều, tạo điều kiện để xây dựng ngầm dân sinh suối Đầu Bè, giúp nắn thẳng đoạn đường đấu nối với ngầm, giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Hay như gia đình ông La Văn Vành phá 30 m tường bao, 1 gian công trình phụ, hiến 100 m2 đất thổ cư để thi công cầu Hổ Lao; ông Bàn Văn Thắng, người có uy tín của đồng bào người Dao cùng 25 hộ dân thôn Đồng Vành 1 hiến đất để mở rộng trục đường chính của thôn…

“Bàn tới bàn lui với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, cuối cùng tôi quyết định tiên phong phá tường để làm gương. Từ đó, đồng bào làm theo, phong trào hiến đất mở đường như luồng gió thổi vào từng gia đình, ngõ xóm. Khi mọi thứ hanh thông thì đường nhỏ thành to, ngõ xóm được nâng cấp, đồng bào có điều kiện để thay đổi cuộc sống”, ông Bàn Văn Thắng chia sẻ.

Biểu dương, động viên kịp thời

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 45 thành phần DTTS với hơn 260 nghìn người, trong đó có 6 thành phần DTTS đông, sinh sống thành cộng đồng. Hiện toàn tỉnh còn 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 36 xã khu vực I, 9 xã khu vực II và 28 xã khu vực III với tổng số 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

 Cầu Hổ Lao được xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH xã Lục Sơn (Lục Nam).

Cầu Hổ Lao được xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH xã Lục Sơn (Lục Nam).

Để “trợ lực” cho khu vực này, từ các nguồn vốn, các địa phương đã, đang triển khai nhiều công trình, dự án đường giao thông, ngầm, cầu và cơ sở vật chất. Cùng với nguồn lực hỗ trợ, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tặng cây và được đồng bào đón nhận, hưởng ứng.

Tại huyện Sơn Động, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, toàn huyện có 54 công trình đang được triển khai với tổng nguồn vốn gần 370 tỷ đồng. Do nhiều dự án không bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khi triển khai, huyện yêu cầu các địa phương tập trung cao công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến 168 ha đất, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai các dự án.

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Người dân tích cực tham gia hiến đất cho thấy họ đã nhận ra lợi ích khi những tuyến đường được mở rộng, nhiều công trình được xây mới. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục vươn lên, đồng hành cùng địa phương đưa Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025”.

Nhằm động viên, khích lệ các cá nhân điển hình hiến đất, ngày 4/8, UBND tỉnh có công văn giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn khen thưởng cá nhân, hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi.

Nhằm động viên, khích lệ các cá nhân điển hình hiến đất, ngày 4/8 vừa qua, UBND tỉnh có công văn giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn khen thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi.

Tại các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế cũng như thành tích đột xuất trong tuyên truyền, vận động hiến đất, UBND các huyện kịp thời có hình thức khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng.

Tại huyện Yên Thế, hằng năm, Huyện ủy đều lồng ghép nội dung biểu dương điển hình trong hiến đất làm đường, ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại chung khảo cuộc thi “Dân vận khéo”. Tương tự, căn cứ vào diện tích, giá trị đất, tài sản hiến, UBND huyện Sơn Động chủ động đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh và UBND huyện khen thưởng.

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nói: “Khi Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn khen thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình tự nguyện hiến đất, việc biểu dương, động viên sẽ kịp thời hơn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Trước mắt, căn cứ vào kết quả rà soát, lựa chọn các cá nhân điển hình của các huyện, Ban Dân tộc tỉnh sẽ sàng lọc, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất vào tháng 11 tới”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/410968/khi-lang-xa-can-dat-vang-cung-hien.html