Khi lỗi thuộc về những vì sao
'Thế giới này không phải là một nhà máy sản sinh ra những ước muốn đâu' - dẫu có phũ phàng, nghiệt ngã nhưng điều đó là sự thực. Tuy nhiên, 'Khi lỗi thuộc về những vì sao' của John Green (NXB Trẻ) nói với chúng ta nhiều điều hơn thế. Từ thực tế cuộc sống của những người trẻ mắc bệnh ung thư, xoáy sâu vào diễn biến tâm lý cùng câu chuyện tình yêu và sức mạnh tình yêu của Hazel và Augustus Waters, John Green đã trao gửi thông điệp về sức mạnh, khát vọng, nghị lực sống và tình yêu thương.
Hazel - nữ chính của cuốn tiểu thuyết “Khi lỗi thuộc về những vì sao” đã vật vã trải qua những ngày tháng tuổi trẻ của mình với căn bệnh ung thư tuyến giáp. Quãng đời tuổi trẻ của cô trôi đi trong nỗi đau đớn về thể xác, khô héo về tinh thần khi phần lớn thời gian cô dành để “nghĩ về cái chết”, mọi thứ diễn ra xung quanh cô đều... “chán òm như chui vô hòm”.
Để đưa cô thoát khỏi “bể trầm cảm làm tê liệt mọi hoạt động và khiến cô thờ ơ với mọi sự xung quanh”, mẹ cô đã khuyên cô tham gia Hội tương trợ - “mái nhà chung” của những người trẻ mắc căn bệnh ung thư.
Ở đây, cô gặp gỡ và kết giao với những người trẻ cùng cảnh ngộ. Tất cả họ đều chọn cách đối mặt với căn bệnh quái ác bằng tâm thế bình thản nhất, thậm chí luôn sẵn sàng và chuẩn bị cho cái chết của mình. Và cũng chính tại đây, Hazel gặp được tình yêu - định mệnh cuộc đời - ánh sáng hy vọng đời mình là Augustus Waters (Gus), người cũng phải chịu sự giày vò của căn bệnh ung thư xương, đã bị cắt cụt một chân. Trái ngược với tâm thế của nữ chính, chàng trai cao ráo, gương mặt đẹp, giọng nói cuốn hút Augustus Waters thực sự dí dỏm, thông minh, sâu sắc, lạc quan, yêu đời… Hai con người, hai tính cách, hai số phận vốn xa lạ lại được kết nối, bện chặt vào nhau bởi chính căn bệnh ung thư quái ác. Cơ duyên gặp gỡ nhau tại Hội tương trợ đã tái sinh cuộc đời đôi bạn trẻ Hazel - Gus, viết nên câu chuyện chân thực, cảm động về tình yêu chân thành và nghị lực sống. Cuộc sống vốn là như vậy, may mắn và bất hạnh vẫn thường đan xen, đồng hiện, điều quan trọng nằm ở tâm thế tiếp nhận của mỗi người.
“Nỗi đau cần được cảm nhận”, đó như là một cụm từ khóa quan trọng cho những ai có ý định tìm đọc “Khi lỗi thuộc về những vì sao”. Với sức mạnh của tình yêu, sự đồng cảm sâu sắc, đôi bạn trẻ đã dìu nhau bước qua muôn vàn thử thách, đớn đau cả về thể xác và tâm hồn. Hai con người bất hạnh ấy đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy, ấm áp, êm ái hơn bất kì một liều morphine nào. Họ có thể dành hàng giờ để nói về “Nỗi đau tột cùng”, “Cái giá của bình minh” - những cuốn sách mà họ yêu thích. Họ giúp đỡ, động viên nhau vượt qua từng cơn đau, sẻ chia với nhau từng niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn trong cuộc sống.
Có những chi tiết rất nhỏ nhưng khi đặt vào hoàn cảnh ấy, những số phận thật sự khiến bạn đọc dâng trào cảm xúc. Ấy là khi Gus và Hazel nằm sát bên nhau, trao nhau nụ hôn say đắm rồi cùng ngủ thiếp đi “trong sự vướng víu của cơ thể và bùng nhùng đủ loại ống dẫn”. Là nỗi đau đớn, bất lực, tủi hổ của Gus khi bệnh ngày càng diễn biến nặng, mặc dù ý thức vẫn còn minh mẫn nhưng chính anh lại không thể làm chủ được việc tiểu tiện, nôn ọe khắp nơi và phải phiền đến bố mẹ, người yêu giúp đỡ. Là cảm giác trống rỗng, đau đớn của Hazel khi nhìn thấy bạn trai mình nằm ngọ nguậy trong một vũng nước đái của chính anh ấy mà phải ngoảnh mặt quay đi vì lo sợ bạn trai sẽ mặc cảm, xấu hổ… Là sự đồng cảm khi một con người vốn lạc quan như Gus cũng có lúc chìm vào cơn tuyệt vọng: “Anh căm ghét bản thân mình, anh căm ghét bản thân mình"...
Nhưng họ vẫn mang theo những đau đớn ấy mà trân trọng từng nhịp thở: “Nếu không có nỗi đau, làm sao chúng ta cảm thụ được niềm vui?”. Dù tất cả những người ấy đều tự tiên liệu về cái kết cho mình, đã cẩn thận, tỉ mỉ lo hậu sự cho mình, đã “tổng duyệt đám tang của mình”, tận tai lắng nghe điếu văn của những người thân yêu nhất dành cho mình thì trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn khao khát được sống, được yêu, được cống hiến. Và tận cùng của nỗi đau, độc giả cảm nhận rất rõ sự luyến tiếc khi Gus siết chặt tay Hazel nói: “Cuộc đời này thật đẹp”. Câu nói ấy là tận cùng của sự luyến tiếc đối với một con người tha thiết muốn được yêu, được sống nhưng biết trước mình sẽ chết, cái chết đang đến rất gần.
Tám ngày sau buổi diễn tập tang lễ của chính mình, Gus đã “chìm vào giấc ngủ mãi mãi” tại Bệnh viện Memorial, trong phòng chăm sóc đặc biệt, khi căn bệnh ung thư, vốn đã di căn toàn bộ cơ thể anh, cuối cùng đã làm tim anh, cũng là một phần cơ thể anh, ngừng đập. Tình yêu, nghị lực mạnh mẽ đã không thể cứu sống Gus qua cơn bạo bệnh. Trong một vũ trụ dành cho sự sáng tạo cũng như tẩy xóa nhận thức, Augustus Waters “không phải mất sau một cuộc chiến dài đằng đẵng với bệnh ung thư, mà anh qua đời sau cuộc chiến dài đằng đẵng với ý thức của con người, một nạn nhân – sau này bạn cũng thế - của vũ trụ, vốn có thể tạo ra đồng thời phá hủy tất cả”. “Với cuộc đấu tranh sinh tồn mà kết cục sẽ là cửa tử dành cho tất cả chúng ta, liệu tính phù du thoáng qua của ý nghĩa sống mà nghệ thuật đem lại cho chúng ta có giá trị không? Hay sống chỉ mang giá trị đơn thuần là từng ngày trôi qua sao cho thoải mái nhất?” - câu hỏi của Hazel khiến bất kì ai cũng phải trăn trở suy nghĩ.
Nhưng Augustus Waters và Hazel đã viết nên “tình yêu vĩ đại”, đã cho nhau “giây phút vĩnh viễn trong chuỗi ngày ngắn ngủi”. Câu chuyện về cuộc đời và tình yêu, nghị lực sống của họ là “một bản anh hùng ca” càng lật dở về sau độc giả càng không khỏi rơi lệ, cảm phục. “Green viết sách cho độc giả trẻ, nhưng giọng văn của anh bình dị đến mức thoát khỏi mọi hệ thống phân loại độc giả. Anh viết vì tuổi trẻ, hơn là dành cho giới trẻ, và ta có thể cảm nhận được sự khác biệt đó…” (NPR.org). Tự thưởng cho mình những khoảng thời gian thư thái, tĩnh tâm để chìm vào thế giới ngôn ngữ, nhân vật, câu chuyện của cuốn sách “Khi lỗi thuộc về những vì sao” và bạn sẽ thấy khoảng thời gian nhỏ bé mà bạn dành cho cuốn sách này là xứng đáng…