Khi lòng dân đã thuận

Đó là chia sẻ của anh Sùng A Dùa, Trưởng thôn Suối Thầu, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) khi giới thiệu về tuyến đường bê tông qua thôn tưởng chừng như không bao giờ có thể hoàn thành nay đã hiện hữu; hoặc việc tranh chấp đất đai khiến tình làng, nghĩa xóm sứt mẻ nay đã hạn chế rất nhiều. Người dân thôn Suối Thầu đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 10%.

Suối Thầu có 127 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, kinh tế các hộ tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, đường giao thông qua trung tâm thôn dài 500 m đã được đổ bê tông nhưng bề rộng mặt đường chỉ 3 m, khó đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng tăng. Trước tình hình này, đầu năm 2022, xã Tả Phìn đưa ra chủ trương nâng cấp đường từ 3 m lên 5 m theo hướng nhà nước đầu tư vật liệu, người dân hiến đất làm đường.

Trước khi cuộc họp thôn được tổ chức để bàn về vấn đề mở rộng đường, anh Sùng A Dùa đã đến từng hộ vận động tham gia. Ban đầu, một số hộ đề cập tới việc đền bù nếu mở rộng đường ảnh hưởng đến đất của gia đình, nhưng anh Dùa đã giải thích cặn kẽ để người dân hiểu ý nghĩa mở rộng con đường là phục vụ đi lại của chính người dân, bên cạnh đó còn tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản của các hộ trong thôn.

Dần dần người dân hiểu và đồng thuận, thôn có tới 40 hộ tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông. Tiêu biểu như gia đình chị Vàng Thị Giả sẵn sàng đập cổng đã xây kiên cố nhường mặt bằng mở rộng đường giao thông nông thôn.

Cách tuyên truyền, vận động ở thôn Suối Thầu là để các hộ tự bàn, thống nhất phương án. Ví dụ, 2 hộ đối diện nhau đều có diện tích đất bị ảnh hưởng phải đập tường rào hoặc phá cổng để làm đường thì tự thỏa thuận 1 nhà hiến đất, nhà còn lại bù tiền cho nhà kia theo thỏa thuận. Cuối năm 2022, con đường dài 500 m, rộng 5 m đã xong, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn và kết nối giao thông giữa Suối Thầu với các thôn khác.

Nhờ cách tuyên truyền, vận động này của trưởng thôn mà một số hộ ban đầu chưa đồng thuận đã hiểu và khẳng định: “Các hộ tự nguyện hiến đất vì việc thôn, gia đình tôi cũng sẽ làm như vậy”. Anh Dùa cho biết: Người dân chưa đồng thuận là vì chưa hiểu, trách nhiệm của trưởng thôn là phải tuyên truyền, giải thích cặn kẽ đến khi các hộ hiểu ra vấn đề. Sau đó, tôi huy động những hộ đã hiểu, ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng đến các hộ chưa hiểu tiếp tục tuyên truyền, vận động.

Suối Thầu có khí hậu phù hợp phát triển địa lan, người dân ở đây nhiều năm qua nhân giống địa lan bán ra thị trường nhưng quy mô không lớn, chủ yếu từ 30 - 50 chậu/hộ. Trước tình hình đó, trưởng thôn Sùng A Dùa cùng các hộ trồng địa lan bàn cách mở rộng quy mô vườn địa lan, vì quy mô lớn mới thu hút thương lái đến thu mua.

Gia đình anh Dùa cũng nâng tổng số địa lan trong vườn lên 700 chậu, 2 hộ nhiều nhất là Chang A Dễ (hơn 1.000 chậu) và Sùng A Sa (gần 1.000 chậu). Thu nhập từ trồng địa lan của 3 hộ đạt cao nhất trong thôn từ 300 - 400 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay, mở rộng quy mô vườn lan trở thành phong trào phát triển kinh tế hiệu quả ở Suối Thầu.

Hầu hết các hộ ở Suối Thầu trồng địa lan, đây cũng là nguồn thu chủ yếu và ổn định của 127 hộ trong thôn, giờ đây trong thôn đâu đâu cũng thấy địa lan.

Anh Sùng A Dùa chỉ tay lên những sườn núi phía xa xa giới thiệu những vườn địa lan được sắp xếp khéo léo không khác gì ruộng bậc thang trên vùng núi cao. Do đặc thù về vị trí địa lý, khu vực đất bằng phẳng rộng ở Suối Thầu rất ít, chủ yếu là núi đá lô nhô, độ dốc lớn. Không để đất nghỉ, những người nông dân chăm chỉ đã cải tạo khu vực này thành các vườn địa lan lớn, giá trị kinh tế cao.

Nhờ cách tuyên truyền, vận động phù hợp với phong tục, tập quán, tình hình trong thôn, Suối Thầu trở thành điển hình trong hiến đất làm đường giao thông, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, tinh thần đoàn kết cùng giúp nhau phát triển...

Từ năm 2017 trở về trước, tình hình tranh chấp đất đai trong thôn khá phức tạp, đến nay đã được giải quyết ổn thỏa thông qua tổ hòa giải. Mỗi khi trong thôn có việc cưới, xin, ma chay, gia đình có thành viên ốm đau, tất cả các hộ trong thôn đều đoàn kết cùng chung niềm vui hoặc chia sẻ khó khăn. Đến nay, Suối Thầu chỉ còn 14 hộ nghèo, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khi-long-dan-da-thuan-post370869.html