Khi lòng tham trở thành đề tài triết học
Hơn nửa thế kỷ qua, cuốn sách Các triết gia thế tục xuất bản năm 1953 của sử gia kinh tế Robert L.Heilbroner đã bán hơn 4 triệu bản trên khắp thế giới và hiện vẫn là cuốn sách về lịch sử phát triển tư tưởng kinh tế và những người làm thay đổi dòng chảy kinh tế thế giới được tìm kiếm.
Nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng viết: “Tư tưởng của những nhà kinh tế học hay những triết gia chính trị dù đúng hay sai, đều mạnh mẽ hơn những gì ta tưởng. Quả thực, thế giới này bị điều khiển bởi một vài người. Những người thực dụng, tin rằng mình thoát khỏi mọi ảnh hưởng trí tuệ khác, lại thường là nô lệ của một nhà kinh tế học đã quá cố nào đó”.
Kế thừa chính trích dẫn trên, trong tác phẩm này, Heilbroner một lần nữa khẳng định việc tìm kiếm trật tự và ý nghĩa của lịch sử xã hội chính là trung tâm của kinh tế học. Lần ngược quá khứ, ông chỉ ra xã hội loài người đã đảm bảo sức sống cho nền kinh tế từng chỉ xoay quanh có hai phương thức: truyền thống (theo kiểu cha truyền con nối) và ép buộc (bằng các mệnh lệnh). Chỉ khi giải pháp thứ ba là hệ thống thị trường ra đời mà sự tồn vong của xã hội được đảm bảo bằng cách để mỗi cá nhân được tự do làm việc phù hợp với mình, miễn là tuân theo một quy tắc hướng dẫn trung tâm, thì cũng khi ấy nhà kinh tế học mới kịp xuất hiện.
Trong hệ thống thị trường, chính sự hấp dẫn của lợi nhuận chứ không phải sức ép của truyền thống hay chiếc roi “điều khiển” con người. Mặc cho mỗi người tự do theo đuổi lợi nhuận theo một cách riêng, nhưng sự tương tác giữa các cá nhân sẽ giúp hoàn thành những nhiệm vụ thiết yếu của xã hội này. Thế nhưng cũng khi ấy buộc phải có sự hiện diện của các nhà kinh tế học, bởi khi xã hội không còn tuân theo sự áp chế của luật lệ, thì ai dám đảm bảo rằng mỗi cá thể đều sẽ hướng đến mục tiêu chung hay phân công lao động sẽ được đồng đều? Vì vậy, các nhà kinh tế học chính là những người đảm nhận trọng trách trả lời cho câu hỏi này.
Cách tiếp cận khác biệt
Bởi hiểu được việc tái hiện một cách đầy đủ lịch sử tư tưởng của các nhà kinh tế học là điều không thể nên thay vì chọn lối tiếp cận bao quát mà một cuốn sách không thể bao trọn, Heilbroner đã chọn tập trung vào các bậc vĩ nhân có những đóng góp mang tính vĩ đại, đã làm thay đổi cả nhân loại này theo nghĩa thật sự. Ông gọi họ là các “triết gia thế tục” bởi họ đã biến thứ động cơ thế tục nhất của loài người - lòng tham - trở thành đề tài triết học. Đó là Adam Smith với Sự thịnh vượng của các quốc gia, là Thomas Malthus và David Ricardo với các góc nhìn kinh tế bi quan cũng như Karl Marx với Tư bản, Alfred Marshall, Thorstein Veblen hay John Maynard Keynes, Joseph Schumpeter…
Nhưng lối viết này cũng có điểm yếu, bởi nếu không tạo được một sợi dây kết nối thì cả công trình sẽ dễ sa vào cảm tính, vì sao lại chọn người này mà không phải người kia? Do đó, Heilbroner đã rất nỗ lực để khắc phục nó bằng cách đi rất sâu vào từng nhân vật và phân tích một cách kỹ càng nhưng vẫn dễ hiểu những điểm nổi bật trong tư tưởng của họ, qua đó chỉ ra điểm yếu cũng như hạn chế mà những người sau rồi sẽ bổ sung, góp phần hoàn thiện. Cũng chính điều này giúp cho cuốn sách có sự xuyên suốt, kết nối mà không cục bộ, đứt gãy.
Chẳng hạn với khái niệm “tích lũy”, trong khi Smith cho rằng hành động tích lũy sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội khi vốn nếu được đầu tư vào máy móc sẽ tạo ra sự phân công lao động hợp lý, gia tăng năng lực sản xuất cũng như tạo ra nhiều việc làm hơn, thì Hobson lại có một góc nhìn khác dựa vào thời đại, khi coi chính sự tích lũy dẫn đến dư thừa là nguồn gốc hình thành chủ nghĩa đế quốc, bởi lượng hàng tồn từ nơi mẫu quốc phải có nơi tiêu thụ, khi đó sẽ là các thuộc địa mới. Có thể nói bằng cách tìm ra những sự kết nối, Heilbroner đã giúp tác phẩm có sự vận động, không chỉ dừng lại ở việc liệt kê hoặc là gợi nhắc.
Những góc nhìn mới
Ngoài khía cạnh chuyên môn thông qua việc phân tích các tư tưởng này, ông đã kết hợp những chi tiết đời thường, tính cách cá nhân cũng như những mối quan hệ giữa các nhà kinh tế học, từ đó tạo ra bức tranh có phần sinh động về người đứng sau những tư tưởng lớn.
Chẳng hạn, trong chương về Marx và Engels, ta sẽ thấy Marx “bằng xương bằng thịt” dưới sự mô tả của Heilbroner. Đó là một người vạm vỡ, thường xuyên trầm ngâm, trong khi Engels thì lại thanh thoát, biết cách tận hưởng. Không dừng ở đó, quá trình cộng tác cùng nhau cũng được nhắc đến để qua đó ta biết Engels tuy có những ý tưởng hay nhưng thường không thể đào sâu vào tận bản chất nên Marx sẽ là người cải thiện điều đó, giúp các tư tưởng thêm phần chặt chẽ và sáng rõ hơn.
Tuy vậy, Heilbroner cũng không xem các bậc thầy này là thánh nhân, mà cuộc đời họ cũng có những nốt trầm lắng, cũng mắc sai lầm rất đỗi con người. Chính những điều này mang đến tính mới cho tác phẩm, bởi nếu kinh tế là một khái niệm trừu tượng, thường bị hiểu lầm, thì những con người đứng đằng sau nó càng vô danh. Nhưng có thể nói qua những điểm xuyết tiểu sử cùng những ảnh hưởng qua lại của cá tính - bối cảnh - thời gian, ta đã hiểu thêm về những tư tưởng cũng như đóng góp của họ cho dòng chảy kinh tế. Những chi tiết này cũng rất vừa phải, không chiếm quá nhiều dung lượng, thế nhưng qua đó giúp ta có được cái nhìn mang tính toàn cảnh về những vĩ nhân.
Ngoài ra, cuốn sách còn bàn đến những chủ đề về sự tương tác giữa kinh tế và các ngành khác, mang đến những sự liên đới có phần mới mẻ. Chẳng hạn trong chương về Malthus và Ricardo, tác giả đã làm nổi bật được sự kết nối với ngành nhân học, rằng liệu có kịch bản nào mà sự tăng theo cấp số nhân của dân số vượt quá khả năng cung cấp theo cấp số cộng của tài nguyên thiên nhiên, từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng? Hay trong chương cuối về Joseph Schumpeter, tác giả cũng hướng ta đến rất nhiều dự đoán về tương lai, qua đó cho thấy kinh tế không chỉ là việc nhìn lại những gì đã qua, mà còn đồng thời là những chuẩn bị cho ngày sắp tới.
Có thể nói qua Các triết gia thế tục, độc giả sẽ hiểu được vai trò quan trọng của kinh tế học cũng như chân dung của những người vĩ đại góp phần tạo nên những “công trình kiến trúc trí tuệ” có tác động lớn, giúp cho thế giới vốn dĩ hỗn độn trở nên trật tự, hợp lẽ và tươi đẹp hơn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-long-tham-tro-thanh-de-tai-triet-hoc/