Giao thoa văn hóa Hy Lạp và Phật giáo qua di sản Alexander Đại đế

Từ đó, nghệ thuật Hy Lạp - Phật giáo ra đời, lần đầu tiên thể hiện đức Phật dưới dạng hình tượng con người qua chất liệu tượng đá, kim loại, phù điêu, và thậm chí trên tiền xu. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử biểu tượng Phật giáo.

Năm 1913, một người nông dân trẻ tuổi tại Pakistan, Mohammad, trong lúc đào đất để xây nhà, đã vô tình phát hiện ra một điều kỳ diệu: Khi lộ ra một gương mặt bằng đá với những đường nét mang đậm phong cách Hy Lạp, ông không hề biết rằng mình vừa khám phá khu phức hợp đền Greco-Buddhist cổ xưa tại Jamal Gardi, thuộc vùng đất từng được gọi là Gandhara.

Khi nhìn vào đôi mắt thần thánh của bức tượng, trông như một vị thần Hy Lạp, Mohammad không khỏi kinh ngạc. Sau khi đào lên bức tượng, cha của ông nhanh chóng tận dụng cơ hội và bán nó cho một người lính Anh. Tuy nhiên, bức tượng này lại vô cùng đặc biệt, nó có kiểu tóc xoắn bọt đặc trưng của đức Phật, nhưng lại pha trộn mái tóc gợn sóng điển hình của các anh hùng Hy Lạp. Ngày nay, hiện vật này được xem là một trong những bức tượng Greco-Buddhist cổ nhất từ triều đại Kushan (30-375 CN) và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London.

Ý nghĩa của khám phá này rất sâu sắc.

Thứ nhất, những bức tượng Gandhara là những hình ảnh đầu tiên của đức Phật được khắc họa dưới hình dáng con người. Trước đó, nghệ thuật Phật giáo mang tính biểu tượng (aniconic), chỉ được thể hiện qua các vật thể như hoa sen, bánh xe pháp luân hay dấu chân, chứ không phải hình dạng con người.

Trong suốt 600 năm sau khi Thái tử Siddhartha Gautama ra đời, hình ảnh của Ngài chưa từng được khắc trên đá.

Tượng đức Phật bằng đá phiến xám, Gandhara, thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Carlton Rochell Asian Art, New York, 2007. (ảnh: Rebecca Wong)

Tượng đức Phật bằng đá phiến xám, Gandhara, thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Carlton Rochell Asian Art, New York, 2007. (ảnh: Rebecca Wong)

Thứ hai, đức Phật mà chúng ta biết ngày nay vốn là một vị hoàng tử thuộc dòng tộc Shakya của Ấn Độ. Thế nhưng, bức tượng đức Phật đầu tiên được tìm thấy lại mang nhiều nét giống gương mặt Hy Lạp hơn là người Ấn Độ. Điều này đặt ra những câu hỏi thú vị về sự ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, đặc biệt ảnh hưởng từ thời Alexander Đại đế đối với khu vực này.

Khi ngắm nhìn bức tượng Phật bí ẩn, được phát hiện cách thế giới của đức Phật ở Lumbini và Bodh Gaya tới 1.900 km, tôi tự hỏi không chỉ Alexander Đại đế đã ảnh hưởng đến Phật giáo như thế nào, mà ngược lại, Phật giáo đã tác động ra sao đến Alexander Đại đế và văn hóa Hy Lạp?

Để tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của Phật giáo đối với Alexander, tôi đã tìm đến giáo sư Georgios Halkias, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học của Đại học Hong Kong, đồng thời là đồng tổng biên tập của Bách khoa toàn thư Phật giáo Oxford.

Trong buổi phỏng vấn, tôi đặt câu hỏi trực tiếp: “Có khả năng Alexander Đại đế đã chịu ảnh hưởng từ giáo lý của Phật giáo?”

Rebecca Wong và Giáo sư Halkias. Hình ảnh do tác giả cung cấp.

Rebecca Wong và Giáo sư Halkias. Hình ảnh do tác giả cung cấp.

Với một nụ cười bí ẩn, vị học giả gốc Athens trả lời sau một khoảnh khắc suy tư: “Sự vắng mặt của bằng chứng vật chất không có nghĩa là sự việc không tồn tại”.

Cội nguồn kết nối: Alexander đại đế và nghệ thuật Phật giáo

Trước khi Alexander Đại đế đến Gandhara vào năm 327 TCN, Phật giáo đã tồn tại khoảng 200 năm. Tuy nhiên, nghệ thuật Phật giáo thời kỳ này chủ yếu biểu hiện qua các biểu tượng trừu tượng thay vì hình tượng con người. Đức Phật thường được mô tả qua các biểu tượng thể hiện sự vắng mặt thanh cao, như dấu chân, ngai trống, cột lửa, hay chiếc lọng che. Ngoài ra, còn có bốn biểu tượng thần thoại gắn liền với cuộc đời đức Phật: Hoa sen tượng trưng cho sự đản sinh, cây bồ đề biểu trưng cho sự giác ngộ, bánh xe Pháp xoay chuyển bài pháp đầu tiên, và bảo tháp biểu hiện Niết bàn tối hậu.

Khi Alexander xâm chiếm khu vực Trung Á và tiểu lục địa Ấn Độ, ông mang theo làn sóng ảnh hưởng Hy Lạp đến vùng đất này. Các nghệ nhân Hy Lạp đã giới thiệu kỹ thuật điêu khắc hình thể người, sự tinh xảo trong cách tạo nếp gấp trang phục, và kỹ thuật phối cảnh vào nghệ thuật và điêu khắc. Từ đó, nghệ thuật Hy Lạp - Phật giáo ra đời, lần đầu tiên thể hiện đức Phật dưới dạng hình tượng con người qua đá, kim loại, phù điêu, và thậm chí trên tiền xu. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử biểu tượng Phật giáo.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật Hy Lạp và truyền thống địa phương Ấn - Arya đã tạo nên sự hòa quyện văn hóa và nghệ thuật độc đáo, đánh dấu khởi đầu của nghệ thuật Hy Lạp - Phật giáo. Đức Phật thường được miêu tả với các đặc điểm của nghệ thuật Hy Lạp - La Mã như mái tóc uốn sóng, nét mặt thanh thản, và trang phục xếp nếp tinh tế.

Sự giao thoa văn hóa này tiếp tục phát triển dưới thời các vị vua kế nhiệm của Alexander. Các vị vua Hy Lạp - Ấn Độ, theo gương các vị vua thành bang Hy Lạp, trở thành những nhà bảo trợ cho nghệ thuật, duy trì và phát huy những đặc điểm nghệ thuật độc đáo của khu vực.

Phù điêu Alexander Đại đế đang dâng lễ vật cho Amun-Ra tại Đền Luxor, Ai Cập (ảnh: Rebecca Wong)

Phù điêu Alexander Đại đế đang dâng lễ vật cho Amun-Ra tại Đền Luxor, Ai Cập (ảnh: Rebecca Wong)

Chiến dịch của Alexander không chỉ mở ra các tuyến đường thương mại qua Đế quốc Parthia và các thành phố Hy Lạp - Ấn Độ mà còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, tôn giáo và triết học. Những tuyến đường này, mở ra từ trước khi Trương Khiên (mất năm 114 TCN) khai thông Con đường Tơ lụa từ Trung Quốc khoảng 200 năm, là cầu nối đưa Phật giáo lan tỏa đến phương Tây.

Hơn nữa, các tác phẩm nghệ thuật khắc họa đức Phật và câu chuyện về cuộc đời Ngài theo phong cách Hy Lạp - Ấn Độ đã giúp Phật giáo trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với cả người dân địa phương Gandhara lẫn những người Hy Lạp sống tha hương. Khu vực này có sự đa dạng ngôn ngữ, bao gồm Gandhari, Sanskrit, Hy Lạp, Ba Tư cổ đại, và nhiều phương ngữ khác.

Nghệ thuật có sức mạnh kỳ diệu trong việc vượt qua rào cản ngôn ngữ, kể lại những câu chuyện chạm đến trái tim cả người biết chữ và không biết chữ. Qua ngôn ngữ chung của sắc màu và hình khối, nghệ thuật truyền tải cảm xúc và những câu chuyện mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận, từ đó xây dựng cảm giác bình đẳng và chung số phận.

Cuối cùng, liệu Alexander, vốn quen thuộc với đa thần giáo Hy Lạp và Ai Cập, có ảnh hưởng đến sự chuyển đổi từ khuynh hướng “triết học - khổ hạnh” sang một lối thờ phụng mang tính tôn giáo, không chỉ qua bảo tháp mà còn thông qua hình tượng đức Phật? Điều này có thể đã góp phần vào sự ra đời của Phật giáo Đại thừa.

“Dù bằng cách nào, sự tương tác giữa người Hy Lạp và các phật tử đã dẫn đến sự ra đời của một điều tuyệt vời mà chúng ta biết đến ngày nay với tên gọi Phật giáo Đại thừa,” giáo sư Georgios Halkias khẳng định.

Sự truyền tải vô hình qua nghệ thuật và vũ điệu

Những ảnh hưởng từ vũ điệu cổ đại Hy Lạp vẫn vang vọng trong lòng các tu viện vùng Ladakh ngày nay, thông qua điệu múa cham nổi tiếng của khu vực này. Những điệu múa vòng tròn như syrtos, sirtakikalamatianos của Hy Lạp, nơi các vũ công nắm tay nhau và nhảy theo vòng tròn, có thể là nguồn cảm hứng cho điệu múa mừng lễ cưới vẫn được thực hành ở Thung lũng Swat - từng được biết đến với tên gọi Oddiyana, nơi có khả năng là quê hương của Ngài Padmasambhava.

Một hình ảnh Alexander trong bức tranh khảm Alexander, khoảng năm 120-100 TCN, được khai quật ở Pompeii, Ý. (Ảnh: worldhistory.org)

Một hình ảnh Alexander trong bức tranh khảm Alexander, khoảng năm 120-100 TCN, được khai quật ở Pompeii, Ý. (Ảnh: worldhistory.org)

Joseph Houseal, Giám đốc tổ chức Core of Culture Dance Preservation (một tổ chức cam kết bảo tồn di sản phi vật thể thế giới, đặc biệt là các vũ điệu cổ và truyền thống chuyển động đang có nguy cơ mai một), chia sẻ với Raymond Lam - Biên tập viên cao cấp của BDG và tôi rằng, ở Pakistan, có một điệu múa gọi là “Attan”, từng rất phổ biến ở Thung lũng Swat. Đây là một điệu múa vòng tròn, với các bước xoay xoắn ốc theo cả hai hướng. Houseal cho biết, điệu múa này giống với cham, nhưng thường hoang dã hơn, mang tinh thần chân thật và đôi khi là trạng thái xuất thần.

Các nhạc cụ như rubab (đàn giống đàn luýt của Swat) có sự tương đồng với pandura của Hy Lạp, đồng thời chia sẻ linh hồn giai điệu với dranyen – đàn luýt Tây Tạng. Nhịp trống của daf gợi nhớ đến tympanon của Hy Lạp, đồng thời có đối ứng trong damaru - chiếc trống nhỏ hai mặt quan trọng trong nghi lễ và vũ điệu vùng Himalaya. Những nhạc cụ truyền thống khác như sáo bansuri, tương tự sáo aulos Hy Lạp, cũng phản chiếu giai điệu ngọt ngào của lingbu - sáo trúc Tây Tạng. Những nhạc cụ này dệt nên bức tranh giàu có về di sản âm nhạc chung, nhấn mạnh mối liên hệ bền vững giữa các khu vực cách biệt nhưng đầy gắn kết này.

Phật giáo ảnh hưởng đến Alexander Đại đế và Hy Lạp như thế nào?

Khi đến Taxila (Pakistan ngày nay) sau chặng hành trình dài 4.400 km, Alexander Đại đế đã đi qua các vùng đất từ Macedonia và Hy Lạp đến Ai Cập và Ba Tư. Taxila là trung tâm triết học và nghiên cứu tôn giáo cổ xưa: đại học Taksashila Visvavidyalaya được thành lập từ khoảng năm 700 TCN.

Taksashila Visvavidyalaya thu hút các nhà chiêm tinh, triết gia, bác sĩ, nhà làm luật, tu sĩ và chiến lược gia quân sự. Học viện này ra đời trước Học viện của Plato - được coi là trung tâm triết học đầu tiên trên thế giới - khoảng 300 năm. Có lẽ, Alexander cảm thấy thân thuộc với nơi này, giống như đang quay lại Athens, nơi ông được Aristotle dạy dỗ, khơi gợi tình yêu học hỏi và khám phá thế giới.

Giáo sư Georgios Halkias, chuyên gia về Phật học đến từ đảo Rhodes, Hy Lạp, cho biết Alexander không chỉ tiếp xúc với các thực hành Phật giáo sớm mà còn chịu ấn tượng sâu sắc bởi các nhà hiền triết Ấn Độ, được người Hy Lạp gọi là gymnosophists (những triết gia khổ hạnh). Trong số này, một hiền triết mang tên Kalanos trở thành người thầy và bạn đồng hành của Alexander trong hai năm cuối đời.

Alexander Đại đế nhận được tin về cái chết do bị thiêu sống của nhà thể dục học người Ấn Độ Calanus (1672), Jean-Baptiste de Champaigne (1631-81). (Ảnh: wikipedia.org).

Alexander Đại đế nhận được tin về cái chết do bị thiêu sống của nhà thể dục học người Ấn Độ Calanus (1672), Jean-Baptiste de Champaigne (1631-81). (Ảnh: wikipedia.org).

Kalanos, theo các ghi chép lịch sử, đã chọn kết thúc cuộc đời bằng cách tự thiêu khi mắc bệnh, nhằm giữ tâm trí minh mẫn trước khi qua đời. Hành động này, theo Giáo sư Halkias, phản ánh thực hành của một số Phật tử để duy trì sự tỉnh thức trong lúc qua đời (đặc biệt để bước vào các tầng thiền định - jhanas). Năm đó là 322 TCN, trùng với năm Alexander Đại đế qua đời tại Babylon.

Pyrrho of Elis: Người sáng lập trường phái Pyrrhonism

Trong khi Kalanos có ảnh hưởng cá nhân lớn đối với Alexander, thì người đã mang tư tưởng Phật giáo về Hy Lạp chính là Pyrrho xứ Elis (khoảng 360–270 TCN), theo giáo sư Halkias. Từng là một nhà thơ trẻ theo Alexander tới Ấn Độ, Pyrrho đã học hỏi từ các gymnosophist và sáng lập trường phái triết học của riêng mình mang tên Pyrrhonism, một dạng hoài nghi luận sơ khai.

Triết học của ông nhấn mạnh sự nghi ngờ và tính bất định, khuyến khích việc đình chỉ phán đoán (epoché) đối với mọi niềm tin và quan điểm. Theo Pyrrho, bằng cách không đưa ra các kết luận chắc chắn và tránh khẳng định tuyệt đối, con người có thể đạt được sự thanh thản trong tâm trí (ataraxia). Quan điểm này gợi ý rằng vì con người không thể đạt tới tri thức chắc chắn, con đường khôn ngoan nhất là kiềm chế niềm tin và luôn cởi mở với nhiều góc nhìn khác nhau.

Tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của Pyrrho xứ Elis, bản sao La Mã từ Bảo tàng Khảo cổ học Corfu, Hy Lạp(ảnh: wikipedia.org).

Tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của Pyrrho xứ Elis, bản sao La Mã từ Bảo tàng Khảo cổ học Corfu, Hy Lạp(ảnh: wikipedia.org).

Những khái niệm này có điểm tương đồng với tư tưởng Phật giáo về sự xả ly và tính không nhị nguyên. Triết học Phật giáo cũng tránh các suy đoán siêu hình: Đức Phật từng khẳng định rằng Ngài chỉ thuyết giảng về khổ đau và cách vượt qua nó, đồng thời sử dụng ví dụ về mũi tên tẩm độc để chỉ trích những người học trò bị ám ảnh bởi các câu hỏi không thể trả lời, như nguồn gốc của vũ trụ.

Pyrrhonism đã ảnh hưởng sâu sắc đến các truyền thống triết học sau này, đặc biệt là chủ nghĩa hoài nghi cổ đại và các tác phẩm của các triết gia như Sextus Empiricus, người gọi Pyrrho là “một người đàn ông của sự tĩnh lặng không gợn sóng,” theo lời giáo sư Halkias.

Phỏng đoán về sự giao thoa văn hóa Hy Lạp và Ấn Độ

Tôi bị hấp dẫn bởi sự giao thoa văn hóa giữa Hy Lạp và Ấn Độ đến mức không thể không suy nghĩ và đặt ra giả thuyết. Liệu hình ảnh của Alexander có thể chính là mô hình đầu tiên cho các bức tượng Gandhara?

Ông ta chắc chắn đã nghĩ mình là một vị thần, thậm chí tuyên bố nguồn gốc thần thánh. Alexander nổi tiếng với những gì chúng ta ngày nay gọi là “cosplay” hoặc nhập vai thực tế sống, khi ông giả làm các vị thần và mang các đặc điểm của họ tại những vùng đất chinh phục.

Đây là một chiến lược có tính toán để củng cố tính chính danh và di sản của ông thông qua việc liên kết với quyền năng thần thánh. Sau khi qua đời, ông thường được thờ phụng như một vị thần, với các đền thờ được xây dựng để tôn vinh ông. Ngay cả ngày nay, ở Trung Á vẫn có những bộ tộc tuyên bố là hậu duệ của Alexander, kể lại các bản anh hùng ca chứa đựng ký ức xa xưa về các cuộc chinh phạt của ông.

Chứng bệnh vĩ cuồng của Alexander thường được thể hiện rõ rệt. Ông đã đặt tên hơn 70 thành phố là Alexandria. Có những chạm khắc bằng đá mà ông được mô tả là thần bảo hộ Vajrapani. Chính trong thời kỳ này, nhiều bồ tát bắt đầu xuất hiện, mang hình thái cụ thể cho giai đoạn đầu của Đại Thừa.

Tôi hình dung rằng sẽ không thể nào nghĩ đến một hình ảnh nào khác ngoài chính ông ta để trở thành biểu tượng tối cao của Đức Phật. Điều chắc chắn mà chúng ta biết là sự hòa quyện giữa truyền thống Hy Lạp và Phật giáo đã làm giàu thêm cho cả hai nền văn minh, để lại một di sản lâu dài trong âm nhạc, nghệ thuật, triết học và văn hóa.

Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mà tôi háo hức chờ đợi những khám phá mới.

Chuyển ngữ: Thường Nguyên

Theo: Rebecca Wong

(https://www.buddhistdoor.net/features/alexander-the-great-and-the-buddha-a-cross-cultural-evolution/)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-thoa-van-hoa-hy-lap-va-phat-giao-qua-di-san-alexander-dai-de.html