Khi lụa lãnh Mỹ A trứ danh được 'dệt' bằng... ngôn ngữ kiến trúc
Táo bạo nhưng thực tế, Phạm Duy Tân đã đưa một khái niệm mới về bảo tàng trong đồ án tốt nghiệp của mình với tên gọi 'Bảo tàng Lãnh Mỹ A'. Đồ án này đã xuất sắc đoạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32.
Nếu như đình làng là trái tim của làng xã thì bảo tàng chính là trái tim của làng nghề. Bằng ngôn ngữ kiến trúc, Phạm Duy Tân đã kể một câu chuyện về lãnh Mỹ A - một làng nghề truyền thống đậm chất Nam bộ - sinh động và đậm chất nhân văn.
Với tư duy kiến trúc phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm cùng cách thể hiện sáng tạo trong đồ án của mình nhưng luôn bám chặt thực tế “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” của Phạm Duy Tân là một trong hai đồ án xuất sắc đã được trao giải nhất Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32 (*) vừa tổ chức tại Hà Hội cách nay ít lâu.
Bảo tồn làng nghề bằng ngôn ngữ kiến trúc
Điều gì đã gợi cho bạn ý tưởng “Bảo tàng Lãnh Mỹ A”?
Lãnh Mỹ A đến với tôi một cách khá tự nhiên, có lẽ đó một phần ký ức còn đọng lại của một đứa con sinh ra ở miền sông nước Cửu Long. Không một ai ở miền đất này mà không biết về lãnh - cái thứ lụa được người ta vẫn rỉ tai với nhau là báu vật sống.
Xưa nay, phàm thứ gì quý hiếm thì đều khó khăn và nhiều khổ tâm.Lãnh Mỹ A, loại lụa cầu kì duy mỹ số một trên dải đất Việt, là một loại khổ tâm như thế! Lụa lãnh Mỹ A được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa trong suốt nửa năm trời. Nguyên liệu hảo hạng, thuần khiết từ thiên nhiên, biết bao vất vả và tinh hoa tay nghề thủ công của nghệ nhân dệt và nhuộm lụa mới làm nên tấm vải. Thế nhưng nay chỉ còn một gia đình còn làm nghề.
Qua quá trình tìm hiểu về lãnh, về xứ lụa Tân Châu, thấu cảm được nỗi cực khổ để cho ra một sản phẩm độc nhất vô nhị, như mỗi việc nhuộm vải thôi đã đòi hỏi trình độ cảm nhận cao về màu sắc hay cả việc phơi lụa phải tuân theo yêu cầu ánh sánh nắng sớm ngoài đồng, tôi nghĩ đồ án này phải được thực hiện một cách sâu sắc và gắn bó với người dân ở đây, quang cảnh ở đây. Và “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” chính là kết quả của quá trình phân tích - tổng hợp về hiện trạng, quy hoạch, đặc điểm khí hậu - thủy văn - thổ nhưỡng, đặc điểm văn hóa và tiềm năng phát triển của vùng đất Tân Châu với một mục tiêu lớn nhất là “Hồi sinh vùng đất chết”.
Với đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” bạn đã kể một câu chuyện về bảo tồn làng nghề bằng ngôn ngữ kiến trúc. Bạn có thể chia sẻ về phương pháp độc đáo này?
Qua việc tìm hiểu đời sống làng lụa Tân Châu tôi cảm nhận được những mâu thuẫn của nhiều người dân nơi đây trong tình hình hội nhập chung của đất nước và thế giới. Nhiều người dân ở xứ Tân Châu này đã không còn mặn mà với danh xưng “dân bàn tay đen” này nữa vì không chịu nổi sương nắng dãi dầu. Dường như họ quá say sưa với lối suy nghĩ cũ mà quên mất mình là ai. Những truyền thống rực rỡ chỉ là quá khứ.
Hiện thực đặt ra một vấn đề mang tính cấp bách là: làm sao để hồi sinh một làng lụa Tân Châu phát triển hài hòa về nhiều mặt và tất nhiên sẽ không có một sự can thiệp thô bạo nào vào đời sống của người dân nơi đây? Theo đó, sẽ hình thành một tuyến du lịch và Tân Châu là điểm đến.
Trong làng lụa Tân Châu, việc gầy dựng lại nghề “tằm tang” được coi là giải pháp then chốt. Bởi ngoài việc đảm bảo làng nghề được phát triển bền vững còn kết nối các hình thức thăm quan trải nghiệm làng nghề và phát triển du lịch sinh thái. Bảo tàng Lãnh Mỹ A được sinh ra như một khoảng liên kết giữa các chức năng khác, có phần nổi trội, mang tính “điểm tựa” và phải có sự gắn bó hữu cơ với làng về mặt văn hóa và hình tượng kiến trúc.
Dẫu biết giấc mơ “Hồi sinh vùng đất chết” sẽ không hề dễ dàng, nhưng chúng ta dám hy vọng đó sẽ là một hướng đi mới cho nhiều làng quê khác ở Việt Nam trên cơ sở phục dựng lại những giá trị cổ xưa, tôn trọng và chấp nhận những gì đang tồn tại.
Liệu có “quá sức” cho bảo tàng khi bản thân nó chức năng lưu giữ vẫn là chủ yếu?
Qua việc thiết kế một bảo tàng Lãnh Mỹ A có thể thấy như thế này:
Thứ nhất, làng nghề truyền thống là di sản “sống” đang tồn tại, vẫn giữ được sự hợp nhất của văn hóa ở, sinh hoạt và văn hóa nghề. Do đó, nó cần được bảo tồn như một đối tượng di sản văn hóa. Nếu như công tác bảo tồn chỉ dừng lại ở tính chất “cứu vớt” thì có thể giữ được vật chất mà không được thần.
Tôi thấy rằng, việc nhìn nhận mối quan hệ giữa bảo tàng với làng nghề không khác mấy mối quan hệ giữa đình làng với làng xã trong tập quán sinh sống của người Việt. Từ xưa, ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ thành hoàng và là nơi sinh hoạt, hội họp của dân chúng, một không gian đa chức năng và có tính thời đại. Do đó việc thiết kế Bảo tàng Lãnh Mỹ A cần được cân nhắc về mặt quy mô và công năng so với những bảo tàng đơn thuần (phần lớn đóng vai trò lưu trữ và bảo tồn hiện vật) để phục vụ cho mục đích lưu trữ cả phần vật chất lẫn phần hồn.
Thứ hai, việc tạo dựng hình ảnh một bảo tàng lạnh lùng, phô trương hình thức dường như gây ra những cảm quan không tốt. Khi nghĩ về Bảo tàng Lãnh Mỹ A, tôi nghĩ về một không gian gần gũi, tình cảm và sâu sắc; một không gian có tính tầm thước và nhất là phải hợp cảnh quan thiên nhiên.
Ý tưởng dùng Lãnh Mỹ A là chất liệu chính cho toàn bộ nội thất công trình đến từ việc tìm hiểu cấu trúc và tính chất của lãnh. Tấm lãnh Mỹ A được dệt bằng phương pháp Sateen 8 trên khung gỗ (đây là kĩ thuật vân đoạn khó nhất trong các phương pháp dệt tơ tằm). Nhờ cách dệt này mà tấm lãnh có đặc tính thoáng mát và rút mồ hôi, cùng với sợi 100% tơ tằm nên mặc vào mùa đông thì ấm, mùa hạ thì mát. Đó cũng như một cách tôn vinh sản phẩm và tạo nên tính đặc trưng cho toàn bộ không gian.
Chất nhựa của trái mặc nưa cũng là một chất liệu khá hấp dẫn – làm cho mọi thứ trở nên đen tuyền và óng ả. Khi thực hiện đồ an, tôi hình dung về một không gian phủ đầy lãnh Mỹ A và người du khách bước vào bảo tàng sẽ được đắm chìm trong cảm giác mát lạnh của lãnh - óng ả của tơ tằm - đen tuyền từ màu nhuộm của trái mặc nưa. Hành trình tham quan Bảo tàng Lãnh Mỹ A là hành trình du khách tự hóa thân thành tấm lãnh trải qua các giai đoạn từ trải cửi, mắc cửi, dệt lụa đến đập, vắt, xả, nhuộm và cuối cùng là tận tay chiêm ngưỡng tấm lãnh trong hình hài mới (trang phục lãnh).
Kiến trúc vì con người và đều bắt đầu từ thực tế!
Khi thực hiện đồ án của mình, bạn quan tâm điều gì nhất?
Tính cộng đồng. Tính cộng đồng ở đây là yếu tố con người, lấy con người là trung tâm. Sự kết nối giữa con người chính là điều khiến tôi quan tâm nhất.
Từ những ngày đầu thực hiện đồ án, tôi và giáo viên hướng dẫn của mình đã vạch rõ hướng đi trong việc thiết kế cả về quy hoạch lẫn kiến trúc với một mục tiêu duy nhất là hồi sinh làng lụa Tân Châu. Như đã đề cập trong giải pháp quy hoạch, mọi phương án được đưa ra luôn hướng tới lợi ích của con người và cộng đồng, cũng chính là lối Kiến trúc vị Nhân sinh.
“Bảo tàng Lãnh Mỹ A” được đánh giá là đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Qua đó, bạn gửi gắm điều gì? Và bạn có nghĩ tới việc khả năng hiện thực hóa nó?
Chặng đường năm năm theo học tại trường Kiến trúc, đối với tôi nó đủ làm thay đổi một con người. Tôi từng nghĩ, có lẽ mình không thể gắn bó với ngành này lâu dài, bởi tôi cho rằng mình chưa đủ tố chất để trở thành một kiến trúc sư. Thực hành kiến trúc đối với tôi chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, có cả khoa học và nghệ thuật, cả lí trí và cảm xúc, và hơn cả là sự khổ tâm.
Đồ án tốt nghiệp như một điểm mốc - đây được xem như là những viên gạch đầu tiên trong hành trình tìm kiếm kiến trúc của bất kì kiến trúc sư nào.
Suy nghĩ về đồ án tốt nghiệp, tôi nghĩ đó sẽ là một đề tài rất tự do và không có những ràng buộc lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà nó chỉ đáp ứng tính hiện đại hay tạo hình nhăng cuội, mà còn là sự tìm tòi có ý thức và hiểu biết. Việc tiếp cận đề tài một cách sâu sắc sẽ cho tôi những cảm nhận mới mẻ về mối quan hệ giữa con người và kiến trúc, giữa kiến trúc và môi trường, mà rộng hơn cả là môi trường văn hóa.
Dẫu biết rằng làng lụa Tân Châu và Lãnh Mỹ A đã và đang đối mặt với nguy cơ thất truyền khi thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu lẫn nhân công. Nhưng ta nên chấp nhận rằng đó chỉ là những bất cập đáng có khi tiếp cận với bất cứ một di sản văn hòa nào. Trên tất cả vẫn là quyết tâm hồi sinh lại huyền thoại Lãnh Mỹ A, là giấc mơ về một làng lụa Tân Châu hài hòa về cuộc sống.
Chính việc ý thức về giá trị của nghề kiến trúc và niềm tin vào một tương lai tươi sáng đã cho tôi những bước đi mạnh mẽ trong việc lập luận, thiết kế và tin vào khả năng hiện thực hóa của đồ án. Và với đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” tôi thấy thật đáng để đặt sự khổ tâm của mình vào, cũng là mong muốn tìm ra một hướng đi mới, một chiều cảm nhận mới cho bản thân.
Tôi không bắt đầu bằng các ý tưởng, mà ngược lại, tôi đi về thực tế. Tôi thường nghĩ nhiều về hiện trạng và bối cảnh thay vì đầu tư cho một ý tưởng táo bạo và khác biệt! Điều đó tạo nên sự cân bằng giữa ý tưởng và thực tế, cũng như dễ dàng nhận được sự chấp nhận của xã hội.
Sáng tạo cần phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh và nghệ thuật cụ thể. Một khi biến chất liệu của thực tại thành đầu vào trong thiết kế thì sự sáng tạo là không ngừng. Ta không thể nào áp dụng cùng một phương thức hay giải pháp thiết kế vào các công trình khác nhau, bởi mỗi một công trình sẽ có những điều kiện thực tế khác nhau. Vì vậy, khi tìm hiểu thực tế một cách sâu sắc thì mỗi giải pháp thiết kế luôn là duy nhất!
Sau khi tốt nghiệp bạn có định hướng nghề nghiệp cho bản thân? Liệu “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” có là tiền đề cho hướng đi là những công trình mang tính cộng đồng?
Tôi không phải là tuýp người có quá nhiều kế hoạch cho bản thân. Chặng đường sau tốt nghiệp sẽ là một chương hoàn toàn mới và tôi sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ ở mọi mặt trong cuộc sống.
Cảm ơn bạn về những chia sẻ.
Lệ Quyênthực hiện
________________
(*) Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng thường niên được phối hợp tổ chức bởi Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Giải thưởng nhằm động viên, khích lệ những sinh viên năm cuối có năng lực tốt trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng trước khi ra trường.