Khi luật pháp bước vào không gian số
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang mở ra một bước ngoặt về tư duy lập pháp, thể hiện tinh thần hội nhập, chủ động và dũng cảm trong việc thích ứng với thời đại công nghệ số.
Trong dòng chảy tích cực đó, một số góp ý được đặt ra không phải để phủ định, mà để tiếp sức cho tinh thần cải cách được đi đến cùng, trọn vẹn và có chiều sâu.
Trong nhiều năm làm luật sư đồng hành cùng các cơ quan báo chí, tôi chứng kiến không ít lần những người làm nghề bị tổn thương không phải vì sai phạm trong bài viết, mà bởi sự bóp méo có chủ đích của các kênh phát tán lại nội dung trên mạng xã hội. Một tiêu đề bị giật khác, một đoạn phát ngôn bị cắt khỏi ngữ cảnh, một fanpage mạo danh cơ quan báo chí - những điều đó có thể khiến nỗ lực tác nghiệp nghiêm túc trở nên méo mó trong mắt công chúng chỉ sau vài giờ.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang mở ra một bước ngoặt về tư duy lập pháp, thể hiện tinh thần hội nhập, chủ động và dũng cảm trong việc thích ứng với thời đại công nghệ số. Ảnh minh họa - nguồn Internet
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Báo chí - sau hơn một thập kỷ vận hành - là điều tất yếu. Nhưng điều đáng quý nằm ở chỗ: Dự thảo lần này không chỉ “sửa cho đủ”, mà đã “sửa cho đúng” và cho thấy sự cập nhật sâu sắc với thực tiễn số hóa đang chi phối toàn bộ đời sống truyền thông hiện nay.
Một trong những điểm tiến bộ đáng trân trọng là việc lần đầu tiên đưa “kênh nội dung số của cơ quan báo chí” vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đây không phải là động tác kỹ thuật, càng không phải sự chạy theo hình thức. Đó là sự thừa nhận nghiêm túc rằng báo chí hôm nay không chỉ còn sống trên mặt giấy hay trong không gian phát sóng truyền thống, mà tồn tại mạnh mẽ – và có lẽ là chủ yếu - qua các nền tảng số: fanpage, YouTube, podcast, nền tảng phân phối đa phương tiện.
Chúng ta đã nói rất nhiều về chuyển đổi số trong báo chí, nhưng phải đến lần sửa đổi này, chuyển đổi ấy mới thật sự có hành lang pháp lý đi kèm. Đưa các kênh số vào phạm vi bảo hộ của luật là đặt nền móng để báo chí chính thống tồn tại, cạnh tranh và phát triển bền vững trong một không gian mà tin giả, tin sai và tin cắt ghép đang lấn át cả âm thanh của sự thật.
Không chỉ dừng lại ở việc gọi tên kênh số, dự thảo còn bước tiếp một bước dài khi quy định trách nhiệm pháp lý của các nền tảng trung gian - điều mà nhiều quốc gia có nền báo chí phát triển đã làm từ lâu. Với các điều khoản tại Điều 30 và 31, lần đầu tiên các nền tảng chia sẻ nội dung phải đối mặt với nghĩa vụ cụ thể nếu sử dụng lại nội dung báo chí mà không thỏa thuận, hoặc phát tán nội dung bị bóp méo.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.
Tôi đánh giá rất cao sự chủ động trong cách tiếp cận này. Nó không chỉ thể hiện tư thế của một nền lập pháp hội nhập, mà còn là tín hiệu cho thấy nhà nước sẵn sàng đứng về phía những người làm nghề trung thực, những người đưa tin có trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng chính vì Dự thảo đã đặt ra kỳ vọng cao, nên những góp ý dưới đây không xuất phát từ sự nghi ngờ, mà từ mong muốn tinh thần lập pháp đổi mới ấy được hoàn chỉnh hơn, sắc sảo hơn.
Trước hết, việc công nhận kênh nội dung số là một cấu phần hợp pháp của cơ quan báo chí nên được đi kèm với định nghĩa rõ ràng trong phần giải thích từ ngữ. Bởi thực tế, ranh giới giữa kênh số chính danh của cơ quan báo chí và các hình thức truyền thông cá nhân đang rất mờ nhạt. Nếu không làm rõ, rất khó để triển khai trách nhiệm bảo vệ hoặc xử lý khi có vi phạm xảy ra.
Thứ hai, cơ chế phản ứng nhanh cần được đưa vào luật như một nguyên tắc hành động, chứ không chỉ là một kỳ vọng. Một bài báo bị xuyên tạc tiêu đề, cắt ghép hình ảnh và phát tán rộng rãi trên nền tảng số có thể gây tổn hại lớn chỉ sau vài giờ. Trong khi đó, quy trình xử lý hiện nay - nếu có - vẫn còn chậm và thiếu công cụ pháp lý rõ ràng. Tôi cho rằng luật nên thiết lập một ngưỡng thời gian cụ thể (ví dụ: 48 giờ) để các nền tảng phản hồi và xử lý khi nhận được yêu cầu chính danh từ cơ quan báo chí hoặc nhà báo bị ảnh hưởng. Những nội dung này cũng có thể là sự lưu ý, khi chúng ta xây dựng các văn bản hướng dẫn luật sau này.
Thứ ba, và là điều tôi trăn trở nhất, đó là việc bảo vệ nhà báo trong môi trường số cần được xác lập thành một nội dung độc lập, có điều khoản cụ thể, có nguyên tắc và trách nhiệm ràng buộc. Nhà báo hôm nay không chỉ tác nghiệp ngoài hiện trường, mà còn hiện diện mạnh mẽ trên không gian mạng. Nhưng họ lại đối diện với rủi ro từ các cuộc tấn công cá nhân, bị vu khống, mạo danh, hoặc cắt ghép phát ngôn mà không có công cụ phản hồi hiệu quả. Bảo vệ nhà báo không phải là đặc quyền, mà là điều kiện cần để bảo vệ một nền báo chí có trách nhiệm.
Tôi cũng ủng hộ mạnh mẽ tinh thần của Dự thảo trong việc mở ra không gian thí điểm sáng tạo - như sandbox cho báo chí. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa báo chí chính thống và các nền tảng nội dung không chịu trách nhiệm pháp lý, nếu không có cơ chế khuyến khích đổi mới có kiểm soát, báo chí sẽ bị tụt lại phía sau trong chính vai trò dẫn dắt thông tin.
Dĩ nhiên, thách thức trong quá trình triển khai sẽ không nhỏ. Việc phối hợp liên ngành, xác lập trách nhiệm giữa các chủ thể mới, và xử lý tranh chấp nhanh trong không gian số sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn một đạo luật. Nhưng mọi thay đổi đều bắt đầu từ việc gọi đúng tên, xác lập đúng quyền và gắn đúng trách nhiệm. Và Luật Báo chí (sửa đổi) đang đi đúng hướng đó.
Một đạo luật không cần phải “hoàn hảo từ đầu”, nhưng nhất định phải bắt đầu bằng sự hiểu đúng thực tế và quyết tâm làm cho đúng. Tôi tin rằng, với tinh thần tiến bộ đã được thể hiện, Dự thảo lần này hoàn toàn có cơ hội để trở thành dấu mốc đáng nhớ trong hành trình lập pháp báo chí Việt Nam - không chỉ vì nó cập nhật công nghệ, mà bởi vì nó dũng cảm đứng về phía sự thật, đứng về phía những người đang gìn giữ sự thật mỗi ngày.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khi-luat-phap-buoc-vao-khong-gian-so-post185591.html